Phóng to |
Nháo nhào “chạy trường” Mệt mỏi nhưng vẫn phải “chạy”!
“Tháng 12-2008, số trẻ 6 tuổi của phường 11, Q.5 (địa bàn có Trường tiểu học Minh Đạo) chỉ 100 cháu, đến cuối tháng 3-2009 đã tăng gần gấp đôi: 180 cháu. Cứ đà này thì đến hết tháng 6, con số còn tăng nữa” - bà Võ Ngọc Thu, phó trưởng Phòng Giáo dục Q.5, cho biết. Tình trạng trên cũng diễn ra ở hầu hết các nơi có trường trọng điểm.
TP.HCM: áp lực căng thẳng
Ông Nguyễn Trọng Chức - trưởng Phòng Giáo dục Q.Bình Thạnh - than: “Mấy năm gần đây, Trường Hồng Hà (P.17, Q.Bình Thạnh) chịu áp lực ghê lắm. Năm nay, có lẽ Phòng Giáo dục phải phân bớt một số HS qua học tại Trường Phù Đổng chứ Hồng Hà không thể nhận hết số trẻ”. Hiện số HS ở Trường tiểu học Hồng Hà đang là 368 em, quá tải.
Tại Q.1, số trẻ 6 tuổi cũng chỉ tăng đột biến ở những phường có trường tiểu học nổi tiếng. Ông Đinh Thiện Căn, phó Phòng Giáo dục Q.1, tính toán: “Năm nào cũng vậy, Phòng Giáo dục luôn luôn bị động vì sau khi có kế hoạch phân tuyến vào lớp 1, phụ huynh ào ào đi “kiện”: con tôi có hộ khẩu, tại sao không gọi nhập học?
Theo thống kê, vào thời điểm này Trường Đinh Tiên Hoàng không thể nhận hết số trẻ 6 tuổi của phường Đa Kao (theo chỉ tiêu mỗi lớp học 40 HS), Trường Hòa Bình và Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể nhận hết số trẻ của phường Bến Nghé, Trường Trần Hưng Đạo không thể nhận hết số trẻ của phường Nguyễn Cư Trinh. Để thực hiện quy định của Sở
GD-ĐT TP là tất cả trẻ 6 tuổi có hộ khẩu hoặc giấy tạm trú đều được vào học lớp 1 công lập, chúng tôi đang đề xuất với UBND quận chuyển bớt một số HS của các phường “nóng” qua các trường lân cận. Ví dụ: HS phường Nguyễn Cư Trinh qua học tại Trường Phan Văn Trị, HS phường Đa Kao qua học tại Trường Đuốc Sống, Trần Quang Khải...”. Cũng theo ông Căn: “Ngành giáo dục không thể kết luận phụ huynh X, phụ huynh Y chạy hộ khẩu để cho con em mình vào lớp 1 ở trường có bề dày thành tích. Nhưng chúng tôi cũng không thể nhận hết bởi chỗ học có hạn”.
Một phụ huynh tên L. ở Q.Bình Thạnh, “chạy” hộ khẩu sang Q.1 để con được học Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, kể về nỗi khổ “chạy” trường cho con: “Mấy tháng trời tôi đi dò hỏi và phải đến người trung gian thứ ba mới tiếp cận được một gia đình có hộ khẩu tại phường Bến Nghé, Q.1. Nhà họ có bốn người, cứ thuyết phục được người này thì người kia lại không đồng ý. Họ cũng ngại, khi không lại có một đứa trẻ nhập hộ khẩu vào nhà mình. Quà cáp kèm theo năn nỉ và cả phong bì, cuối cùng tôi mới lo xong”. Chị nói phải chạy khổ như vậy vì Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có chất lượng hơn trường tuyến gần nhà.
Hà Nội: loay hoay... chống đỡ!
Tại Hà Nội, tình hình tương tự: để “chạy” trường cho con trẻ chỉ còn đường chắc chắn nhất là hợp thức hóa về hộ khẩu cho đứa trẻ.
Hết đường né! Để tránh việc chạy trường bằng cách chuyển hộ khẩu, hầu hết các trường tại Hà Nội đã đặt ra quy định: chỉ giải quyết theo diện đúng tuyến cho những trường hợp HS đã nhập khẩu từ hai năm trở lên ở địa bàn phường. Nhưng để đối phó với chủ trương này, có những hộ dân chuyển hộ khẩu cho con từ sớm. Ông Tạ Ngọc Thắng cho biết kể cả các trường hợp mới chuyển, cuối cùng nhà trường vẫn phải nhận HS vì nếu không cha mẹ HS sẽ mang Luật giáo dục ra kiện! |
Theo ông Tạ Ngọc Thắng - phó Phòng Giáo dục quận Đống Đa, một quận có nhiều trường điểm thì tình trạng HS đúng tuyến ở các trường điểm trong địa bàn quận luôn trội hơn hẳn số đúng tuyến vào các trường bình thường. Đặc biệt năm nay, nhiều trường điểm ở Đống Đa rơi vào tình trạng HS đúng tuyến xấp xỉ hoặc vượt mức chỉ tiêu do Sở GD-ĐT giao.
Điển hình là Trường tiểu học Nam Thành Công, theo kết quả điều tra trước mùa tuyển sinh thì chỉ riêng HS diện đúng tuyến đối với trường này đã có trên 600 em, trong khi chỉ tiêu vào lớp 1 của trường này chỉ trên 500 em. Ông Thắng lo lắng: “Nếu HS đúng tuyến đăng ký học 100% ở Trường Nam Thành Công thì trường không đủ cơ sở vật chất cho HS học”.
Chạy trường thông qua con đường “hợp thức hóa hộ khẩu” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm và cũng là khó khăn của ngành giáo dục ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Xem ra khi chất lượng dạy và học ở các trường còn chưa đồng đều thì cách này hay cách khác, tình trạng này khó có thể chấm dứt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận