TTCT - Không phải đua xe F1, cũng chẳng phải bóng đá hay golf, marathon mới là môn thể thao thu hút nhiều khách du lịch nhất trong tất cả các môn thể thao tổ chức tại Việt Nam… Một VĐV nước ngoài trên đường chinh phục cự ly 70km, đằng sau là ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín. Ảnh: LƯU KHƯƠNG Nói có sách mách có chứng: 4.000 vận động viên (VĐV) đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia giải marathon leo núi hấp dẫn và khốc liệt nhất Việt Nam (Vietnam Moutain Marathon - VMM) tại Sa Pa từ ngày 20 đến 22-9 vừa qua. VMM 2019 có 1.000 VĐV nước ngoài đến Sa Pa tham gia chạy bộ kết hợp du lịch. Họ là khách của Sa Pa nhưng đồng thời cũng là những sứ giả đưa Sa Pa và Việt Nam đi khắp thế giới. Đến VMM không chỉ để chạy VĐV Coline Drain Martin (quốc đảo New Caledonia) - á quân cự ly 100km nữ của VMM 2019 - cho biết chị được một người bạn đang sống tại Việt Nam giới thiệu về VMM. Thế nên nhóm 6 người của chị đã đến Sa Pa, 3 người chạy 100km, 2 người chạy 70km, người còn lại chạy 21km. Tất cả đều muốn tham gia giải chạy và khám phá một quốc gia mới. “Cảm nhận đầu tiên của tôi ở Sa Pa là mây, cảnh vật chìm trong mây mù, thời tiết rất thích hợp để chạy. Sau giải chạy ở Sa Pa, chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá các tỉnh phía Bắc của Việt Nam trong hai tuần. Chúng tôi đến VMM không chỉ để chạy bộ, vượt qua những cung đường khốc liệt mà còn để du lịch. Vẻ đẹp của những ruộng bậc thang, các dãy núi hùng vĩ gây ấn tượng mạnh với tôi” - Coline nói. Đường đua khốc liệt, lầy lội, các VĐV tham dự những cự ly 42km, 70km, 100km phải chạy xuyên đêm mưa trong rừng sâu với đèn đội đầu và các dải băng đánh dấu đường mà ban tổ chức đã bố trí. Với cự ly 100km, VĐV mất trung bình từ 15-25 giờ chạy liên tục trên các đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp. Đường đua quá khốc liệt nên cũng không ít VĐV đã bỏ cuộc trước những dốc cao, vực sâu, trơn trượt nguy hiểm. Thế nhưng, “món quà” cho những người đến đích thật tuyệt vời, đó không chỉ là tấm huy chương mà còn được chiêm ngưỡng, đẫm mình trong những cảnh sắc tuyệt vời nhất của Sa Pa. VĐV Pieter Glorieux (Bỉ) - nhà vô địch cự ly 15km nam - cho biết anh không đến VMM để chạy bộ mà tình cờ tham dự giải khi đang ở Sa Pa du lịch cùng bạn gái. Pieter chia sẻ: “Tôi tình cờ đi ngang qua quảng trường ở Sa Pa và biết có giải chạy ở đây nên ngay lập tức đăng ký tham gia. Tôi chạy cự ly 15km, còn bạn gái tôi chạy 10km. Niềm vui bất ngờ khi tôi là người về đích đầu tiên. Đường chạy rất thử thách với nhiều dốc nhưng bù lại phong cảnh rất đẹp. Chắc chắn tôi sẽ chia sẻ hình ảnh tại VMM để bạn bè của mình biết đến Sa Pa và Việt Nam, đây là trải nghiệm tuyệt vời trong đời tôi”. Đến từ Ấn Độ, VĐV Arman Verma cho biết đã từng tham gia giải ba môn phối hợp ở Singapore, giải chạy half marathon ở Malaysia. Khi muốn trải nghiệm giải thể thao có tính thử thách hơn, anh đã đến VMM 2019. Arman Verma nói: “Cung đường chạy quá đẹp với những thửa ruộng bậc thang đặc trưng, những ngọn núi sừng sững, suối chảy róc rách... Người dân và cả những khách du lịch đều vỗ tay khích lệ các VĐV tham gia. Nhờ vậy, tôi đã hoàn thành được thử thách chạy 21km. Sa Pa là điểm đến cuối cùng của tôi trong hành trình 10 ngày du lịch tại Việt Nam”. Các VĐV tham dự cự ly 100km chuẩn bị xuất phát lúc 21h. VĐV phải chạy xuyên đêm và mất trung bình từ 16-26 giờ mới có thể cán đích. Nhiều người đã bỏ cuộc vì đường đua quá khốc liệt, kiệt sức vì mệt. Ảnh: LƯU KHƯƠNG Xuất phát từ tình yêu với những ngọn núi VMM ra đời từ năm 2013, giải đấu ban đầu do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đứng ra tổ chức. Cuộc họp báo để công bố cuộc đua vào thời điểm đó đã gây nhiều kinh ngạc bởi ban tổ chức cho biết sẽ tổ chức các cự ly chạy 70km trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Thời điểm đó, các giải marathon 42km ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, người tham dự chủ yếu là VĐV thể thao chuyên nghiệp. Việc tổ chức và tham dự cuộc thi siêu marathon trên dãy Hoàng Liên Sơn tới 70km là điều quá mới mẻ. Vì thế, năm đầu tiên các VĐV tham dự chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là người nước ngoài. VĐV Việt Nam đa phần là người dân tộc thiểu số tại Lào Cai (những nhân viên của Topas Travel - đơn vị vận hành cuộc đua). Thời gian sau, Topas Travel (Đan Mạch) đã tiếp quản và tổ chức cuộc đua. Sau 7 năm, VMM đã trở thành giải chạy địa hình top đầu châu Á. Với tỉnh Lào Cai, VMM là sự kiện thể thao tiêu biểu, góp phần thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh của Sa Pa đi khắp nơi trên thế giới. Trong một số hội thảo về phát triển ngành công nghiệp thể thao Việt Nam trong thời gian gần đây, VMM đã được lấy ra làm dẫn chứng cho sự phát triển du lịch kết hợp với thể thao. Trao đổi với TTCT, ông David Lloyd - giám đốc thể thao Topas Travel - nói lý do để Topas tổ chức VMM chính từ tình yêu với những ngọn núi ở Sa Pa. David nói khi bạn được hòa mình với thiên nhiên hoang dã, ngắm nhìn những ngọn núi hùng vĩ, bạn sẽ yêu thích nó. Người chạy khi trải nghiệm nó sẽ muốn chia sẻ với cộng đồng và đó là lý do khiến VMM phát triển thần kỳ. Các thành viên của Topas đến từ nhiều nước trên thế giới như Anh, Đan Mạch và khi đến dãy Hoàng Liên Sơn thấy hùng vĩ như dãy Alps. Ngoài ra, văn hóa của các dân tộc bản địa: Mông, Dáy, Dao Đỏ... tạo nên sức hút không đâu có được như Sa Pa. Các VĐV băng qua con đường xung quanh là núi non trùng điệp. Ảnh: LƯU KHƯƠNG Thể thao thúc đẩy du lịch Theo thống kê, trong số 4.000 VĐV tham dự VMM 2019 có khoảng 1.000 VĐV là người nước ngoài, còn lại là VĐV Việt Nam đến từ mọi miền Tổ quốc. Tất cả họ đều có tình yêu với chạy bộ và du lịch. “Hầu hết mọi người đều lưu trú ở Sa Pa ít nhất 3 ngày khi dự VMM, nhiều người ở lại lâu hơn cho kỳ nghỉ kéo dài với cả gia đình hoặc bạn bè. Tính thêm đội ngũ nhân viên, báo chí và các đơn vị tài trợ, có khoảng 6.500 du khách có mặt tại Sa Pa để tham dự VMM 2019. Điều này không chỉ đem lại món lợi kinh tế đáng kể cho các khách sạn, nhà hàng, quán bar và các dịch vụ du lịch khác trong những ngày sự kiện mà còn đem đến tác động lâu dài thông qua những ảnh hưởng từ truyền thông mà sự kiện mang lại cho địa phương trong phạm vi cả Việt Nam và quốc tế. Hơn nữa, với vai trò là đơn vị tổ chức, chúng tôi tiếp tục quảng bá VMM trong suốt cả năm. Chia sẻ những hình ảnh và video đẹp về sự kiện với độ phủ rộng khắp Việt Nam và quốc tế, nâng cao hình ảnh của Sa Pa với những du khách năng động và yêu thích khám phá” - David Lloyd chia sẻ.■ David Lloyd, giám đốc thể thao Topas Travel, chúc mừng VĐV Nguyễn Tiến Hùng vô địch 100km ở vạch đích. Ảnh: LƯU KHƯƠNG Nguyễn Tiến Hùng - VĐV đầu tiên hai lần vô địch 100km tại VMM Vượt qua các đối thủ, VĐV Nguyễn Tiến Hùng (Việt Nam) đã cán đích đầu tiên cự ly 100km nam ở VMM 2019. Trước đó tại VMM 2018, Tiến Hùng cũng là nhà vô địch cự ly 100km, năm nay anh đã xuất sắc bảo vệ thành tích của mình. Thời gian Tiến Hùng hoàn thành cự ly 100km là 14 giờ 33 phút 45 giây. Thành tích này cũng giúp anh phá vỡ kỷ lục của chính bản thân mình ở VMM 2018 là 14 giờ 45 phút 44 giây. Tiến Hùng cũng chính là VĐV đầu tiên giành chiến thắng tại cự ly 100km hai mùa VMM liên tiếp trong lịch sử 7 năm của giải đấu. Tags: Sa PaChạy bộMang thế giới đến Sa PaVMMVietnam Moutain Marathon4.000 vận động viên
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão CHÍ TUỆ 23/12/2024 Trưa nay áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển tây bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão Pabuk (bão số 10).
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo được 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Ô tô 100 triệu vừa mua bốc cháy trên cao tốc HOÀI THƯƠNG 23/12/2024 Tài xế cho hay chiếc xe này vừa mua tại một cửa hàng ở tỉnh Bến Tre với giá 100 triệu đồng, khi đang trên đường về nhà thì xe bốc cháy.