Kế hoạch trên được nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán hàng đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị cấm bán các loại ô tô chạy xăng vào năm 2035, khiến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Thị trường sôi động
Theo quy định, các nhà sản xuất xe hơi phải đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 ở mức 100%, đồng nghĩa với việc các hãng này sẽ không thể bán xe mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở 27 quốc gia thành viên EU.
Theo báo Japan Times, Toyota hiện cung cấp năm mẫu xe điện và một mẫu ô tô điện chạy nhiên liệu hydro hóa lỏng (FCV) dưới thương hiệu Toyota, cũng như hai mẫu xe điện dưới thương hiệu cao cấp Lexus.
Toyota dự kiến sẽ chỉ xuất xưởng xe điện thương hiệu Lexus vào năm 2035 trên toàn cầu và vào năm 2030 ở châu Âu nếu tình hình thị trường cho phép.
Họ cũng có kế hoạch đạt được mức trung hòa carbon hoàn toàn trong sản xuất và logistics ở châu Âu vào năm 2040 và trên toàn cầu vào năm 2050.
Toyota cũng sẽ sử dụng xe tải chạy nhiên liệu hydro hóa lỏng cho các tuyến logistics chính, cùng với các biện pháp khác để giảm lượng khí thải carbon.
Các đối thủ của Toyota cũng đang tham gia đường đua. Vào cuối tháng 9 năm nay, nhà sản xuất ô tô Nissan (Nhật Bản) cũng công bố mục tiêu chuyển sang bán 100% xe điện ở châu Âu vào năm 2030, khẳng định đây là "điều đúng đắn cần làm cho hoạt động kinh doanh", theo trang tin Edie.net.
Quyết định này sẽ được hỗ trợ bởi chương trình đầu tư hơn 40 triệu euro vào các văn phòng của Nissan tại Anh, gồm Trung tâm Nissan Design Europe ở London và Trung tâm kỹ thuật Nissan châu Âu ở Bedford. Cùng với đó là khoản đầu tư 26 triệu euro vào các dự án điện khí hóa.
Hãng ô tô Ford (Mỹ) cũng đặt mục tiêu đạt mức phát thải bằng 0 cho tất cả doanh số bán xe ở châu Âu và mức trung hòa carbon trên toàn bộ cơ sở vật chất, hậu cần và nhà cung cấp ở châu Âu vào năm 2035.
Ford chọn nhà máy Valencia ở Tây Ban Nha để lắp ráp xe điện thế hệ tiếp theo vào năm 2022 và đến giữa năm 2023 Ford khai trương nhà máy sản xuất xe khách chạy điện ở Cologne tại Đức. Đến năm 2026, Ford ở châu Âu có kế hoạch bán 600.000 xe điện mỗi năm.
Tập đoàn Volkswagen (Đức) cũng từng chia sẻ mục tiêu đạt 70% doanh số bán xe điện ở châu Âu vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu trong khu vực.
Trong khi đó, Tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis (sở hữu thương hiệu Peugeot, Citroën, Fiat) tuyên bố vào năm 2021 rằng họ đặt mục tiêu 100% doanh số bán xe ở châu Âu là xe điện vào năm 2030.
Stellantis dự kiến sẽ chỉ ra mắt xe thuần điện ở khu vực châu Âu từ năm 2026. Tập đoàn này đang đầu tư 30 tỉ euro đến năm 2025 vào phát triển điện khí hóa và phần mềm.
Nhu cầu lớn nhưng còn trở ngại
Theo Hãng tin Reuters, EU đang tìm cách có ít nhất 30 triệu xe điện vào cuối thập niên này. Tháng trước, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho biết lục địa già ghi nhận tăng trưởng tháng thứ 15 liên tiếp khi doanh số bán ô tô thuần điện đã tăng 36,3% so với một năm trước đó, đạt 121.808 chiếc, còn doanh số xe hybrid (xe xăng lai điện) tăng gần 39% nhờ ba thị trường hàng đầu là Đức, Pháp và Ý.
Riêng trong tháng 10-2023, thị phần ô tô thuần điện chiếm 14,2%, tăng so với mức 12% cùng kỳ năm ngoái.
Trong 10 tháng tính đến tháng 10-2023, doanh số ô tô thuần điện ở châu Âu đã tăng 53,1%. Các mẫu xe thuần điện, xe hybrid plug-in (PHEV, chạy đồng thời bằng pin và xăng/dầu), xe hybrid chiếm hơn 47% tổng số xe con đăng ký mới ở EU từ tháng 1 đến tháng 10, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Reuters cũng chỉ ra rằng doanh số ô tô điện ở châu Âu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại khi người mua đang chờ đợi những mẫu xe rẻ và tốt hơn trong vòng 2-3 năm tới.
"Vấn đề chính là sự không chắc chắn. Nhiều người cho rằng công nghệ sẽ cải tiến và thà đợi ba năm để có mẫu xe tiếp theo còn hơn là mua một chiếc xe sẽ nhanh chóng mất giá trị ngay bây giờ" - ông Thomas Niedermayer, sở hữu một đại lý ô tô ở Bavaria (Đức), chia sẻ.
Trong khi đó, công ty mua bán xe AutoTrader cho biết xe điện mới ở Anh vẫn đắt hơn trung bình 33% so với các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Một vấn đề khác được tờ Guardian chỉ ra ngày 4-12 là các nhà sản xuất ô tô ở EU và Anh chỉ đảm bảo được chưa đến 1/6 số nguyên liệu thô quan trọng mà họ sẽ cần vào năm 2030 để đảm bảo sản xuất pin xe điện.
Bà Julia Poliscanova, giám đốc cấp cao tại Tổ chức phi chính phủ giao thông và môi trường (T&E), nhận định các chiến lược về chuỗi cung ứng là yếu tố quyết định thành bại với quá trình chuyển đổi xe điện ở châu Âu.
VinFast cạnh tranh ở châu Âu
Trả lời Reuters vào tháng 9 năm nay, giám đốc điều hành VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, cho biết trong năm 2023 công ty sẽ xuất xưởng những chiếc xe điện đầu tiên sang thị trường châu Âu sau khi nhận được sự chấp thuận theo quy định.
Theo kế hoạch, khoảng 3.000 chiếc SUV VF8 sẽ được giao đến Pháp, Đức và Hà Lan trong quý 4. Nếu hoàn thành, châu Âu sẽ trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của VinFast trong năm nay. Trước đó, VinFast đã vận chuyển khoảng 2.100 xe điện đến Mỹ trong đầu năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận