Chạy ngay đi...

KHƯƠNG XUÂN 28/10/2018 01:10 GMT+7

TTCT - Sự thật là đến kilômet thứ 18 tôi chỉ lết, chứ không còn chạy được nữa. Vậy nhưng tôi cũng đã lết về đến đích sau 3 giờ 01 phút 18 giây, xếp thứ 458/652 VĐV tham dự cự ly 21km...

Những bước chạy trên phố cổ ở Giải marathon di sản Hà Nội.-Ảnh: Nam Khánh
Những bước chạy trên phố cổ ở Giải marathon di sản Hà Nội.-Ảnh: Nam Khánh

 

Ngày 21-10-2018, lần đầu tiên trong đời tôi hoàn thành cuộc thi bán marathon 21km tại Giải marathon di sản Hà Nội (HIHM), điều trước kia tôi không nghĩ mình làm được.

Bà mẹ hai con và những bước chạy đầu tiên

Sau khi về đích, tôi ngồi rất lâu một mình để nhấm nháp niềm hạnh phúc chưa bao giờ trải qua, thỏa mãn cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi quên mất cảm giác đau đớn trong những cây số cuối cùng trên đường chạy.

Chỉ đến khi bước chân vào nhà tắm, dưới dòng nước, tôi mới cảm nhận được cơn đau từ những vết trầy xước khắp cơ thể - nơi bị quần áo cọ xát trong quá trình chạy. Nửa ngày sau đó, tôi đi cứng đờ như robot. Buổi chiều, khi sang đến nhà chồng và nói mình mới hoàn thành cự ly chạy 21km, mẹ chồng tôi thực sự kinh ngạc.

Tôi là một phụ nữ 33 tuổi có gia đình và hai con. Tôi bắt đầu đến với chạy bộ 18 tháng trước. Đó là vào tháng 4-2017, khi tôi được cơ quan cử tham gia chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa vào tháng 5, chuyến đi mơ ước của đời tôi.

Sợ mình không đủ sức khỏe tham gia hành trình 10 ngày trên biển, tôi đã nhờ một người quen hướng dẫn chạy bộ để rèn thể lực, đó là anh Cao Hà - á quân cự ly 100km tại Giải Vietnam Mountain Marathon 2016.

Theo chỉ dẫn của Cao Hà, mọi ngày tôi đều dậy từ 5h sáng và chạy 5 phút, 10 phút, 15 phút và đến trước ngày lên tàu, tôi đã có thể chạy liên tục 20 phút không nghỉ.

“Hãy thở đều và chạy thật chậm, nhưng nhất định không được đi bộ” - Cao Hà đã nói với tôi như vậy. Cũng như các bà mẹ khác, tôi có lịch làm việc dày đặc ở cơ quan, bên cạnh đó là chăm sóc hai con nhỏ. Để có thời gian cho chạy bộ, tôi phải tận dụng mọi lúc, khi là sáng sớm, lúc là chập tối, thậm chí có thể chạy lúc 22h đêm.

Sau chuyến đi Trường Sa, tôi tiếp tục chạy và thấy mình thực sự yêu thích chạy bộ. Tôi thích cảm giác trên đường chạy, ban đầu là chiến đấu với sự lười biếng của bản thân để xỏ giày đi chạy, tiếp theo là những thay đổi của cơ thể trên mỗi kilômet đến tận khi rã rời.

Sau 4 tháng chạy bộ, tôi thấy khỏe hơn, chạy ổn định 5-7km/buổi, tuần nào cũng cố gắng chạy được 20km. Cuối tuần, khi mọi người thích nghỉ ngơi thì tôi mơ đến mỗi chiều thứ bảy để được chạy trọn vẹn một vòng hồ Tây 16km, dù thời điểm đó tôi chỉ chạy được 10km, còn lại là đi bộ.

Đường chạy - đường đời

“Ở những kilômet cuối cùng, khi cảm giác kiệt quệ và đau đớn về thể xác, mệt mỏi về tinh thần ập đến, làm cách nào để anh đủ sức về đích?” là câu hỏi của tôi với Cao Hà cho chuyên mục “Đối thoại cùng Tuổi Trẻ”. Trong suy nghĩ vào thời điểm tôi chưa chạy bộ, những người có thể làm được như Cao Hà thực sự là “dị nhân”.

Thế nhưng câu trả lời của Cao Hà là: “Tôi có một cuộc sống bình thường như mọi người. Khó khăn trên đường chạy dù có kinh khủng thế nào cũng làm sao sánh được với những khó khăn trên đường đời mà mỗi người phải đối mặt”.

Cao Hà là phó giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp lớn tại VN, mỗi ngày để có thời gian luyện tập, anh thường dậy lúc 4h sáng. Lịch làm việc và luyện tập của anh kín đến độ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, anh hẹn tôi lúc 4h sáng và cuộc thứ hai là 7h sáng, sau khi anh đã chạy nhẹ 15km.

Tôi phỏng vấn Gia Huệ - người phụ nữ vô địch cuộc thi Ironman 70.3 ba năm liên tiếp 2015-2017 tại VN và hai lần giành vé tham dự Giải Ironman vô địch thế giới. Chị cũng là người phụ nữ VN đầu tiên giành vé tham dự cuộc thi Ironman 140.6-Challenge Roth (Đức) vào tháng 7-2017.

“Người sắt” Gia Huệ từng là tiếp viên hàng không và có cuộc sống nghèo khó khi mẹ bị ung thư, chị phải cùng ba nuôi đàn em nhỏ dại. Thế nhưng Gia Huệ đã vượt qua tất cả để thành đạt trong sự nghiệp, chơi thể thao như một VĐV chuyên nghiệp. Gia Huệ nói để có thời gian tập luyện, chị đi ngủ từ 19h và thức dậy lúc 2h sáng để tập luyện, buổi sáng đi làm bình thường.

Tôi lại được gặp Thanh Vũ, cô gái 28 tuổi là người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục thành công 1.000km tại giải chạy “Grand Slam 4 hoang mạc 2016”. Thanh Vũ đã băng qua 4 hoang mạc khắc nghiệt nhất trên thế giới là Sahara, Gobi, Atacama và Nam Cực chỉ trong một năm.

Những câu chuyện thú vị về các nhân vật tôi gặp khiến bản thân được truyền cảm hứng mãnh liệt.

Có tất cả chỉ với... một đôi giày

Trong 5 năm qua, phong trào chạy bộ ở VN phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm 2013, khi Giải Vietnam Mountain Marathon (VMM) đầu tiên được Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức, số người tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thế nhưng đến năm 2018, số người dự VMM đã lên tới 3.500 người, hai năm liên tiếp nhà vô địch cự ly 100km là người VN: Trần Duy Quang, Nguyễn Tiến Hùng. Trong khi Tiến Hùng là công nhân quốc phòng tại Phú Thọ thì Duy Quang là nhân viên văn phòng tại Đà Nẵng.

Hằng năm, dọc từ Bắc đến Nam có đến vài chục giải marathon danh giá từ đường bằng đến đường núi. Một số giải như Hồ Chí Minh marathon, Đà Nẵng marathon thu hút 6.000-7.000 người tham dự. Giới chạy marathon cũng phát triển rộng khắp từ doanh nhân, dân văn phòng, trí thức, công nhân. Anh Phạm Duy Cường (giám đốc doanh nghiệp) là người VN đầu tiên chinh phục cuộc thi Everest Marathon tại Nepal năm 2016.

Cô gái Lê Phương Vy (nhân viên văn phòng) luôn đứng top đầu hàng chục cuộc thi marathon và siêu marathon tại VN. Cô còn là người VN đầu tiên hoàn thành cuộc thi Ironman 140.6 tại Malaysia năm 2017.

Muốn được “hành xác”, các VĐV phải đóng lệ phí ít thì vài trăm ngàn đồng cho cự ly 5-10km, cao tới 4-5 triệu đồng cho cự ly 100km ở các giải siêu marathon ngay tại VN. Anh Nguyễn Đạt (nhà báo) có hai năm hoàn thành cự ly 100km tại VMM, thường xuyên là tình nguyện viên dẫn đường (pacer) trong các cuộc thi marathon.

“Khi tôi chạy thì các đồng nghiệp cùng cơ quan cũng được truyền cảm hứng và cùng xỏ giày đi chạy, trong đó có sếp của tôi. Sếp thậm chí chi tiền thưởng để khích lệ tôi sau mỗi lần về đích tại các cuộc thi lớn” - anh Nguyễn Đạt chia sẻ.

Hàng trăm người VN đã đi khắp nơi trên thế giới tham dự các cuộc thi marathon danh giá. Và nếu chưa thể làm như vậy, bạn cũng sẽ có rất nhiều: sức khỏe, sắc đẹp và niềm vui khi xỏ giày vào và chạy. ■

Nhờ tư nhân

Chạy bộ phát triển rất mạnh, nhưng hầu hết cuộc thi marathon uy tín tại VN đều do tư nhân đứng ra tổ chức như: VMM, VN Jungle Marathon, Long Biên Marathon, Hà Nội Marathon... Một số giải lớn có sự tham gia của các sở VH-TT tỉnh, thành sở tại, nhưng thực chất vẫn do các doanh nghiệp tổ chức, ngành thể thao chủ yếu đóng vai trò “đứng tên” bởi là đơn vị cấp phép.

Hôm 14-6-2018, Sở VH-TT Hà Nội đã công bố tổ chức Giải Marathon quốc tế Hà Nội lần thứ nhất vào ngày 14-4-2019. Tuy nhiên, sau đó 4 tháng, ban tổ chức lại thông báo cuộc thi bị hủy do quá ít người đăng ký. Trong khi “Nhà nước” bó tay thì hôm 21-10, báo Đại Biểu Nhân Dân và VP Bank lại phối hợp tổ chức thành công Giải marathon Di sản Hà Nội ngay giữa lòng thủ đô.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận