28/12/2017 15:26 GMT+7

Châu về hợp phố: lắng đọng phận người thời điểm 'Mậu Thân'

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Trong thời gian khốc liệt của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, vở kịch Châu về hợp phố mang đến những cảm xúc lắng đọng về thân phận con người trong cuộc chiến - dù ở bên nào.

Châu về hợp phố: lắng đọng phận người thời điểm Mậu Thân - Ảnh 1.

Đức Thịnh (vai Bằng) và Minh Nhí (vai Tư Lôi) trong vở Châu về hợp phố - Ảnh: Anh KHoa

Tối 27-12, tại nhà hát Quân Đội, sân khấu kịch Hồng Vân đã công diễn vở kịch Châu về hợp phố (tác giả: Trần Văn Hưng, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc).

Chọn đường dây xuyên suốt là tình bạn của Châu (Huỳnh Đông) - Phố (NSƯT Trịnh Kim Chi) - Bằng (NSƯT Đức Thịnh) để khái quát về cuộc tiến công đã đi vào lịch sử, tác giả Trần Văn Hưng muốn len lỏi vào tâm tư những con người trong thời cuộc ấy để kể lại câu chuyện một cách gần gũi và tình cảm hơn. 

Châu về hợp phố: lắng đọng phận người thời điểm Mậu Thân - Ảnh 2.

Từ trái qua: ba người bạn thân Phố (NSƯT Trịnh Kim Chi) - Bằng(NSƯT Đức Thịnh) và Châu (Huỳnh Đông) trong vở Châu về hợp phố - Ảnh: Anh Khoa

Châu và Bằng cùng yêu Phố nhưng Phố chọn lấy Châu. 

Thời cuộc xô đẩy họ vào những ngã rẽ khác nhau. Châu vì lý tưởng, vì theo đuổi ước mơ giải phóng đem lại hòa bình cho đất nước mà chấp nhận xa vợ xa con ròng rã 20 năm. 

Bằng ở phía đối nghịch nhưng luôn nặng trĩu vì không biết bao giờ cuộc chiến kết thúc. 

Phố vì lo cho an nguy của Hòa Bình - con gái cô - nên cũng không muốn Hòa Bình dấn thân vào những cuộc xuống đường tranh đấu...

Châu về hợp phố: lắng đọng phận người thời điểm Mậu Thân - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Minh Nhí (vai Tư Lôi) và nghệ sĩ Thanh Thủy (vai bà Hai) trong vở Châu về hợp phố - Ảnh: Thúy Bình

Đó còn là nhân vật ông Năm (Hoàng Sơn), bà Hai (Thanh Thủy) cương quyết không rời vùng tạm chiếm để làm điểm tựa cho cách mạng. 

Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đối mặt hiểm nguy ngày đêm vận chuyển vũ khí, đưa các chiến sĩ len lỏi vào nội thành chuẩn bị một cuộc tổng tấn công lớn.

Là vở diễn về đề tài lịch sử, cách mạng nhưng Châu về hợp phố được chuyển tải không khô khan, không cường điệu và khiên cưỡng. 

Bối cảnh Sài Gòn những năm 1967, 1968 được tái hiện khá sinh động với những vùng tạm chiếm ngày quốc gia, đêm Cộng sản, tiếng trực thăng, tiếng súng ì đùng mỗi lúc càng ác liệt. 

Những vùng đất ven Sài Gòn đêm ngày bị lính bố ráp, những cuộc lục soát, bắt bớ. Ở nội thành rầm rập những cuộc biểu tình, phản chiến, đòi Mỹ phải rút khỏi VN. Tiếng sinh viên hừng hực gọi nhau xuống đường...

Châu về hợp phố: lắng đọng phận người thời điểm Mậu Thân - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Thanh Thủy (vai bà Hai) và nghệ sĩ Hoàng Sơn (vai ông Năm) trong vở Châu về hợp phố - Ảnh: Anh Khoa

Đạo diễn không phô bày những cảnh bắn giết, tra tấn dã man trên sân khấu, nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến qua nhiều cách xử lý khéo léo. 

Vở cũng khá thành công khi xây dựng được những nhân vật nông dân chân chất, nghĩa khí như ông Năm, bà Hai. Nghệ sĩ Hoàng Sơn đã khắc họa rõ nét một ông Năm chất phác, gan lì, hóm hỉnh và cũng hết sức tình cảm. 

Cảnh ông Năm tự rút chốt lựu đạn, hi sinh thân mình và tiêu diệt toán lính vì bị buộc phải chỉ điểm người chỉ huy một mũi tiến công, người xem dường như thấy tim mình bị bóp nghẹn...

Và có lẽ, cái kết của Châu về hợp phố để lại nhiều suy nghĩ trong khán giả. 

Châu về hợp phố: lắng đọng phận người thời điểm Mậu Thân - Ảnh 5.

Cảnh trong vở Châu về hợp phố - Ảnh: Thúy Bình

Giây phút đoàn tụ ngắn ngủi của Châu và Phố sau một quãng thời gian đằng đẵng chưa kịp làm khán giả mừng thầm thì sự xuất hiện của Bằng - anh trung tá si tình suốt 20 năm - đã khiến Phố phải đi đến một quyết định bất ngờ. 

Chiến tranh đã lấy đi của nhiều người những đoạn đời tươi đẹp, nhưng không thể lấy đi ở họ tình yêu. Chính tình yêu đã nâng họ lên - vượt qua những mất mát, đớn đau và cả tính mạng riêng mình. Và tình yêu ấy đâu chỉ là tình yêu đôi lứa...

Không cần nhiều đại cảnh, với những điểm nhấn sâu sắc và tinh tế như thế, Châu về hợp phố khiến người xem có những giây phút rưng rưng, xúc động về những niềm riêng trong khát vọng chung: một cuộc sống hòa bình.

Châu về hợp phố là vở diễn do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đầu tư. Vở còn có sự tham gia của các diễn viên Minh Nhí, Hoàng Thy, Minh Luân, Lê Lộc, Bình Tinh, Xuân Nghi, Lạc Hoàng Long...

NSND Hồng Vân cho biết trong năm 2018, Châu về hợp phố sẽ đi diễn phục vụ theo lịch phân công của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên