Thuốc kháng sinh giúp bảo vệ bệnh nhân COVID-19 tránh nhiễm trùng thứ cấp trong thời gian điều trị tại khoa điều trị tích cực - Ảnh: AP
Nếu đại dịch COVID-19 lan rộng tại Ấn Độ, số tử vong do nhiễm khuẩn sẽ rất cao ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới (1,3 tỉ người) với mạng lưới hơn 75.000 bệnh viện quá tải và bất lực trước vấn nạn siêu vi khuẩn đa kháng thuốc (vi khuẩn kháng ít nhất ba nhóm kháng sinh).
Nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong do nhiễm khuẩn
Tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc đã được các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo trong nghiên cứu với đầu đề "Đặc điểm dịch tễ và lâm sàng của 99 trường hợp viêm phổi do virus corona chủng mới 2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc): Nghiên cứu mô tả" đăng trên tạp chí The Lancet (Anh) ngày 30-1-2020.
Họ đã cho một số bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm trùng thứ cấp dùng thuốc kháng sinh nhưng phát hiện có vi khuẩn kháng thuốc mạnh, nhất là vi khuẩn gram âm làm gia tăng nguy cơ sốc nhiễm trùng.
Thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhưng lập hàng rào bảo vệ bệnh nhân khỏi nhiễm trùng do vi khuẩn, đặc biệt là viêm phổi mắc phải khi thở máy, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng huyết trong quá trình điều trị dài ngày tại khoa điều trị tích cực.
Khổ nỗi, thuốc kháng sinh quan trọng đến thế nhưng hiện nay ít ai chú ý nguy cơ này.
Bác sĩ y khoa Julie L. Gerberding - nguyên giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từ năm 2002-2009 - đã cảnh báo trên trang web y học STAT ngày 23-3: "Có một mối đe dọa thậm chí lớn hơn ẩn sau dịch COVID-19.
Một mối đe dọa đã giết chết hàng trăm ngàn người và sẽ làm phức tạp thêm công việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Đó là mối đe dọa tiềm ẩn từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh... Thật không may kho dự trữ thuốc khống chế các bệnh nhiễm trùng chết người này đã gần cạn kiệt".
TS Manica Balasegaram, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Đối tác toàn cầu về nghiên cứu - phát triển thuốc kháng sinh (GARDP), đánh giá khá bi quan: "Hiện tại chúng ta chưa có tầm nhìn rõ ràng về cung và cầu kháng sinh. Chúng ta không biết loại nào đang được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 và vấn đề khó khăn là gì".
Brazil, Indonesia hay Nga có từ 40%-60% số ca nhiễm khuẩn do kháng thuốc. Tại quốc gia phát triển như Mỹ, mỗi năm có 2,8 triệu ca nhiễm khuẩn do kháng thuốc và hơn 35.000 ca tử vong. Tỉ lệ kháng thuốc lên đến 90% đối với một số bệnh nhiễm trùng như bệnh do nấm Candida auris.
Siêu vi khuẩn tập trung tấn công những người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng phổi do virus như cúm, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), COVID-19.
Nếu những người mang mầm bệnh phải qua phẫu thuật, hệ miễn dịch suy yếu hoặc nhiễm SARS-CoV-2, siêu vi khuẩn sẽ âm thầm lây nhiễm (nhiễm trùng nội sinh). Và nếu họ đến bệnh viện, siêu vi khuẩn từ họ tiếp tục lây cho người khác, nhất là qua tay hoặc qua dụng cụ y tế.
Theo CDC, từ 29%-55% trong gần 300.000 người tử vong trong dịch cúm H1N1 năm 2009 là tử vong do nhiễm khuẩn thứ cấp. Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận trong 7 bệnh nhân nhập viện do COVID-19 có 1 người nhiễm khuẩn thứ cấp nguy hiểm...
Phòng thí nghiệm của Công ty công nghệ sinh học Deinove ở tỉnh Hérault (Pháp) - Ảnh: Deinove
Thiếu hụt kháng sinh công hiệu
Trong bối cảnh đó, bác sĩ Julie L. Gerberding trăn trở: "Các nhà hoạch định chính sách nên tự hỏi tại sao chúng ta không có thuốc kháng sinh mạnh trong tay vào lúc chúng ta đang cần chúng nhất?".
Các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa do COVID-19. Ấn Độ đã cấm xuất khẩu 26 mặt hàng dược phẩm, trong đó có kháng sinh do sản xuất chậm lại. Hiện chỉ còn nhà máy của Công ty Sandoz ở Kundl (Áo) là nơi duy nhất sản xuất kháng sinh còn lại ở châu Âu.
Đánh giá về kho thuốc kháng sinh, tổng giám đốc Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm (IFPMA, có trụ sở ở Thụy Sĩ) Thomas Cueni cho biết: "Nói chung kho của các công ty đủ cung cấp thuốc kháng sinh từ 2-6 tháng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn phát sinh khi các nước dự trữ thuốc.
Nhu cầu tăng gấp ba vì tình hình hoảng loạn và các biện pháp hạn chế thương mại đã được áp đặt".
Thuốc kháng sinh thiếu hụt một phần do nhiều đại gia dược phẩm rút khỏi lĩnh vực này vì không có lãi. Đầu tư nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh mới rất tốn kém trong khi chỉ bán được thuốc trong thời gian ngắn và thuốc mới chỉ được kê toa sau khi thuốc cũ không công hiệu.
Gần đây nhất là các đại gia Sanofi, AstraZeneca hoặc Novartis đã rút lui. Cuối cùng trụ lại chỉ còn một số công ty công nghệ sinh học khởi nghiệp tầm tầm với vốn đầu tư khá mỏng.
Năm 2019, đầu tư nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh không hơn vài tỉ USD trong khi phát triển hoàn chỉnh một loại thuốc phải tốn đến 2 tỉ USD. Trong khoảng 140 dự án nghiên cứu và phát triển chỉ có 10 dự án liên quan đến các phân tử kháng sinh mới.
Trước tình hình khủng hoảng thuốc kháng sinh, nhiều sáng kiến tập hợp các đối tác công - tư ở cấp độ châu Âu hoặc quốc tế được thực hiện.
Tổ chức Liên minh Công nghiệp kháng kháng sinh được thành lập năm 2017 để chống siêu vi khuẩn với bốn chủ đề: nghiên cứu và phát triển, tiếp cận thuốc kháng sinh, sản xuất và sử dụng tốt thuốc kháng sinh. Tổ chức này tập hợp 1/3 đơn vị liên quan gồm các phòng thí nghiệm dược, công ty công nghệ sinh học và các bộ phận chẩn đoán thí nghiệm.
Tại Pháp, Công ty công nghệ sinh học Deinove đã hợp tác với Viện nghiên cứu Charles Viollette (Đại học Lille) thành lập chương trình nghiên cứu mang tên Thuốc kháng sinh chống các vi khuẩn nhiễm trùng kháng thuốc (AGIR).
Trong hơn 2.000 chủng vi khuẩn mới, Deinove đã xác định khoảng 30 phân tử có hoạt tính sinh học mới. Dự kiến đến mùa thu năm 2020, Deinove sẽ chọn được một ứng viên kháng sinh đầu tiên.
TS Charles Woler - tổng giám đốc Deinove - cảnh báo trong khủng hoảng y tế toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra hiện nay, nếu ngành công nghiệp dược phẩm không đầu tư nhiều hơn, một ngày không xa siêu vi khuẩn kháng thuốc sẽ trở nên không thể kiểm soát.
Siêu vi khuẩn kháng thuốc phát sinh do nhiều nguyên nhân như sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan trong nông nghiệp thâm canh để ngăn ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, sử dụng sai hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh trong trị bệnh cho người. WHO đã gọi đây là "cơn sóng thần đến chậm".
Trong hai báo cáo công bố ngày 17-1-2020, WHO giải thích có 60 loại thuốc chữa bệnh mới đang phát triển không lợi ích gì hơn so với các liệu pháp hiện tại, trong đó có 50 loại kháng sinh. Và trong số kháng sinh đó chỉ có 2 loại tiêu diệt vi khuẩn gram âm kháng thuốc mạnh nhất.
Báo cáo hai năm một lần của tổ chức phi chính phủ Quỹ Tiếp cận y khoa (Hà Lan) công bố hôm 21-1 ghi nhận chỉ có 51 ứng viên thuốc kháng sinh đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng.
Nước Ý đang hi vọng sẽ điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng một loại biệt dược chữa bệnh viêm khớp dạng thấp. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của thuốc này.
Kỳ tới: Tia hi vọng từ Napoli
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận