18/05/2021 14:00 GMT+7

'Chảy máu' rừng đặc dụng Cham Chu: Tàn sát cổ thụ để lấy nu gỗ

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - 'Chỉ cần chặt một cây nghiến là đi tù mọt gông' - cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu khẳng định. Gỗ nghiến thuộc nhóm IIA - nhóm gỗ quý cấm khai thác.

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu: Tàn sát cổ thụ để lấy nu gỗ - Ảnh 1.

Cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc hạ xuống để lấy nu - Ảnh: VŨ TUẤN

Ấy thế mà những "cụ" nghiến sống qua nhiều đời người trong rừng vẫn bị đốn hạ không thương tiếc.

Rời căn lán tạm lợp lá chuối rừng, chúng tôi mất thêm ba giờ đồng hồ len lỏi qua những mỏm đá tai mèo mới tới được khu làng các "cụ" nghiến. Nơi này thuộc thôn Thẩm Ký, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, cách điểm xuất phát của chúng tôi chừng 4km đường rừng.

Hạ cây khủng để cắt cục nu

Rừng Thẩm Ký toàn đá tai mèo, chỉ những cây kiên gan lắm mới sống được trên núi này. Những cây chày đất, trai, nghiến to vài người ôm, lừng lững vươn lên trong rừng. Cây nào cũng tuổi cụ, kỵ, sống qua nhiều đời người.

Luận, người dẫn đường, đưa chúng tôi thăm xác một "cụ" nghiến khổng lồ. Phần thân nằm ngang, cao ngang vai người lớn. Nhiều đoạn gỗ có vết sơn đỏ, ghi rõ ngày 25-8-2020, hiện trường một vụ phá rừng đặc dụng bị cơ quan chức năng phát hiện năm ngoái. 

Ngày tháng ghi trên khúc gỗ chính là ngày đoàn kiểm tra liên ngành lên khám nghiệm hiện trường, lập biên bản.

Trong vụ án này, lâm tặc bị bắt khi đang chở nu nghiến đi bán. Trước đó, người dân nghi ngờ một nhóm người thỉnh thoảng lại xuống bản mua gà, mua rượu rồi đi vào rừng. Cả một thân cây đồ sộ đổ xuống còn nguyên những vết cắt chéo - lâm tặc lấy nu nghiến chứ không phải xẻ hộp. 

Dân trong vùng gọi là bừu nghiến, ngoài thị trường gọi chung là nu nghiến. Những cục nu gỗ này có vân tròn, muôn hình muôn vẻ. Giá bán tùy vào cảm nhận của người mua, nhưng rất đắt.

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu: Tàn sát cổ thụ để lấy nu gỗ - Ảnh 2.

Cây nghiến có đường kính gần 1m bị lâm tặc hạ trong rừng đặc dụng khu vực Quan Ba - Thẩm Ký, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang - Ảnh: VŨ TUẤN

"Chỉ gùi một cục này ra ngoài bán được mấy triệu, hơn làm ván hộp nhiều - Luận nói - Ở vùng Na Hang, người ta chỉ cắt mỗi cục nu mang đi thôi, chưa thấy bọn nào tàn sát cả cây gỗ cổ thụ để lấy cục nu như bọn này".

Tôi đếm vết cắt trên thân "cụ" nghiến ước chừng 7, 8 cục nu đã bị lấy đi, trên thân cây còn hàng chục cục nu lớn nhỏ lâm tặc chưa kịp cắt thì đã bị bắt. Chúng tôi lo ngại thân cây gỗ khổng lồ này sẽ tiếp tục bị lâm tặc đến cắt đi, lấy cả gỗ lẫn dấu kiểm lâm như những cây nghiến chúng tôi đã gặp hôm qua.

Lo ngại của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở vì chỉ cách cây nghiến này dăm chục bước chân, một xác "cụ" nghiến khác bị hạ, nằm vắt ngang qua những mỏm đá tai mèo. "Cụ" nghiến này bị cưa ngang gốc, đổ xuống, lâm tặc mới khoét vài cục nu mang đi. 

Vết cắt đã lâu, ước chừng thời gian hạ cây nghiến này cùng thời gian với cây nghiến đã được kiểm lâm kiểm tra trước đó. Tuy nhiên không hề có vết sơn nào.

Tiếp tục quan sát, chúng tôi lại phát hiện thêm một cây nghiến cổ thụ nữa cách vị trí hiện tại vài chục bước chân. Như vậy chỉ trong vòng bán kính hơn 100m, có ba cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ. Khối lượng ba cây gỗ này lên tới vài chục mét khối gỗ quý.

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu: Tàn sát cổ thụ để lấy nu gỗ - Ảnh 3.

Hiện trường lâm tặc xẻ gỗ bách xanh trong rừng đặc dụng thuộc thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên. Khi phóng viên Báo Tuổi Trẻ có mặt, lâm tặc vừa mới rời đi - Ảnh: VŨ TUẤN

Mỏi mắt tìm gỗ quý

Trong vai khách du lịch khám phá Cao Đường - một thôn nằm gọn trong thung lũng sát rừng đặc dụng thuộc xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, chúng tôi dễ dàng thử hỏi mua được ba khúc gỗ bách xanh. Khúc gỗ chỉ to bằng cái phích nước, cũ kỹ như khúc củi được bán với giá 70.000 đồng/kg.

Người bán giới thiệu muốn bao nhiêu cũng có, nhưng phải đặt trước và mỗi lần mua số lượng không nhiều. Giá gỗ dao động từ 40.000 - 90.000 đồng/kg, tùy độ lớn, chất lượng gỗ.

Nắm thông tin qua Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu, chúng tôi được biết Cao Đường trước đây là điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ, gần như năm nào cũng có án hình sự liên quan đến gỗ rừng.

Theo cán bộ Hạt kiểm lâm Cham Chu, từ ngày hạt được thành lập (năm 2008) đến nay, số lượng các vụ vi phạm đã giảm đi rất nhiều. Từ hàng chục vụ mỗi năm xuống lác đác vài vụ vi phạm hành chính. Người dân trong thôn Cao Đường cũng ý thức hơn trong bảo vệ rừng. Họ sẵn sàng cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng.

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu: Tàn sát cổ thụ để lấy nu gỗ - Ảnh 4.

Khu vực rừng đặc dụng ở Thẩm Ký còn rất nhiều cây cổ thụ cần được bảo vệ - Ảnh: VŨ TUẤN

Một cán bộ kỹ thuật của hạt cho hay gỗ bách xanh ở rừng Cao Đường chỉ còn những cây tái sinh, to cỡ bắp đùi, mọc cheo leo trên vách đá. Loại gỗ này thuộc nhóm IIA, giống gỗ nghiến, thớ dọc, mềm hơn và rất thơm. Những cây gỗ to bằng bắp đùi cũng ngót nghét trăm tuổi.

Tuy nhiên, chúng tôi quyết định "đột nhập" rừng Cao Đường để tìm hiểu xem những cây gỗ quý bị đem ra khỏi rừng thế nào. Chúng tôi đi từ sáng sớm, gửi xe máy cuốc bộ theo khe núi đi sâu vào rừng để tránh những ánh mắt dò xét. Kinh nghiệm người dẫn đường dẫn chúng tôi lần theo tiếng cưa xăng trong rừng. 

"Có người làm gỗ" - Luận ra hiệu chúng tôi bám theo các mỏm đá tai mèo lên núi.

"Bách xanh đây nà - Luận lôi ra từ hốc đá mấy cục gỗ thơm gần giống mùi trầm hương - Đây chỉ là phần bìa thôi. Hộp gỗ này to lắm. Mấy gang tay thế này cơ mà! Cây bách vài trăm tuổi mới to thế này".

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu: Tàn sát cổ thụ để lấy nu gỗ - Ảnh 5.

Hiện trường vụ án phá rừng đặc dụng cơ quan chức năng huyện Hàm Yên phát hiện tháng 8-2020 - Ảnh: VŨ TUẤN

Chúng tôi lần theo vết cây đổ ngược lên núi, trong bán kính chưa đầy 100m là khu vực người ta mới xẻ gỗ bách xanh, mùn cưa, mảnh gỗ vương vãi trong rừng thơm ngào ngạt.

Chúng tôi đếm được có bốn bãi gỗ bách xanh đang xẻ dở dang, mùn cưa còn tươi nguyên. Một bãi vẫn còn chai nước người ta uống dở bỏ lại. Những hộp gỗ bỏ lại (hoặc chưa kịp lấy đi) phần lớn có chiều rộng khoảng 40cm có vết xẻ bằng cưa máy.

Luận còn lôi trong hốc đá ra 4 khúc gỗ bách xanh, tròn to gần một vòng tay. Những khúc gỗ này được giấu trong rừng để khi thuận lợi, người ta sẽ đến xẻ hoặc mang đi.

"Lâm tặc bây giờ không vào rừng chặt gỗ to mà chỉ làm gỗ quý. Cõng một khúc đi bán được tiền triệu, nếu gặp kiểm lâm thì vứt xuống khe" - Luận nói. 

Cũng theo tay thợ rừng giải nghệ này, cây gỗ nào quý nhất, to nhất trong một khu rừng sẽ bị lâm tặc bức tử bằng nhiều cách. Hoặc đẽo vỏ quanh gốc cho chết dần hoặc dùng cưa máy "phay" ngang gốc cho đổ xuống rồi rút chạy. Khi nào thấy yên ổn thì họ quay lại "tận thu".

Gỗ quý, lâm tặc không lấy phần vỏ ngoài mà lấy phần lõi, rêu phong, ải mục không bị ảnh hưởng đến chất lượng. Ước tính nếu chỉ cân số gỗ bách xanh vương vãi chúng tôi tìm được ở triền núi này cũng có giá trị cả chục triệu đồng.

Những cây gỗ to nhất, lâu đời nhất sẽ bị hạ trước, rồi đến những cây gỗ bé hơn. Phải mất hàng trăm năm một cây gỗ quý ở núi đá như bách xanh, nghiến, trai... mới lớn đủ một người ôm, và cả ngàn năm mới lớn bằng 5, 7 vòng tay người ôm. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ, một chiếc cưa máy của lâm tặc đã tàn sát không tương tiếc!

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu: Tàn sát cổ thụ để lấy nu gỗ - Ảnh 6.

Nhiều hộp gỗ bách xanh giấu trong hốc đá ở rừng đặc dụng khu vực Cao Đường - Ảnh: VŨ TUẤN

Năm 2020, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu phát hiện, xử lý 23 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp. Trong đó có 2 vụ vận chuyển lâm sản trái luật, 2 vụ phá rừng trái luật và 2 vụ tàng trữ lâm sản trái luật. Đơn vị đã xử lý hành chính 21 vụ, xử lý hình sự 2 vụ phá rừng trái pháp luật.

Số gỗ tang vật tịch thu trong năm 2020 gần 27m3, trong đó chỉ có 0,49m3 gỗ quý hiếm, còn lại là gỗ tròn thông thường.

Chúng tôi bị theo dõi

Mỗi lần ra khỏi rừng, nhóm chúng tôi đều nhận được những cuộc "hỏi thăm" của chính quyền địa phương hoặc người dân trong vùng.

Chúng tôi đi lặng lẽ vào rừng, không gặp ai. Chiếc máy ảnh du lịch cũng giấu kỹ càng trong túi, chỉ khi tác nghiệp trong rừng mới sử dụng. Thế nhưng nội dung các cuộc điện thoại đều hỏi "mấy người ấy mang theo máy ảnh làm gì?". Nhiều lần đi theo tiếng cưa máy trong rừng, chúng tôi cũng bị mất dấu.

* Mời xem phóng sự điều tra trên truyền hình TTO.

'Chảy máu' rừng đặc dụng Cham Chu - 'Cụ' nghiến nghìn năm tuổi bị xẻ thịt

TTO - Cán bộ Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu (Tuyên Quang) khẳng định rừng được bảo vệ rất tốt. Nhưng phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đi thực tế trong rừng nhiều ngày để tận mắt chứng kiến những cây nghiến nghìn năm tuổi quý hiếm bị đốn hạ...

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên