Quang Trần - nhà vô địch cự ly siêu marathon 160km VMM 2022 - Ảnh: VMM
Nhiều VĐV khác cũng đã cán đích thành công với thời gian chạy liên tục dưới 44 giờ theo quy định của ban tổ chức.
Chạy bộ phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm qua với hàng trăm giải lớn nhỏ khắp nơi từ núi cao đến đồng bằng, hải đảo.
Dù vậy, Vietnam Mountain Marathon (VMM) vẫn là giải đấu được những người đam mê chạy bộ chờ đợi nhất bởi đây là giải chạy địa hình ra đời sớm nhất tại Việt Nam (từ năm 2013), trên cung đường tuyệt đẹp tại Sa Pa (Lào Cai) và được vận hành chuyên nghiệp bởi một công ty của Đan Mạch.
Lần đầu có cự ly siêu khủng 160km
VMM 2022 diễn ra từ ngày 9 đến 11-9, với sự tham dự của hơn 5.300 VĐV đến từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Các VĐV thi đấu ở bảy cự ly: 10km, 15km, 21km, 42km, 70km, 100km, 160km. Nhiều năm qua, VMM được đánh giá là giải thể thao tiêu biểu của Việt Nam, góp phần kích thích phát triển du lịch địa phương.
Đây là lần đầu tiên VMM tổ chức cự ly chạy siêu khủng lên tới 100 dặm (tương đương 160km) với sự đăng ký của 178 VĐV, trong đó có 15 nữ và 163 nam. Các VĐV xuất phát lúc 4h sáng 9-9 và phải hoàn thành cuộc đua trong vòng 44 tiếng (chạy liên tục gần 2 ngày 2 đêm).
Rạng sáng 10-9, VĐV Quang Trần (Việt Nam) đã xuất sắc trở thành nhà vô địch đầu tiên cự ly 160km tại VMM với tổng thời gian 23 giờ 19 phút.
Thành tích đáng kinh ngạc của Quang Trần khiến hàng vạn người đam mê chạy bộ "ngả mũ" khâm phục. Về sau Quang Trần là Nguyến Tiến Hùng với thời gian 24 giờ 54 phút, Nguyễn Sĩ Hiếu về thứ ba với 27 giờ 53 phút.
Khả năng con người thật tuyệt vời!
Để có thể cán đích, Quang Trần và các VĐV khác đã phải chinh phục cung đường 160km đi qua hàng chục ngọn núi cao với tổng độ cao lên tới 8.600m (tương đương đỉnh Everest). Hầu hết cung đường trên dãy Hoàng Liên Sơn là leo núi, đổ dốc, lội bùn, qua suối...
Nhiều đoạn đường VĐV chỉ có thể bò, trượt bằng mông vô cùng nguy hiểm, nhất là trong thời điểm thời tiết tại Sa Pa có mưa to suốt nhiều ngày.
Thành tích của Quang Trần và những người cán đích thành công các cự ly siêu marathon 100km, 160km thật đáng khâm phục.
Nó cho thấy khả năng của con người là vô tận, bất chấp tuổi tác, chỉ cần có một ý chí và quá trình tập luyện nghiêm túc. Ít ai biết rằng Quang Trần (33 tuổi) không phải là một VĐV chuyên nghiệp, anh là người Bình Định sống tại TP.HCM và vốn là một nhân viên văn phòng.
Năm 2019, Quang Trần từng gây kinh ngạc khi hoàn thành cuộc thi siêu marathon Spartathlon với chiều dài 246km tại Hy Lạp trong 31 giờ 10 phút. Hay như Nguyễn Tiến Hùng, anh thậm chí còn có xuất phát điểm khó khăn hơn khi từng có nhiều năm là công nhân tại Phú Thọ.
Ở cự ly 160km nữ, VĐV Phương Vy, Trà My - những người tham gia chinh phục thử thách - cũng là những cô gái bé nhỏ làm văn phòng tại Hà Nội.
Vậy nhưng, những buổi tập có khi lên tới 160km của Vy, My khiến nhiều người thán phục vì niềm đam mê, ý chí của các cô gái Việt Nam. Hay như VĐV Hà Thị Hậu - nhà vô địch 100km nữ VMM 2022 - cũng là một hướng dẫn viên du lịch tại Sa Pa.
Khám phá giới hạn của bản thân
Trên cung đường 100km, 160km tại VMM 2022 những ngày qua cũng có không ít VĐV phải bỏ cuộc vì chấn thương, kiệt sức, về chậm hơn thời gian quy định của ban tổ chức ở các điểm kiểm tra. Nhiều VĐV bị xây xước chảy máu, có VĐV bị tổn thương cả 10 đầu ngón chân phải dùng băng keo cuốn lại. Cũng có những VĐV bị phồng rộp toàn bộ bàn chân khiến đội ngũ y tế phải dùng kim đâm những nốt phồng rộp.
Thế nhưng, vượt lên tất cả là niềm đam mê thể thao, ý chí, nghị lực của những người tham gia cuộc đua nhằm khám phá giới hạn của bản thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận