TTCT - Eldoret là một thị trấn đặc biệt phía tây Kenya. Ở đó, những đứa trẻ không mơ mộng lớn lên sẽ trở thành kỹ sư hay bác sĩ. Thay vào đó, chúng chạy và chạy… Để khái quát một cách súc tích nhất, Eldoret chính là quê hương của Eliud Kipchoge - ông vua làng marathon suốt gần một thập niên qua. Và Kipchoge đã là niềm cảm hứng, động cơ, sự kích thích cho tất cả mọi người cùng chạy!Thanh thiếu niên Kenya miệt mài chạy bộ mơ đổi đời. Ảnh: REUTERSĐộng lực để chạyTừ lâu, sự xuất sắc của người Kenya ở các nội dung chạy bộ đã là chuyện quen thuộc với làng điền kinh thế giới. Trong lịch sử Giải vô địch điền kinh thế giới, các VĐV Kenya giành tổng cộng 62 HCV, chỉ xếp sau Mỹ. Còn ở Olympic, có đến năm kỷ lục chạy bộ (chủ yếu là cự ly dài) thuộc về người Kenya. Sự dẻo dai, bền bỉ và đôi chân thoăn thoắt dường như nằm trong gene của mọi đứa trẻ lớn lên tại quốc gia Đông Phi nghèo khó này.Kenya có một nơi tập trung những người xuất sắc hơn cả, đó là Eldoret. Với độ cao hơn 2.000m, địa thế nơi đây được giới chuyên môn nhận định là lý tưởng cho việc tập luyện các cự ly chạy trung bình và dài. Lẽ đó, Eldoret đã không ngừng sản sinh ra những nhà vô địch điền kinh - từ Kip Keino, Kipchoge đến Duncan Kibet, Benjamin Limo.Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) cũng chọn Eldoret để xây dựng trung tâm huấn luyện độ cao và hằng năm, hàng ngàn VĐV chạy bộ đổ đến đây tập luyện. Cũng giống như những khu ổ chuột huyền thoại của xứ sở bóng đá Brazil, những người trẻ tuổi Eldoret ngày qua ngày lặng lẽ tập chạy bộ dưới những cơn mưa dầm, nắng gắt, thời tiết khắc nghiệt để mơ đổi đời."Ngày nào như ngày nấy. Tôi ngủ, rồi thức dậy để chạy bộ, ăn uống, rồi lại chạy. Một ngày nào đó tôi sẽ tham gia các cuộc đua lớn", Kipchumba - chàng trai 27 tuổi ở Eldoret nói. Kipchumba chưa bao giờ tham dự các giải đấu nước ngoài. Nhưng không giống những môn thể thao đỉnh cao khác, chạy bộ đường trường có quãng đời sự nghiệp chậm hơn, và cũng lâu dài hơn. Rất nhiều VĐV chỉ thành công khi qua ngưỡng 30 tuổi, và kéo dài đến tận ngoài 40.Keino hay Kipchoge là biểu tượng ở Eldoret cũng như Kenya. Họ kiếm được hàng triệu USD từ các giải thưởng, hợp đồng tài trợ, quảng cáo hằng năm, và sử dụng một phần số tiền đó để đóng góp cho rất nhiều phúc lợi xã hội của người dân quê nhà. Còn những thanh thiếu niên như Kipchumba là niềm hy vọng để gia đình họ thoát nghèo.Ruth Bosibori, VĐV cự ly trung bình từng dự Olympic 2008, phải trả hàng ngàn USD mỗi năm để đóng học phí cho nhiều anh em họ của cô. Bosibori nói: "Khi tôi nghĩ đến những đứa trẻ, chúng chính là động lực thúc đẩy tôi chạy bộ chăm chỉ". Còn với những VĐV ở vào đẳng cấp đoạt huy chương thế giới hay Olympic, con số người phụ thuộc vào họ lên đến hàng trăm.Wesley Korir, người từng vô địch các giải marathon danh giá ở Los Angeles và Boston, được bầu vào Quốc hội Kenya năm 2012 sau khi tài trợ học phí cho khoảng 300 trẻ em, hỗ trợ 2.000 nông dân và tạo ra việc làm cho hàng trăm thợ may."Nếu tôi thắng một cuộc đua, những đứa trẻ này sẽ được đi học vào năm tới. Và chúng sẽ chẳng có gì nếu tôi thua cuộc. Đó là động lực cực lớn. Mọi người thường hỏi vì sao chúng tôi chạy nhanh đến vậy. Câu trả lời là chúng tôi phải chạy để người dân Kenya thoát nghèo", Korir nói.Đi khắp thế giớiNhững VĐV ở tầm cỡ như Korir có thu nhập từ hàng trăm ngàn đến tiền triệu USD mỗi năm. Nhưng làng chạy bộ Kenya không chỉ toàn những ngôi sao tầm cỡ thế giới. Những năm gần đây, hàng ngàn "runner" Kenya tỏa khắp thế giới để kiếm tiền. Họ là những người chưa thể hy vọng tìm kiếm huy chương ở các giải thuộc hệ thống World Marathon Majors (WWM, gồm các giải ở Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago và New York), nhưng vẫn đủ sức về đích trong top đầu các giải quốc tế khác. Trong số đó, Trung Quốc hiện là mảnh đất màu mỡ để làng chạy bộ săn tiền thưởng hướng đến.Năm 2015, có 134 cuộc thi marathon diễn ra ở Trung Quốc. Một năm sau, con số này tăng lên đến 328, kèm theo số tiền thưởng cũng ngày càng tăng. Người Trung Quốc bắt nhịp rất nhanh với thế giới. Khi nhận ra sự lớn mạnh của cộng đồng chạy bộ, các công ty Trung Quốc nhanh chóng thâm nhập Kenya để mang về những chân chạy xuất sắc. Tao Camp, một công ty quản lý thể thao ở Trung Quốc, hiện có hơn 140 khách hàng là VĐV chạy bộ người Kenya và Ethiopia.Paul Mutwii, phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Kenya, cho biết thông qua những công ty này, VĐV Kenya sẽ dễ dàng tham dự các giải chạy trên toàn thế giới. Họ được trả toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở và bỏ túi số tiền thưởng giành được. Đổi lại là những hoạt động quảng bá dành cho nhà tài trợ. Theo ông Mutwii, trung bình mỗi giải marathon ở Trung Quốc có tổng tiền thưởng khoảng 40.000 USD.Riêng Việt Nam, hôm 12-2 tại Giải chạy đêm ở TP.HCM, lần đầu tiên các VĐV Kenya cũng đã xuất hiện và một trong số đó, Ezekiel Kembol, về nhất với thành tích 2 giờ 30 phút 3 giây ở cự ly marathon. Tuy nhiên, anh không hài lòng về bản thân vì hồi tháng 12-2022, Ezekiel đã bỏ túi 10.000 USD tiền thưởng từ chức vô địch Standard Chartered Singapore Marathon khi chạy nhanh hơn đến 10 phút!Khả năng kiếm tiền từ chạy bộ đã làm thay đổi cuộc đời rất nhiều người Kenya. Kitwarotith, một cựu cảnh sát, quyết định bỏ nghề để chuyển sang tập chạy bộ khi bước vào khoảng tuổi 25. Suốt quãng đời đi học, "năng khiếu" của Kitwarotith đơn giản chỉ thể hiện qua những chuyến cuốc bộ 18km từ nhà đến trường. Khi cơn sốt chạy bộ bùng nổ ở các nước châu Á, anh bắt đầu tìm kiếm cơ hội. Dù không lên được hàng ngôi sao, anh vẫn đủ tư cách để được mời tham dự các giải diễn ra tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc hoặc Malaysia. Trung bình mỗi năm Kitwarotith tham dự 3-4 giải quốc tế, kiếm được số tiền thưởng khoảng 10.000 USD mỗi giải."Có hàng ngàn VĐV ở Kenya, với tỉ̉ lệ thanh thiếu niên rất đông. Chúng tôi hiện chưa phải lo lắng về thế hệ kế cận", Kipchoge nói. Như sư tử và linh dương, người Kenya thức giấc và chạy đến khi mặt trời lặn, chính là để sinh tồn. ■ Vì sao người Kenya chạy nhanh?Câu chuyện về gene di truyền đặc biệt của người Kenya với chạy bộ từ lâu đã là đề tài khoa học thú vị. Theo giáo sư khoa học thể thao VincentO. Onywera của ĐH Kenyatta (Kenya), hầu hết VĐV chạy bộ hàng đầu Kenya đều thuộc bộ lạc Kalenjin, vốn sinh sống rải rác trong vùng thung lũng Đại Vực châu Phi (thị trấn Eldoret cũng nằm ở đây). Dù chỉ chiếm khoảng 10% dân số nhưng hơn 70% huy chương chạy bộ quốc tế của Kenya là thuộc về bộ lạc này. Giáo sư Onywera cho biết "có ít nhất ba nghiên cứu khoa học chứng minh rằng chạy bộ ở điều kiện độ cao của thung lũng Đại Vực giúp tăng mức tiêu thụ oxy tối đa (chỉ số quan trọng để đánh giá thể lực)". Chế độ ăn uống đạm bạc của người Kenya, chủ yếu là ngô, sắn, khoai mỡ cùng món sữa lên men mursik, cũng được xem là thực đơn hoàn hảo cho dân chạy. Tags: Phía tây KenyaChạy bộMarathonThoát nghèoKenya
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.