09/04/2020 12:26 GMT+7

Chạy đua tìm 'thần dược' - Kỳ cuối: Tìm thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Không phải là phác đồ điều trị cụ thể, nhưng lại rất quan trọng trong việc giúp đội ngũ y tế chữa trị bệnh nhân Covid-19, đó là việc kìm hãm thành công sự lây lan của dịch bệnh ở Việt Nam.

Chạy đua tìm thần dược - Kỳ cuối: Tìm thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bắt tay bệnh nhân dương tính COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cơ sở 2 ở Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tính đến sáng 8-4, Việt Nam đã ghi nhận 251 bệnh nhân COVID-19 và sáu người trong số này là bệnh nặng, phải thở máy hoặc sử dụng thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO).

Các bác sĩ điều trị ngày nào cũng phải ngồi lại với nhau để hội ý, từng ca bệnh đều có sự hỗ trợ chuyên môn của Bộ Y tế và các thầy trong hội đồng chuyên môn.

Bác sĩ ĐỖ THỊ PHƯƠNG MAI

Lựa chọn gian nan

4/6 ca bệnh này đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, đặc biệt là bệnh nhân 19 (có bệnh cảnh nền, tuổi cao, diễn tiến nặng nhanh và phải thở máy từ 15-3, sau đó vừa thở máy vừa sử dụng ECMO) cũng đã vượt qua thời điểm nguy hiểm nhất.

Có nhiều lý do để các bác sĩ lý giải về những hiệu quả ban đầu trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam.

Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (nơi điều trị 5/6 bệnh nhân nặng nhất cho đến nay), là việc kềm giữ số người mắc bệnh. Và các bác sĩ Việt Nam nhờ đó có điều kiện theo dõi kỹ lưỡng từng bệnh nhân, điều chỉnh sớm và điều trị tích cực từng ca bệnh.

Bên cạnh đó có vai trò của các phác đồ và thuốc điều trị mà các bác sĩ Việt Nam đang áp dụng. Cả thế giới đều đang mày mò tìm thuốc điều trị COVID-19, Việt Nam cũng vậy. Nhưng thuốc nào và phác đồ điều trị ra sao đang được chọn để đề phòng trường hợp bệnh nhân đông hơn vẫn có thể cấp cứu và điều trị kịp thời?

Ngày 7-4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương công bố có thêm 11 người bệnh bình phục. Trong số này có ông H.V.K., người Việt 61 tuổi, mắc COVID-19 trong thời gian ông làm việc ở Michigan, Hoa Kỳ. Thời điểm ông K. mắc bệnh, cả tiểu bang nơi ông ở chỉ có 40-50 bệnh nhân COVID-19, và khi đó ở Mỹ người ta vẫn coi đây là căn bệnh tương tự cúm mùa.

"Tôi thường xuyên sốt rất cao, 38,5-39 độ hoặc hơn, đau đầu, đau người, đau cơ... Tôi đã đến phòng khám và được xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19, nhưng bác sĩ không chỉ định thuốc men hay phương pháp điều trị gì, chỉ nói về nhà cách ly. Tôi ở Mỹ thêm chín ngày nhưng vẫn sốt và đau người, sau đó mua vé về nước" - ông K. cho biết.

Đã có hơn 100 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong thời gian qua. Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, trưởng khoa nội tổng hợp (nơi đang điều trị cho 47 bệnh nhân), so với các bệnh tương tự mà bác sĩ Ninh đã điều trị, bệnh nhân COVID-19 có thể chia làm hai thể.

Bệnh nhân thể nhẹ không có nhiều điểm đặc biệt (nhóm này chiếm trên 80%/tổng số bệnh nhân). Nhưng bệnh nhân thể nặng (chiếm gần 20%) thì tiến triển bệnh rất nhanh.

Buổi sáng chụp phim thấy phổi họ khác, chiều chụp lại thấy đã tiến triển xấu đi nhiều, phổi trắng hết, nhóm này phải theo dõi sát và đây là điều khác biệt so với các viêm phổi do virus khác.

Bác sĩ Ninh cũng chia sẻ đã có những bệnh nhân điều trị tại khoa nội tổng hợp trở nặng phải chuyển hồi sức tích cực, chuyển cấp cứu.

Dù Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các chứng viêm phổi do virus khác, nắm rõ chiến lược thở máy cho bệnh nhân viêm phổi virus có khác biệt so với viêm phổi do vi khuẩn, giúp kiểm soát được đường thở của bệnh nhân. Nhưng quan trọng còn là vai trò của thuốc.

"Bệnh viện đã áp dụng phác đồ mới, còn những ý kiến khác nhau, nhưng quan trọng là đặt hiệu quả điều trị cho bệnh nhân lên đầu tiên. Trong quá trình điều trị theo dõi sát đáp ứng của từng loại thuốc, nếu thấy hiệu quả mới tiếp tục duy trì cho bệnh nhân, còn không hợp lý sẽ đổi ngay" - bác sĩ Ninh cho biết.

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, trưởng khoa nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết thêm: "Có những thuốc chúng tôi đã sử dụng điều trị bệnh khác, đã nhìn thấy tác dụng và đã quen sử dụng điều trị bệnh khác thì dễ dàng hơn.

Một trong các phác đồ điều trị COVID-19 là sử dụng thuốc đang điều trị cho bệnh nhân HIV. Một phác đồ khác dùng Chloroquine và một loại kháng sinh, hiện thế giới cũng đang đi theo hướng này".

Những loại thuốc này đều đang trong quá trình đánh giá, nghiên cứu tìm thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam. Và vì đang trong quá trình nghiên cứu, chỉ bệnh nhân có sự chấp thuận mới được sử dụng phác đồ này.

Về mặt hiệu quả, có bệnh nhân là bác sĩ (bệnh nhân 116, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cũng đã lựa chọn phác đồ mới này để điều trị và bác sĩ hiện cũng đã bình phục.

Chạy đua tìm thần dược - Kỳ cuối: Tìm thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam - Ảnh 3.

Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cơ sở 2 ở Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đường đi còn dài

"Từng ngày, chúng tôi đều phải xem bệnh nhân sử dụng thuốc hiệu quả thế nào, hạn chế ra sao? Hội đồng chuyên môn vào xem và góp ý, cuối cùng mới đưa ra quyết định. Trong đợt đầu của dịch (trước 26-2) bệnh nhân nhẹ nhiều hơn, nhưng đợt 2 từ 6-3 đến nay thì có nhiều bệnh nhân chuyển nặng.

Ngay từ rất sớm các bác sĩ chúng tôi đã đọc các tài liệu về kinh nghiệm điều trị ở nước ngoài, nghiên cứu của các nước đã xảy ra dịch trước, chúng tôi đã lên ngay được phác đồ. Đến nay chúng tôi thấy phác đồ này khá hợp lý.

Ví dụ phải chụp CT ngay từ đầu sẽ phát hiện trên 90% tổn thương, nếu chụp X-quang chỉ thấy được 40%. Khi có tổn thương phổi thì họ điều trị gì, chắt lọc lại thấy người Việt Nam mình nên dùng gì là hợp lý. Như chloroquine có gây độc lên cơ tim nên phải tầm soát kỹ về tim" - bác sĩ Mai cho hay.

Hiện Bộ Y tế và các bác sĩ đã xem xét đến phương án dự trữ huyết thanh của người bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh, từ đó chắt lọc kháng thể để truyền huyết thanh miễn dịch cho người bệnh sau này.

Mỗi căn bệnh mới đều cần một hành trình tìm thuốc chữa bệnh, COVID-19 càng cần vì đây là căn bệnh vừa mới, vừa dễ lây lan nguy hiểm. Chỉ hi vọng không có thêm nhiều người mắc bệnh, bác sĩ sẽ có thêm thời gian nghiên cứu và cứu được tất cả những người mắc bệnh.

Ý thức phòng bệnh của công dân giúp bác sĩ chữa trị tốt hơn

Không phải là phác đồ điều trị cụ thể, nhưng lại rất quan trọng trong việc giúp đội ngũ y tế chữa trị bệnh nhân Covid-19, đó là việc kìm hãm thành công sự lây lan của dịch bệnh ở Việt Nam.

Hiểu một cách cụ thể là nếu chúng ta kiểm soát được số lượng bệnh nhân Covid phải nhập viện, thì có đủ bác sĩ và thiết bị y tế để chăm sóc họ một cách tốt nhất.

Nhưng nếu để tình trạng lây lan dịch bị vượt tầm kiểm soát như thảm trạng đang xảy ra ở Mỹ, Ý, Tây Ban Nha..., việc chữa trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì nhân lực y tế và thiết bị chuyên dụng không thể đáp ứng nổi.

Do đó, việc tuân thủ các quy tắc phòng dịch và thực hiện nghiêm chỉnh giãn cách xã hội của công dân hiện nay không chỉ phòng bệnh cho mình, mà còn giúp chính ngành y tế có điều kiện chữa trị bệnh nhân một cách tốt nhất.

BS NGUYỄN HỒNG DŨNG (Sở Y tế TP.HCM)

Chạy đua tìm Chạy đua tìm 'thần dược' - Kỳ 7: Hai phương thuốc, một tấm lòng

TTO - Thuốc đôi khi cũng như con người, ban đầu đi theo con đường này, rồi một ngày đẹp trời rẽ ngoặt sang lối khác như cách mà định mệnh đã an bài.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên