TTCT - Dịch COVID-19 đang hoành hành khắp hành tinh khiến công việc và nhiều nhu cầu cuộc sống thường nhật phải tạm dừng. Thế nhưng nhu cầu tập luyện thể thao để rèn luyện thể chất, giải tỏa căng thẳng là việc không thể ngừng. Trong điều kiện khó khăn, từ các cơ sở cách ly đến những căn hộ giữa lòng Hà Nội, TP.HCM..., hàng ngàn người vẫn tìm mọi cách để tập thể thao. VĐV ba môn phối hợp Nguyễn Thu Trang tập luyện các bài bổ trợ tại nhà trong mùa COVID-19. Ảnh: NVCCVừa chạy bộ vừa đeo khẩu trang, tập bơi trên... cạn, đạp xe ngoài bancông là những cách tập luyện thể thao trong thời COVID-19. Những hình ảnh này được chia sẻ rất nhiều trên diễn đàn chạy bộ, cộng đồng chơi ba môn phối hợp (triathlon) kiểu Việt Nam. Nó giúp mọi người có thể giữ được nhiệt huyết, duy trì niềm vui và đam mê thể thao trong mùa dịch bệnh.Tập luyện ở nơi “cách ly đặc biệt”Hai xạ thủ hàng đầu Việt Nam là Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường là những VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam phải vào cơ sở cách ly tập trung sau chuyến tập huấn Hàn Quốc về nước đầu tháng 3. Suốt hai tuần trong cơ sở cách ly tại Bắc Ninh, hai anh vẫn tập luyện thể thao đều đặn.“Khi đi tập huấn hay thi đấu chúng tôi luôn mang theo dụng cụ tập luyện thể lực như thảm, dây chun, dây nhảy... Vì vậy khi ở khu cách ly dù không có đủ không gian nhưng chúng tôi vẫn có thể xoay xở bằng cách tập kéo dây chun trên giường, tập squat, nhảy dây trong phòng hay hành lang để duy trì thể lực” - Hoàng Xuân Vinh nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên tỉnh Hậu Giang (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp) là cơ sở cách ly tập trung của gần 100 bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên từ Philippines về nước. Ngay từ những ngày đầu đến đây, mỗi chiều, họ đều tập thể thao.Trong khi các bạn nam đá bóng, đá cầu, đánh cầu lông trong khoảnh đất vài chục mét vuông, các bạn nữ tham gia các bài yoga, aerobic sôi động. Kim Huyền, một nhân viên kế toán mới sang Philippines học tiếng Anh trở về nước trong đợt dịch, cùng các bạn tập theo các bài tập aerobic trên YouTube.“Ở khu cách ly, các chú bộ đội phục vụ ngày ba bữa nên chúng tôi không có việc gì làm. Hằng ngày tôi tranh thủ học tiếng Anh, chiều tập thể thao để duy trì sức khỏe. Thể thao giúp chúng tôi dẻo dai hơn, tinh thần lạc quan, sảng khoái, chờ ngày hết thời gian cách ly về bên gia đình”.Đeo khẩu trang chạy bán marathon, bơi tại phòng kháchKhi Chính phủ yêu cầu người dân ở nhà, có việc cần thiết mới ra đường và bắt buộc phải đeo khẩu trang, những người chơi thể thao như chạy bộ hay đạp xe đường dài đường trường cảm thấy khó khăn hơn hết. Nhưng những ai đam mê thể thao vẫn luôn tìm được cách tập luyện.Ngày 29-3, Nông Chuyền, VĐV chạy đường dài có tiếng tại Hà Nội, đưa lên Facebook hình ảnh anh chạy bán marathon (21km) với khẩu trang trên mặt. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Chuyền cho biết hằng ngày anh vẫn xỏ giày ra đường chạy bộ. Đó không chỉ là niềm đam mê để duy trì thể chất tốt mà còn là một phần công việc của Chuyền khi anh là HLV chạy bộ cá nhân.“Vừa chạy vừa đeo khẩu trang khá khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến hơi thở nên khó có thể chạy được nhanh, xa như mong muốn. Nếu cố quá sẽ khiến người chạy tím tái mặt mũi vì thiếu oxy, nên tôi duy trì chạy ở tốc độ trung bình và không chạy dài như ngày thường”, Nông Chuyền nói.Nguyễn Thu Trang, HLV bơi kiêm VĐV 3 môn phối hợp, ngày nào cũng đưa lên Facebook hình ảnh, clip cô tập luyện tại nhà, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Thu Trang cho biết công việc chính của cô là HLV bơi, nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát cô phải nghỉ dạy vì học trò nghỉ tập, bể bơi đóng cửa. Dù nghỉ làm nhưng có ngày Thu Trang thay đến vài bộ quần áo cho mỗi ca tập luyện tại... phòng khách nhà cô. Có hôm cô kê ghế cao tập bơi sải trên... cạn ngay tại nhà.“Khi không thể xuống bể bơi, đạp xe, ra đường chạy bộ, tôi tập tại nhà với các bài tập cho thân trên, bụng, thân dưới. Tôi tập push up, plank, squat, cardio bật nhảy tại chỗ, jump squat chạy cao gối... như vậy là đủ cho cả ba nhóm cơ này mà không cần có dụng cụ gì. Tập thể thao giúp cơ thể khỏe khoắn, tinh thần tươi vui, nhất là trong tình hình dịch bệnh u ám hiện nay. Trong hoàn cảnh nào mọi người cũng nên cố gắng duy trì tập luyện” - Trang nói.Nhiều người chơi xe đạp đã tự đạp xe tại nhà, ngoài bancông. Nhiều cuộc “thi đấu” của dân xe đạp diễn ra trên không gian ảo, người ở Việt Nam có thể đua xe với bạn mình ở Mỹ, Singapore, hay bất cứ đâu trên thế giới.Phát động phong trào tập luyện phòng bệnhÔng Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) cũng phát động phong trào tập luyện “diệt COVID-19” trên tài khoản Facebook cá nhân của mình. Ông đưa ra thử thách 19 ngày chống đẩy (hít đất), bắt đầu từ ngày 28-3 đến hết 15-4. Mỗi ngày người tham gia thực hiện chống đẩy liên tục tối thiểu 19 lần, quay clip và công bố trên Facebook cá nhân. Và mỗi ngày mỗi người phải mời được ít nhất một người bạn tham gia.Phần thưởng cho mỗi người tham gia thử thách chống đẩy “diệt COVID-19” là được khỏe mạnh hơn, vui tươi hơn. Những ai chống đẩy không đủ 19 lần/ngày sẽ phải tự nguyện đóng góp 20.000 đồng cho một lần còn thiếu vào chương trình vận động “Toàn dân ủng hộ phòng chống bệnh COVID-19”. Sau nhiều ngày phát động, hàng trăm người đã tham gia vào thử thách thú vị này cùng ông Hùng và các thành viên CLB thể trao Trio69.Suốt từ đầu năm 2020 đến nay khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng trăm giải thể thao, trong đó có các giải chạy đường dài, ba môn phối hợp tại Việt Nam đã phải tạm hoãn hoặc hủy. Các VĐV phong trào cho biết họ rất cuồng chân tay bởi không được thi đấu. Do không có giải đấu nên quá trình tập luyện của nhiều người cũng chểnh mảng hơn xưa.Để giúp cộng đồng thèm chơi thể thao mà không thể tham dự các giải đấu trực tiếp, CLB 84 Race tổ chức các cuộc thi đấu thể thao “ảo” trên mạng cho người yêu chạy bộ, bơi lội, đạp xe tham gia. Ở đó người chơi có thể đăng ký tham gia cuộc thi “Chạy chống biến đổi khí hậu”, hoặc “Challenge tập luyện đẩy lùi COVID-19”.Người chơi sẽ sử dụng thiết bị theo dõi hoạt động tập luyện (đồng hồ Garmin, điện thoại) có kết nối đồng bộ dữ liệu với ứng dụng 84 Race. Người chơi chạy tích lũy trong 21 ngày bắt đầu từ 16-3, phải đạt tối thiểu 40km/tuần và 3 “workout” với tốc độ từ 4 - 12 phút/km, mỗi lần chạy không ít hơn 3km. Nếu không đạt được các quy định này, người chơi sẽ bị loại. Sau nhiều ngày phát động, hai cuộc thi ảo đã thu hút hàng ngàn người tham dự, tạo sự hưng phấn, ganh đua trong cộng đồng.Anh Âu Mạnh Toàn - trưởng phòng xuất nhập khẩu của một công ty lớn kiêm người chơi ba môn phối hợp và siêu marathon - nói: “Tôi cuồng chân lắm và mong đến ngày hết dịch để được tham dự các cuộc thi đấu. Giờ thì tôi tranh thủ tập vào những khung giờ ít người ra đường, chạy thì đeo khẩu trang, chủ yếu chạy một mình chứ không tụ tập với ai để đảm bảo an toàn. Tôi cũng tham dự nhiều cuộc thi đấu ảo trên mạng để tạo động lực tập luyện”.■ Tags: Thể thaoTập luyệnCách lyDịch CVID-19
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.