Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Bạn Nguyễn Thị Thanh Phim (đứng) trong lớp học - Ảnh: PHÚC ĐIỀN |
Chị Trần Thị Hoa, phụ huynh có cháu học tại TTGDTX quận 10 (TP.HCM), kể về chuyện của bạn bè con mình trong xúc động: “Ngày nào cũng đi làm, cuộc sống khó khăn, thiếu tiền, thiếu những bữa ăn ngon đã đành, nhiều đứa không được ngủ tròn giấc, không có đủ thời gian học bài. Ngay cả những thứ đơn giản nhất như xem tivi, nhiều em cũng không có thời gian xem”.
Vượt qua cảnh ngộ
Nguyễn Thị Thanh Phim đang học lớp 12A1 ở TTGDTX quận 3. Phim học ở đây từ năm lớp 7, vì hoàn cảnh gia đình cô gái nhỏ này rời quê, một mình vừa làm vừa học. Gần sáu năm ở thị thành, Phim vừa học vừa làm và luôn đạt kết quả khá giỏi, đồng thời là thủ lĩnh tích cực trong mọi hoạt động phong trào ở trường. Để có được điều đó, Phim đã nỗ lực rất nhiều. “Thử hình dung về nghị lực của một cô bé học trò từ lớp 7 đã sống tự lập để theo học lớp bổ túc mới thấy điều đó là phi thường” - nhiều thầy cô nói. Đợt thi ĐH, CĐ này Phim đăng ký vào ngành sư phạm vì hai lẽ: Phim yêu trẻ con và học ngành sư phạm được miễn học phí!
"Đồng trang lứa, các bạn học phổ thông được học ngày hai buổi có lẽ không bao giờ có chuyện đi làm thêm. Với học sinh GDTX, đã đi làm tự nuôi thân là quên đi cái hạnh phúc được cha mẹ đưa đi đón về. Cái áo cái quần cũng tự mua tự giặt, lâu lắm không có bữa ăn với gia đình" Phan La Văn (học sinh TTGDTX Q.3) |
Hiện ngoài giờ học, Phim đi bán hàng ở một trung tâm thương mại, từ 15g-22g. Ba tiếng đồng hồ buổi trưa ở nhà trọ Phim lụi cụi nấu ăn bữa trưa (và chuẩn bị cơm mang theo ăn buổi chiều ở chỗ làm), tranh thủ học bài. Hết giờ làm, đạp xe về đến phòng trọ đã quá khuya, nhiều hôm mệt lử không học nổi. Lương của Phim xấp xỉ 2,2 triệu đồng/tháng, riêng tiền nhà trọ hết 600.000 đồng, phải tằn tiện từng bữa ăn mới đủ sống và lo chuyện học. Phim tâm tình: với mấy tiếng đồng hồ buổi trưa, em chỉ hoàn thành 60% những bài cần phải học. “Ước sao mỗi ngày có thêm khoảng bốn tiếng đồng hồ để em có thể học được” - Phim nói.
Ở các TTGDTX còn có những bạn trẻ giỏi giang nhưng cuộc đời gian nan. Như Lý Nhật Hoàng, lớp 11A2 TTGDTX Q.12, lấy bằng C tiếng Anh từ năm lớp 9, ba năm liền liên tiếp đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh hệ GDTX (giải 3 học sinh giỏi GDTX năm lớp 9, lên lớp 10 đoạt giải nhì và lớp 11 đoạt giải nhất học sinh giỏi lớp 12) cũng phải xa quê, đi học GDTX từ lớp 7. Gần một năm nay, Hoàng một mình ở nhà trọ, đi làm tự trang trải cuộc sống. Từ năm lên lớp 10, Hoàng bắt đầu đi dạy kèm tiếng Anh cho hai “học trò” lớp 8. Gói ghém thu nhập từ dạy kèm, được trường miễn học phí, thỉnh thoảng làm thêm vài việc thời vụ khác, Hoàng cũng vừa đủ sống.
Hoàng kể về cô bạn cùng lớp Bùi Thị Hằng: cũng xa gia đình, ngoài giờ học bạn làm nghề may gia công và là người có điểm số giỏi nhất khối 11. Ở lớp của Hoàng, một nửa lớp phải đi làm thêm, nghề của các bạn là may gia công, làm thiệp, bán hàng, bán cà phê, phụ đãi tiệc đám cưới... “Em như vậy là sung sướng hơn nhiều bạn. Nhiều bạn có năng lực học tốt nhưng vì đi làm nên kết quả không như mong muốn. Lên lớp 12 bài vở sẽ nhiều hơn, có thể đóng học phí nhiều hơn. Nhiều bạn đang học lớp 11 phải tranh thủ hết sức đi làm để dành dụm tiền cho sang năm” - Hoàng tâm sự.
Đầy tình yêu thương và nỗi niềm
Thế giới đầy gian nan và nỗ lực Cô Nguyễn Thị Kiều, phó giám đốc TTGDTX quận 12, nói có trên 40% học sinh tại trung tâm có hoàn cảnh gia đình trục trặc, nhiều em dang dở việc học từ 1-3 năm trước khi vào học GDTX. Thầy Nguyễn Hữu Vinh, giáo viên văn, trợ lý thanh niên TTGDTX quận 3, cho biết: “Nhiều em không có được một gia đình đầy đủ, nhiều em hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, cũng có em vật chất không thiếu nhưng thiếu tình thương. Nhiều em xin nghỉ học vì lý do có việc làm tốt hơn, nhiều trường hợp thầy cô GDTX không thể giữ chân học trò ở lại khi nhất quyết phải đi làm vì bản thân mình không muốn làm gánh nặng cho người thân. Khó khăn nhiều, nhưng trong thế giới học trò với những cảnh ngộ khó khăn lại có không ít những điển hình nỗ lực vượt khó”. |
Phan La Văn, lớp 11A1 TTGDTX quận 3, có “nghề” chỉnh sửa, lồng nhạc các video clip, ngày làm tám tiếng từ 13g-21g, thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Ngày nào cũng vậy, 21g30 về đến nhà, tắm rửa xong, học bài đến 0g. Hai tiếng đồng hồ không đủ hoàn thành bài vở, phải tận dụng thêm những giờ ra chơi ở trường, hoặc phải tập trung nắm bắt bài tại lớp. Chuyện của Văn cũng không phải lạ trong thế giới bạn bè xung quanh mình, nơi có rất nhiều người làm đủ nghề để được đi học.
Văn cho biết ở lớp 11A1 có khoảng một phần tư các bạn dang dở chương trình phổ thông từ bậc THCS, nguyên nhân chính phần đông do hoàn cảnh gia đình (cha mẹ ly hôn, gia đình khó khăn, không ở cùng cha mẹ...). Gần nửa lớp phải đi làm thêm với thu nhập 1,5-1,7 triệu đồng/tháng để trang trải toàn bộ hoặc một phần chi phí học tập. Có bạn đi làm học vẫn giỏi, có nhiều bạn buông xuôi, học chỉ đủ điểm lên lớp.
Lý Nhật Hoàng kể: Vừa học vừa làm cực nhọc mệt mỏi, bài vở không vô đầu, nhiều bạn buồn quá ngồi khóc. Những lúc đó bạn bè đến an ủi, động viên nhau ráng học hết lớp 12. Có bạn cuộc sống quá khó khăn định thôi học về quê làm công nhân, cả nhóm xúm nhau ra yêu cầu “cấm không cho nghỉ học” và bạn lại tới trường... Phần đông các bạn khó khăn, nghèo khó, chia sẻ nhau tinh thần. Các bạn ở TTGDTX sống chan hòa, tình cảm, giúp đỡ tương trợ nhau. Chẳng hạn như các bạn giúp nhau tìm việc làm, chép bài giúp khi bạn bận đi làm.
Văn tâm tư: “Đồng trang lứa, các bạn học phổ thông học ngày hai buổi có lẽ không bao giờ có chuyện đi làm thêm. Với HS GDTX, đã đi làm tự nuôi thân là quên cái hạnh phúc được cha mẹ đưa đi đón về. Cái áo cái quần cũng tự mua tự giặt, lâu lắm không có bữa ăn với gia đình... Vài lần đạp xe ngang qua cổng trường phổ thông nhìn thế giới các bạn ở đó sao mà cao sang! Những người trẻ thường hay so sánh nhau, mình mặc trên người chiếc áo GDTX tự nhiên cũng mất tự tin. Em từng sợ ánh mắt mọi người nhìn mình với ý nghĩ: “HS GDTX chắc là quậy lắm!”. Có mấy ai thấu hiểu những cảnh ngộ của mình... Có lẽ với hầu hết HS phổ thông ở thành phố này, chuyện vào ĐH, CĐ là mục đích phải đạt. Nhưng với HS GDTX tụi mình đó chỉ là ước mơ chứ không phải ai cũng đủ khả năng vào ĐH. Tốt nhất tìm một cái nghề để đi làm, lập thân. Dù sao chuyện đó tụi mình cũng đã quen rồi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận