- Hạng thứ nhất gồm những người chạy chức, quyền vì mục đích kinh tế: đây là loại mà tác giả Tương Lai đề cập đến trên theo luận điểm của nhà xã hội học lừng danh Max Weber “quyền lực đẻ ra sở hữu” (TTCN, 7-11-2003).
Có nghĩa rằng những loại người này không xem chức, quyền là một cách thức để “phục vụ dân”, “làm tôi tớ cho dân” nhưng là một phương tiện để vun xới cho bản thân, gia đình, dòng họ và phe cánh của mình. Do đó mà họ không ngần ngại “chi” để tìm cho được một chức nào đó mà không hề sợ tốn kém bởi vì họ đã tính toán sẽ “thu” lại nhiều hơn một khi đạt được một chức, quyền đã được nhắm tới.
Đây phải chăng là loại chiếm đa số trong “dân số” chạy chọt quyền, chức của xã hội ta hiện nay? Có thể lắm chứ bởi đã có hàng loạt “quan tham” đã phải trình diện trước vành móng ngựa trong thời gian vừa qua.
- Hạng thứ hai là chạy chức quyền vì chức quyền: đây là những người xem chức quyền là một mục tiêu nội tại chứ không phải là một phương tiện để trục lợi về mặt kinh tế. Họ là những người thích được nắm quyền lực trong tay mình, thích điều khiển người khác và quyền lực là thứ “ám ảnh” họ. Do đó, loại người này có thể dùng mọi thủ đoạn và phương cách để được có chức, quyền. Loại này cũng sẽ không thể là những cán bộ của dân, do dân và vì dân được.
Lý do thứ hai thuộc về khách quan, tức là ta thiếu hoặc có nhưng không tôn trọng những tiêu chuẩn tuyển dụng và đề bạt công chức một cách công khai và triệt để. Để việc chạy chức, quyền có thể vận hành được là do những qui định về các tiêu chuẩn của từng loại chức, quyền không được công khai minh bạch, rõ ràng.
Chẳng hạn như loại ra khỏi danh sách đề bạt lên các chức vụ cao những ai đã từng bị “phốt” ở cấp thấp thì có lẽ ta đã không có những Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến, Nguyễn Thiện Luân… của ngày hôm nay. Hoặc là gắn “nhiệm sở” với những yêu cầu cụ thể về trình độ chuyên môn và đạo đức chứ không phải theo kiểu “lớp 3 vẫn lên tới giám đốc” được.
Tóm lại, ta sẽ thấy rằng vấn đề chạy chức, quyền sẽ không thể bị xóa sổ nếu “trên” không nghiêm. Vậy thì làm sao để chống được việc chạy này? Ta nói nhiều đến sự công tâm, ý thức của cán bộ, của công dân kêu gọi cán bộ nói không với tiêu cực nhưng giải pháp này thành công đến mức độ nào?
Tôi cho rằng sẽ không thể có ý thức tôn trọng pháp luật nếu pháp luật không có những biện pháp chế tài và trừng phạt những hành vi phạm luật. Rất mong Quốc hội, Chính phủ hãy tìm ra những giải pháp căn cơ hơn và nhất là phải ứng dụng một cách triệt để những giải pháp ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận