Chạy bộ địa hình mạo hiểm cỡ nào?

HUY ĐĂNG 27/06/2020 13:06 GMT+7

TTCT - Tai nạn thương tâm của một VĐV bị lũ cuốn khi tham dự Đà Lạt Ultra Trail mới đây khiến cộng đồng chạy bộ một lần nữa khơi dậy câu hỏi ám ảnh: Liệu chạy bộ địa hình (trail) có quá nguy hiểm?

Trong một bài viết trên tạp chí Running, tác giả Tory Scholz viết: “Điều nguy hiểm nhất của việc chạy bộ địa hình nằm ở chính bản thân bạn”.

Phải nắm rõ “nội lực”

Trước tiên, hãy cùng thống kê những ca tử vong trong giới chạy bộ. Với chạy bộ địa hình, vì chưa phải là một môn thể thao chuyên nghiệp, chúng ta khó tìm những con số chính thức. Tuy nhiên, theo thống kê của tạp chí Trail Runner, từ năm 2008 - 2018 có 10 người thiệt mạng vì các vấn đề khác nhau khi tham gia chạy bộ địa hình, đa phần là những nguyên nhân khách quan.

Cụ thể, có ba người bị trượt khỏi đường chạy chênh vênh trên các vách núi, trong những cuộc đua khá khắc nghiệt với cự ly lên đến 160km. Hai người khác thiệt mạng trong một cuộc đua ở Đức vì một cơn bão tuyết không ngờ, khi họ đã gần về đích.

Trong hai cuộc đua ở Anh và Tây Ban Nha vào năm 2012 và 2013, cũng có hai VĐV bị thiệt mạng vì các vấn đề thời tiết - bão và mưa băng. Ba trường hợp còn lại ở Pháp, chết vì bị hạ thân nhiệt trong lúc chạy.

Trong khi đó, thống kê ở các giải marathon chính thức khoảng 36 năm qua (từ 1984 đến nay) cho biết có 52 VĐV thiệt mạng trên đường đua. Hầu hết các ca này gặp các vấn đề về sức khỏe như đột quỵ, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại…, đa phần là những chứng bệnh liên quan tới tim.

Từ thống kê nguyên nhân các ca tử vong với cả hai môn nói trên, ta thấy ngoài lý do thiên tai, vấn đề sức khỏe bản thân là yếu tố quyết định mà mọi VĐV tập luyện và thi đấu các môn thể thao đòi hỏi sức bền khắc nghiệt như marathon và chạy bộ địa hình cần để ý tới đầu tiên.

Giải Everest Marathon là giải chạy bộ địa hình vào loại khắc nghiệt nhất thế giới. Ảnh: Everest Marathon
Giải Everest Marathon là giải chạy bộ địa hình vào loại khắc nghiệt nhất thế giới. Ảnh: Everest Marathon

Sẵn sàng trước hiểm nguy

VĐV chạy địa hình cũng cần tự đánh giá năng lực và thể lực cả khi tính đến các vấn đề “thiên họa” trước khi đăng ký tham gia một giải. Anh Trần Thanh Trực, một người thường tham gia các giải chạy trail, nói: “Có một điều khá nguy hiểm với giải Đà Lạt Ultra Trail là nó diễn ra ở… Đà Lạt - nơi luôn thu hút đông đảo du khách. Điều này giúp giải ngày lớn mạnh, nhưng mặt trái là nhiều người quá háo hức tham dự, với suy nghĩ rằng Đà Lạt là nơi quen thuộc, trong khi thực chất họ chưa nắm rõ các cuộc đua địa hình”.

Anh Trần Ngọc Chính, chủ nhiệm CLB Irace, cũng cho rằng ban tổ chức hơi mạo hiểm khi chuyển giải đấu từ tháng 3, vốn có thời tiết khô ráo, sang tháng 6 nhiều mưa bão mà không lường hết mọi bất trắc có thể xảy ra. “Nơi VĐV xấu số gặp tai nạn vốn là đường, bị nước tràn qua, nên mối nguy thật khó lường. Đây cũng không phải là rủi ro hiếm gặp trong các giải chạy địa hình, vốn cũng là một môn thể thao đòi hỏi tinh thần phiêu lưu không ít từ người tham dự. Nhưng tôi mong rằng tất cả các VĐV và ban tổ chức giải sau này phải có sự chuẩn bị thật kỹ, hiểu rõ những gì mình phải đối mặt. Hi vọng tai nạn này là một hồi chuông cảnh tỉnh”.

“Với người tham dự, điều đầu tiên là tham dự các giải đấu theo quy trình từ thấp lên cao. Trước khi dự một giải đấu cũng cần làm quen với địa hình. Chúng ta có thể tổ chức những chuyến đi ngắn làm quen với địa hình nơi đó, sẽ rút ra nhiều điều.

Cũng phải tỉnh táo đánh giá khi đối mặt với cảnh khó. Có một đoạn clip cho thấy ở khu vực anh T.Đ.T. thiệt mạng, người dân có kêu gọi mọi người quay lại. Tôi nghĩ nếu người dân địa phương đã nói vậy thì chúng ta nên nghe lời, không ai hiểu rõ địa hình và các mối hiểm nguy hơn họ. Ở những giải trail cự ly hàng trăm kilômet, chỉ dẫn của người dân địa phương cực kỳ quan trọng”.

Kiến thức về địa hình, thiên nhiên, và y học là những yếu tố cần được trang bị tối đa không chỉ với những người tham dự, mà cả với ban tổ chức các sự kiện như thế này. Những biến cố là muôn màu muôn vẻ và mọi sự chuẩn bị đều là không thừa.

Có rất nhiều điều mà VĐV lẫn ban tổ chức chưa phải đối mặt nếu chỉ tham dự - tổ chức các giải chạy thông thường, như sự hạ thân nhiệt của người tham gia, ví dụ trường hợp trời đổ mưa to, hoặc gió quá mạnh, quá lạnh ở các vùng núi (ở các giải chạy thông thường, điều VĐV đối mặt thường là thời tiết nắng nóng), hay cả các loài côn trùng, rắn độc có thể gặp phải trong rừng.

Cũng cần tìm hiểu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan khi đăng ký tham dự những giải đông người, có rủi ro và địa hình phức tạp. Anh Chính cho biết trước những giải đấu như vậy, ban tổ chức đều đưa cho những người tham dự một bản điều lệ để ký xác nhận miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp gặp phải tai nạn. “Mọi người chủ yếu rủ nhau đi theo hội nhóm, nên khi đến thì cứ vào ký đại chứ chẳng mấy ai quan tâm mình ký cái gì”, anh Chính nói.■

Điều khá kỳ lạ là ở những giải chạy địa hình gian khổ nhất thế giới chưa có ai phải thiệt mạng. Điển hình như các giải Hardrock 100 (Colorado, Mỹ), The Munga (Belfast, Nam Phi), Everest Marathon (Nepal), Madeira Ultra Trail (đảo Madeira, Bồ Đào Nha)... 

Đây đều là những giải đấu có địa hình cực kỳ khắc nghiệt, như Hardrock bao gồm cự ly 161km, trong đó có 10km VĐV phải leo trên độ cao 3.400m. 

Còn Everest Marathon thì chỉ cái tên đã đủ khiến tất cả phải e sợ, nơi diễn ra giải có độ cao 5.500m, ngoài không khí cực loãng là cái lạnh khủng khiếp. Nhưng cũng vì tính chất quá khắc nghiệt, VĐV luôn có sự chuẩn bị chu đáo khi tham gia giải, thêm vào đó là công tác tổ chức kỹ lưỡng và tính chọn lọc cao. Everest Marathon chỉ giới hạn khoảng 250 người tham dự mỗi năm. 

Ngay cả giải đấu được mệnh danh là “tử thần” - Canadian Death Race, thật ra cũng chưa có ai thiệt mạng.

Canadian Death Race

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận