Bà Naoko Takahashi và anh Nguyễn Đức mở màn cho cự ly 5km ở giải Ảnh: T.P. |
Giải diễn ra trong sáng 14-1 tại Q.7, do Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM phối hợp cùng Liên đoàn Điền kinh và một công ty giải trí tổ chức.
Triệu bạc cho một suất “được chạy”
Phong trào chạy bộ đã không còn xa lạ với người dân VN, khi ngày càng có hàng loạt hội nhóm chạy bộ được thành lập với con số hàng ngàn người tham dự. Đi cùng đó là hàng chục giải chạy bộ mỗi năm, trải dài từ các cự ly 3-5km đến cả marathon (hơn 42km). Ở VN, HCMC Marathon là một trong những giải lớn nhất với quy mô hàng ngàn người và có rất đông người nước ngoài tham dự. Điển hình như ở giải năm nay có đến khoảng 800 VĐV nước ngoài từ hơn 40 quốc gia đăng ký, chỉ tính ở các nội dung chạy 21km và 42km.
Chạy bộ được xem như một trong những môn thể thao đơn giản, ít tốn kém, nhưng tham dự HCMC Marathon thì dường như không phải vậy. Chúng tôi không khỏi giật mình khi nhìn vào mức lệ phí tham gia giải: từ 800.000 đồng (nếu đăng ký sớm) đến 1.360.000 đồng với người địa phương đăng ký cự ly 42km và 1.700.000 đồng với người nước ngoài. Ở cự ly 5km, mức phí là 200.000 - 350.000 đồng. Ở năm đầu tiên tổ chức, giải thu hút khá đông người tham dự (khoảng 5.000 người), nhưng khi đó ban tổ chức phải đi vận động các bạn trẻ tham dự, lệ phí còn khá thấp và được miễn phí ở những cự ly ngắn. Sau hơn 4 năm, giờ đây muốn tham gia giải thậm chí phải đăng ký sớm nếu không muốn bị mất chỗ.
Bà Đồng Ngọc Bích Ngân, phụ trách truyền thông của ban tổ chức, cho biết: “Thật sự 8.000 người là gần như giới hạn với đường chạy dọc đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ, đông hơn nữa sẽ rất khó kiểm soát. Chúng tôi đang tính đến phương án xin cả hai làn đường cầu Phú Mỹ cho giải năm sau”.
Điều gì đã khiến những người mê chạy bộ cả ở VN lẫn nước ngoài háo hức tham dự một giải chạy đến thế? Cảm giác chinh phục thách thức, không khí sôi động và cách thức tổ chức sáng tạo của ban tổ chức là những động lực chính.
Nguyễn Anh Huy (27 tuổi), đã tham dự giải 2 lần, cho biết: “Năm nào dự giải, cầu Phú Mỹ cũng là một thách thức đáng kể. Ban tổ chức muốn tạo cho chúng tôi cảm giác chinh phục cây cầu nổi tiếng này, điều đó thực sự kích thích những người mới. Tôi từng chinh phục thử thách này rồi, nhưng vẫn quyết tham gia giải tiếp tục vì đây là một ngày hội lớn của những người mê chạy bộ”.
Những hình ảnh truyền cảm hứng
Chỉ là một giải phong trào, HCMC Marathon vẫn cuốn hút nhiều khán giả vì những hình ảnh vô cùng đặc biệt. Giải có nhiều nội dung, ngoài việc chia theo cự ly còn có thêm nội dung dành cho trẻ em và cả người khuyết tật. Hình ảnh của những VĐV khuyết tật nghiệp dư, người khập khiễng, người vất vả chống đôi nạng... nhưng vẫn tràn đầy hứng khởi trên cung đường 5km tạo nên cảm xúc đặc biệt cho những người tham dự. Đó chính là nguồn cảm hứng của HCMC Marathon.
Đồng hành cùng các VĐV khuyết tật là một cái tên cũng vô cùng đặc biệt - nhà vô địch Olympic người Nhật Naoko Takahashi. Thành tích 2 giờ 23 phút 14 giây năm 2000 của bà Takahashi còn lập nên kỷ lục marathon nữ của Olympic, trước khi bị phá ở Olympic London 2012. Đã giải nghệ từ lâu nhưng ở tuổi 45, bà Takahashi vẫn giữ được mức tập luyện marathon đều đặn. Nhà cựu vô địch Olympic này đã đồng hành trên cung đường chạy 5km cùng các VĐV khuyết tật ở giải, trong đó có anh Nguyễn Đức - một trong hai anh em song sinh “Việt - Đức” bị dính liền vì tác động chất độc da cam được phẫu thuật tách rời vào năm 1988. Ngoài mục đích khuyến khích chạy bộ, giải còn vận động đóng góp thiện nguyện cho các nạn nhân chất độc da cam của Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM.
Bà Takahashi tỏ ra rất xúc động khi được tham gia hoạt động ý nghĩa này của giải: “Những hoạt động thể thao như vậy sẽ có giá trị lớn trong việc động viên, ủng hộ tinh thần cho những con người bất hạnh. Tôi rất hạnh phúc khi được tham dự một phần vào đây. Ở Nhật, chạy marathon là chuyện quen thuộc với người dân, mỗi năm có đến hàng ngàn giải chạy marathon, tạo ra thói quen chạy bộ cho người Nhật chúng tôi”.
Thể thao chuyên nghiệp cần học hỏi Trước sự phát triển mạnh của giải marathon HCMC, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh TP.HCM Nguyễn Trung Hinh chia sẻ: “Giải marathon HCMC năm nay có số lượng VĐV, cả nước ngoài lẫn trong nước, nhiều nhất từ trước đến nay. Sự phát triển này là nhờ tính xã hội hóa lan tỏa ở cộng đồng, lôi kéo nhiều người ham thích tập môn thể thao này sau thành công của từng năm. Người tham gia thi đấu vừa được đua sức, vừa hưởng thụ nét văn hóa của chương trình này nên thích thú. Mà xã hội hóa càng sâu, có nhiều người quan tâm thì việc kêu gọi tài trợ cho giải cũng dễ dàng hơn. Đó là sự khác biệt của giải này so với các giải marathon truyền thống”. Ông Hinh cũng cho biết sắp tới, điền kinh TP.HCM sẽ đẩy mạnh khuyến khích những đối tượng nghiệp dư tham gia một số lĩnh vực điền kinh. Theo đó, Giải vô địch điền kinh TP.HCM và các giải khác do Liên đoàn Điền kinh TP.HCM tổ chức sẽ cho phép thành viên các CLB điền kinh trên địa bàn đăng ký thi đấu cùng các đơn vị quận, huyện. Hiện có khoảng 80 CLB điền kinh ở các quận, huyện đã đăng ký hoạt động với Liên đoàn Điền kinh TP.HCM, chủ yếu là các CLB từ trường học, doanh nghiệp... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận