07/12/2022 09:11 GMT+7

Chạy khỏi thung lũng 'trời đánh'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Người Ca Dong ở đây chẳng biết vì sao làng mình thời gian qua có nhiều vụ sét đánh xảy ra như vậy. Sau những ngày tháng sống trong sợ hãi, cả làng đã dỡ nhà di dân vì sợ "trời đánh" xảy ra với mình.

Chạy khỏi thung lũng trời đánh - Ảnh 1.

Cuộc di dời làng để chạy khỏi sấm sét chưa từng có tiền lệ ở Quảng Ngãi - Ảnh: UBND xã Sơn Long

"Sét đánh con trâu chết, con heo chết, cây cối cũng cháy luôn. Cứ đánh uỳnh uỳnh suốt làm ai cũng khiếp sợ", ông Đinh Văn Điềm ở làng Long Vớt (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) lo lắng nói về sấm sét đánh hết ngày này qua tháng nọ ở làng.

Thoát chết hy hữu

Làng Long Vớt nằm sâu trong rừng già, con đường gần nhất vào làng phải đi ké qua đất xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum). Đường vào làng chỉ là lối mòn nhỏ bên vách núi, phía vực thẳm.

Trước khi vào làng, anh Đinh Văn Siêng, cán bộ xã Sơn Long, lên dây cót tinh thần "lính mới" rằng mùa này miền núi trời mưa, đi cẩn thận vì chỉ cần trượt chân là lọt xuống dưới vực, cũng đừng đi sát vách núi sẽ làm mồi cho vắt rừng.

Theo con đường chỉ vừa một người đi xuyên qua những quả đồi mệt bở hơi tai, định nghỉ ngơi thì anh Siêng bảo: "Đi nhanh lên để còn rời làng trước chiều. Lỡ dông, sấm sét còn ớn hơn".

Lời anh Siêng nói kèm báo cáo của UBND xã Sơn Long về tình trạng sét đánh liên tục ở làng Long Vớt khiến cả đoàn quên mệt mỏi mà tăng tốc.

Vượt suối Ha Tin, trèo thêm đoạn dốc dựng ngược nữa, ở ngang ngực núi là khung cảnh dựng nhà, bạt núi với sự tham gia của nhiều người. Anh Siêng nói: "Bà con bỏ làng cũ chạy xuống đây dựng nhà tránh sấm sét được mấy hôm rồi".

Già Đinh Văn Điềm lững thững bước đi trên con đường người dân mới xẻ núi còn nhầy nhụa đất đỏ kể: "Con gái và cháu tôi năm ngoái bị sét đánh ngất xỉu, tưởng nó chết mà may chưa chết". Sự việc xảy ra vào khoảng 19h, trời mưa, mẹ con che dù qua nhà ông Điềm chơi.

Đang đi thì sấm chớp nổi lên, tiếng sấm inh tai, rồi con và cháu ông Điềm ngã quỵ xuống đất, ngất lịm. "May mà trời sấm chớp liên tục, tạo ánh sáng nên người làng thấy con cháu tôi nằm dưới đất. Nói thiệt là tôi nghĩ chết rồi, may sao nó còn sống".

Sau sự cố đó, người làng Long Vớt cố nấn ná ở lại, nhưng sấm sét vẫn xảy ra. "Con trâu, con heo, cây cối trong nhà bị sét đánh chết hết", ông Điềm nói. Cả làng ai cũng bị thiệt hại. Chịu không nổi, nhiều người Ca Dong quyết định bỏ làng.

"Trời đánh như bom nổ, xới tung cả đất lên ai mà dám ở", ông Điềm nói. Ngôi nhà ở làng mới của ông Điềm được dựng từ xác căn nhà cũ chuyển đến đã cơ bản hoàn thành, kế bên là nhà chị Đinh Thị Trường - người chết hụt vì sấm sét.

Hai vợ chồng chị Trường đang đóng tấm vách bằng cây lồ ô. Ngước nhìn nền trời ngả màu đen kịt, anh Đinh Văn Đào (chồng chị Trường) nói rằng từ ngày bị trời đánh, thần trí chị Trường không còn ổn định.

Mỗi lần có sấm sét là chị lại co người, hoảng sợ. Thương nhất là đứa con trai hễ thấy sấm chớp là khóc ré. "Mẹ con nó ít nói lắm, mình còn sợ trời đánh mà, mẹ con nó thì khiếp luôn", anh Đào nói.

Mỗi khi mây kéo đến, chị Trường và con nhỏ lại thu mình núp trong nhà. Sau cái lần chết hụt ấy, người phụ nữ này nhiều lúc ngây dại nói những điều chẳng ai hiểu. Nỗi đau ấy thành nỗi sợ chung của cả làng.

Ông Đỗ Thanh Vượt, chủ tịch UBND xã Sơn Long, nói: "Sét đánh một lần đã ớn, đây cả làng bị đánh liên tục với tần suất dày đặc thì ai mà không sợ. Ở làng Long Vớt, trâu bò, cây cối bị sét đánh chết rất nhiều".

Chạy khỏi thung lũng trời đánh - Ảnh 2.

Chị Đinh Thị Trường cùng chồng con đến nơi ở mới sau lần chết hụt vì “trời đánh” - Ảnh: TRẦN MAI

Chạy khỏi thung lũng trời đánh - Ảnh 3.

Dân làng Long Vớt sau nhiều năm sợ hãi vì sét đánh đã tháo chạy, tìm nơi ở mới - Ảnh: TRẦN MAI

Bỏ làng, tìm nơi an toàn

Sự việc sét đánh làng Long Vớt đã xảy ra khoảng 5 năm qua. Theo lời người dân, mỗi năm sét đánh trúng nhà dân ba bốn lần, còn lại trải đều khắp làng.

Chính quyền xã Sơn Long cũng không biết lý giải như thế nào để trấn an người dân, bởi theo khoa học, những nơi bị sét đánh thường ở trên cao. Đây ngôi làng nằm thấp hơn so với đồi núi vây quanh nhưng lại trở thành "lòng chảo sấm chớp".

Trước sự lo lắng của bà con, mới đây UBND xã Sơn Long đã tổ chức cuộc họp dân. Nguyện vọng của bà con là rời khỏi làng, đến nơi ở mới.

"Ngoài sấm sét nguy hiểm, người Ca Dong còn có những tập tục nối đời là họ không chịu ở nơi mà "trời đánh" liên tục. Với bà con, ngôi làng là vùng đất xấu, Yàng (trời) không cho ở...", ông Vượt chia sẻ.

Sau cuộc họp, chính quyền xã Sơn Long đã cử lực lượng tháo dỡ toàn bộ nhà dân ở làng Long Vớt chuyển đến nơi ở mới. 17 hộ dân với 73 nhân khẩu không còn ai ở lại làng cũ. Tính từ làng cũ sang làng mới chỉ cách nhau khoảng 2km. Nhưng già Điềm khẳng định: "Chỉ bên làng cũ mới bị trời đánh, bên này chưa bao giờ bị".

Người Ca Dong đã bỏ tập tục du canh, du cư từ nhiều thế hệ qua. Họ sinh sống quần cư và ổn định ở các ngôi làng. Việc cả làng Long Vớt kiên quyết rời làng vì sấm sét chưa từng xảy ra.

Ông Đinh Văn Dôn là người già nhất làng, tóc đã bạc phơ, nói mình chẳng còn sống được bao lâu, nhưng rồi phải lật đật chạy khỏi làng. Đến nơi ở mới, ông Dôn che túp lều tạm bằng tấm bạt bên sườn núi ở tạm. Dù trống hoác, gió lùa từng cơn, nhưng với già Dôn vẫn an toàn hơn ngôi nhà ở làng cũ.

"Cả đời tôi sống ở khắp chốn núi rừng này, chưa thấy chỗ nào bị trời đánh như làng cũ", già Dôn nói. Với ông, giờ có cho vàng cũng chẳng quay về. Khi chúng tôi ngỏ ý được qua làng cũ, già Dôn ngăn lại. Những người Ca Dong khác cũng khuyên không nên tới "vùng đất trời đánh" ấy. Nỗi sợ đã biến ngôi làng từng là nơi sinh sống truyền đời trở thành vùng đất cấm kỵ.

Nhóp nhép nhai trầu cau để xua đi cái lạnh miền sơn cước, già Dôn chỉ tay về đống gỗ chất quanh lều bảo: "Đó là toàn bộ tài sản của tôi. Vườn cây trái bên làng cũ bị sét đánh chết gần hết. Mà có còn thì tôi cũng bỏ luôn. Về lỡ trời đánh như con Trường thì khổ lắm".

Chính quyền xã Sơn Long dù cử lực lượng giúp người dân di dời nhà cửa góp sức xua đi nỗi sợ, nhưng làng mới vẫn còn nhiều cái không như không đường (vào làng chỉ có lối mòn nhỏ), không nước, không điện.

Người dân vẫn mong Nhà nước mở đường, kéo nước sạch và điện để ổn định cuộc sống. Trước những mong ước ấy, ông Đỗ Thanh Vượt, chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho hay: "Đó là nguyện vọng chính đáng của bà con, xã đã làm báo cáo gửi lên trên".

Chúng tôi rời "làng trời đánh" khi trời đã ngả bóng, những triền núi sương mù lẩn khuất, người dân Long Vớt quần tụ lại bên bếp lửa sưởi ấm thay cho những ngày tháng nơm nớp.

Cả làng tháo chạy sấm sét chưa có tiền lệ này chỉ giải quyết được nỗi sợ. Còn mong ước một khu tái định cư an toàn thay cho nơi ở chật hẹp, "ba không" hiện tại vẫn cần sự giúp đỡ của chính quyền.

Từ ngày sấm nổ đùng đùng, ngôi làng nằm giữa rừng già Trường Sơn Đông bỗng trở nên "nổi tiếng" không ngờ. "Làng trời đánh", "làng sấm sét", "làng thiên lôi" là những cái tên đau lòng mà người Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây nói về làng Long Vớt.

Ông Đinh Trường Giang, phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: "Địa phương rất mong các nhà khoa học nghiên cứu lý giải nguyên nhân về dị tượng thời tiết kỳ lạ có tần suất dày đặc ở làng Long Vớt cũ để lý giải cho bà con bớt hoang mang.

Còn về khu tái định cư dân, huyện cũng đã tiếp xúc, lắng nghe và báo cáo lên tỉnh xem xét hỗ trợ. Nguồn kinh phí của huyện hạn chế nên không thể làm được một khu tái định cư mới cho bà con".

Một vòng Trái đất, cứu một sinh mệnh Một vòng Trái đất, cứu một sinh mệnh

TTO - Lúc ngỡ số mệnh sẽ kết thúc mầm sống của đứa trẻ Phạm Duy Quý thì yêu thương lại khởi đầu. Hành trình đi hết một vòng Trái đất với bao yêu thương tiếp nối như câu chuyện cổ tích.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên