Nguyễn Hoàng Hải thường xuyên tham gia các giải chạy bộ - Ảnh: M.Q.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, doanh nhân Nguyễn Hoàng Hải (39 tuổi) chia sẻ: "Trong số 4.500 VĐV dự giải sẽ có rất nhiều người chưa sẵn sàng tập chạy bộ nghiêm túc, mà chỉ theo phong trào. Cự ly 3km và 5km rất phù hợp cho họ thử sức, rồi tìm thấy đam mê cho mình. Đồng thời tương ứng với mỗi người chạy thì Sacombank sẽ đóng góp 100.000 đồng cho hoạt động từ thiện, nên tính nhân văn rất cao.
Còn gì vui hơn khi mọi người cùng chạy, cùng vui, lại còn góp phần gây quỹ giúp người khó khăn. Thông điệp này đủ lớn để lôi kéo mọi người đến với ngày chạy. Tôi hi vọng từ giải này sẽ có những người bắt đầu chạy bộ".
Anh Hải là đồng sáng lập CLB chạy bộ Phú Mỹ Hưng (quận 7). Chưa đầy 2 năm trước, anh chạy 1km nhưng phải nghỉ đến 3 lần vì mệt. Nhưng sự kiên trì tập luyện đã giúp anh có thể chạy 21km chỉ sau đó 12 tuần.
"Chạy bộ giúp tôi có cơ thể khỏe và tinh thần thoải mái. Từ kinh nghiệm bản thân mình, tôi muốn giúp nhiều người đến với chạy bộ để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Thực tế là phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh. Ban đầu CLB chúng tôi chỉ có 6 thành viên, nhưng sau 2 năm đã phát triển thành 2 CLB với tổng cộng hơn 2.600 hội viên" - anh Hải chia sẻ.
Điều tự hào nhất của thành viên CLB anh Hải là họ đã tổ chức được 5 giải Ultra Marathon chạy xuyên đêm (từ 20h hôm trước đến 8h hôm sau) và có những hội viên có thể chạy hơn 100km chỉ trong một đêm.
Sự háo hức không chỉ có tại các CLB lớn, mà còn thể hiện ở từng cá nhân riêng lẻ. Ngay ngày đầu phát trang phục thi đấu, dòng người đã lũ lượt đến Sacombank chi nhánh trung tâm (quận 3) để nhận, có người ở tận những tỉnh xa.
Giờ giấc của nhân viên văn phòng không mấy linh động, nhưng anh Nguyễn Thành Kiệt (25 tuổi) vẫn tranh thủ từ quận 7 sang nhận ngay ngày đầu.
Nguyễn Thành Kiệt (trái) nhận trang phục tại Sacombank - Ảnh: T.P.
"Tôi đã chạy bộ được 6 năm. Đối với tôi, chạy vui là chính nhưng cũng muốn đóng góp từ thiện. Tôi từng bơi, tập gym.. nhưng chỉ có chạy phù hợp với công việc văn phòng của mình bởi chủ động thời gian có thể tuần 3-4 buổi, không nặng tính đối kháng nhưng lại có thể rèn thể chất, tính kiên trì để vượt qua chính mình mỗi ngày. Cái lợi thấy rõ nhất là sức khỏe được cải thiện bởi trước đây tôi hay bệnh vặt" - Kiệt nói.
Trong khi đó, anh Trương Vĩnh Ban (39 tuổi, kỹ sư cơ khí) lại xem giải như ngày hội khi đưa cả vợ và hai con nhỏ cùng tham gia. Anh Ban chia sẻ: "Ngày cuối tuần còn gì bằng cả nhà cùng chạy, vừa rèn sức khỏe vừa thư giãn như ngày hội. Mục tiêu của cả gia đình tôi chỉ là đến đích an toàn. Tôi muốn truyền cảm hứng chạy bộ cho con, đồng thời dạy con hiểu được ý nghĩa của từ thiện".
600 triệu đồng cho chương trình Ước mơ của Thúy
Chạy bộ hưởng ứng Ngày không tiền mặt 16-6 là chương trình được Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh hoạt động thể thao và khuyến mãi hấp dẫn, với mỗi VĐV tham gia chạy, Sacombank và đối tác sẽ đóng góp 100.000 đồng vào hoạt động từ thiện.
Sự kiện này khai mạc cùng lúc 7h ở Hà Nội và TP.HCM, với số lượng VĐV đăng ký tham dự tổng cộng là 4.500 người (1.500 VĐV tại Hà Nội và 3.000 VĐV tại TP.HCM). Ngoài số tiền 450 triệu đồng (tương ứng 4.500 VĐV) của Sacombank, một số đối tác cũng góp thêm 150 triệu đồng để có tổng cộng 600 triệu đồng gửi đến chương trình Ước mơ của Thúy thuộc báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận