09/08/2020 11:21 GMT+7

'Chạy đua tại chỗ' để xét nghiệm COVID-19

MINH ĐĂNG - TRƯỜNG TRUNG
MINH ĐĂNG - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đó là cách nói vui của những nhân viên y tế ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), nơi đang chạy đua với thời gian để thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Chạy đua tại chỗ để xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 1.

Bên trong phòng thực hành xét nghiệm, nơi phần lớn công việc của những nhân viên y tế thực hiện khi ngồi nhưng lại tham gia một cuộc chạy đua với thời gian - Ảnh: MINH ĐĂNG

Hằng ngày, hàng ngàn mẫu bệnh phẩm được chuyển đến, tương đương với tối thiểu hàng ngàn người trông ngóng, những người "chạy đua tại chỗ" vì thế tất bật không kém những đồng nghiệp trong ngành y khác. 

Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết từ ngày 25-7 đến 8-8 tại TP đã thực hiện lấy 40.451 mẫu, trong đó 235 mẫu xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Xuyên đêm chờ mẫu bệnh phẩm

Bật khỏi giường sau cuộc điện thoại khẩn lúc rạng sáng 3-8, bác sĩ Lê Thành Chung, phó giám đốc CDC Đà Nẵng, hớt hải chạy đến trụ sở trên đường Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để kiểm tra tình hình. Nhân viên trực báo "có vấn đề" về các mẫu bệnh phẩm.

Dưới ánh đèn đường, tổ tiếp nhận mẫu bệnh phẩm gồm 4 nhân viên lật giở từng trang giấy để thống kê, đối chiếu từng mẫu bệnh phẩm. 

Sau gần 30 phút "soi" từng nét chữ, ký hiệu, gọi điện thoại xác minh lại cho cơ sở tuyến dưới để so sánh, đối chiếu; các mẫu bệnh phẩm mới được chuyển vào phía trong trung tâm để thực hiện những bước cần thiết tiếp theo.

Chuỗi ngày CDC Đà Nẵng không tắt điện đã bắt đầu từ hơn nửa tháng trước khi số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tiếp tục nhiều lên. CDC Đà Nẵng bố trí nhân lực làm việc xuyên đêm để tiếp nhận mẫu bởi từ tuyến dưới đi lấy mẫu cũng rất vất vả, hoàn toàn không cố định thời gian. 

Mẫu gửi lên có khi 12 giờ đêm, có lúc 2 giờ sáng. Có khi hàng trăm mẫu nhưng có lúc cũng chỉ 5-7 mẫu. 

"Tất cả đều phải tiếp nhận, nhập dữ liệu và vận hành thông suốt, không để một mẫu bệnh phẩm nào đọng lại. Đặc biệt, phải tuyệt đối chính xác, bởi chỉ cần sai một mẫu thôi là công sức của cả xã hội coi như bỏ" - bác sĩ Chung cho biết.

"15 ngày trước, công suất xét nghiệm ở CDC Đà Nẵng từ 500-700 mẫu/ngày mà đến nay gấp 10 lần mới thấy anh em ở đây đang "chơi tất tay"" - bác sĩ Chung nói vui cho vơi bớt căng thẳng. 

Đợt COVID-19 trước, số ca nhiễm chỉ đếm trên đầu ngón tay, CDC Đà Nẵng được xem là một đầu mối hỗ trợ xét nghiệm cho các địa phương lân cận. Nay bộ phận này tiếp nhận thêm nhân lực từ Trường ĐH Y dược kỹ thuật Đà Nẵng về để chia lửa.

Những căn phòng sáng đèn 24/24 giờ

Các nhân viên ở đây đang làm việc liên tục 3 ca/ngày. Tay thoăn thoắt với thao tác tách chiết mẫu bệnh phẩm vừa gửi về, kỹ thuật viên Phạm Viết Sơn nói anh cũng như bao nhiêu người ngoài kia đang hồi hộp với từng mẫu bệnh phẩm. Đã 10 ngày qua, anh Sơn ở lại trong CDC để chung tay với anh em.

Vợ anh là nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Ung bướu nên anh buộc lòng phải "cửa đóng then cài" căn nhà nhỏ của hai vợ chồng, gửi con nhỏ về cho ông bà nội ở quê. Thỉnh thoảng mấy cha con mới được gặp nhau qua điện thoại.

Trong căn phòng sáng đèn 24/24 giờ ấy, mọi người không có khái niệm thời gian sáng, tối. Họ chỉ chăm chăm vào âm thanh của thiết bị, thông báo đã hoàn thành thêm một mẻ xét nghiệm mới. Hàng chục kỹ thuật viên hối hả lướt qua nhau, hoàn toàn không có thời gian dừng lại để trò chuyện, tán gẫu. 

Bộ trang phục trắng toát từ đầu đến chân được trang bị để ngăn virus nhưng cũng "ngăn" luôn những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, chính đáng mỗi ngày. 

Bữa cơm có khi đến muộn hơn ngày thường, nhu cầu vệ sinh cá nhân cũng phải gồng mình nán lại. Bởi một khi cởi đồ bảo hộ, đồng nghĩa với việc nghỉ ngơi. Nhưng ở đây, dường như không ai cho phép mình làm điều đó.

Nếu cuộc đua của những nhân viên thực hành xét nghiệm mang đến những quyết định cách ly cụ thể đối với những người chưa xác định bệnh, thì tại trung tâm này còn có một căn phòng khác hướng đến mục tiêu cho cả người đã nhiễm bệnh. 

Đó là căn phòng làm việc của hai chuyên gia đến từ Bộ Y tế là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (phó trưởng khoa virus, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) với mục tiêu là phân tích và dự báo chiến lược.

Vai trò của đội xét nghiệm, bộ phận thường trực Bộ Y tế tại Đà Nẵng tập trung vào nghiên cứu xác định được căn nguyên dịch. Ưu tiên hàng đầu này là để phục vụ các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân theo hướng nào, cách ly như thế nào và bao lâu thì được ra viện... 

"Chúng tôi cũng có cuộc chạy đua riêng của mình cho mục tiêu tổng quát. Đây đều là những cuộc đua gay cấn mang đến sự hồi hộp" - PGS Mai nói.

Người không nghỉ, máy sao nghỉ?

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - trưởng khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng CDC Đà Nẵng, ở trung tâm, mỗi người một nhiệm vụ, không chỉ thuần thục, chính xác mà đòi hỏi phải nhanh, bởi số lượng mẫu gửi đến dồn dập, nhiều gấp 10 lần so với đợt dịch trước.

"Anh em tranh thủ mọi lúc, hễ máy nào xong mẻ xét nghiệm là đẩy mẻ mới vào ngay, người không nghỉ thì không có lý do gì máy được nghỉ" - chị Nhàn hóm hỉnh.

Sở Y tế TP.HCM cử đoàn 8 y bác sĩ chi viện Đà Nẵng Sở Y tế TP.HCM cử đoàn 8 y bác sĩ chi viện Đà Nẵng

TTO - Tối 7-8, nguồn tin từ Đà Nẵng xác nhận Sở Y tế TP.HCM đã có quyết định cử đoàn 8 y bác sĩ ra chi viện Đà Nẵng chống dịch COVID-19.

MINH ĐĂNG - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên