29/11/2018 20:13 GMT+7

Cháu ngoại GS Phan Huy Lê nhận giải nhất giải thưởng Phạm Thận Duật

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tiến sĩ Phạm Lê Huy - cháu ngoại của cố GS Phan Huy Lê - chia sẻ những khó khăn của các nhà sử học Việt khi tìm kiếm chân lý lịch sử, khi ông lên nhận giải thưởng cho luận án tiến sĩ về thời đô hộ Tùy Đường.

Cháu ngoại GS Phan Huy Lê nhận giải nhất giải thưởng Phạm Thận Duật - Ảnh 1.

TS Phạm Lê Huy (phải) nhận giải nhất giải thưởng sử học Phạm Thận Duật năm 2018 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Tiến sĩ Phạm Lê Huy được trao giải nhất giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 19 năm 2018 của Hội Khoa học vào ngày 29-11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Trong niềm xúc động khi được trao giải thưởng mà ông ngoại mình - cố GS , nguyên chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - là người gắn bó ngay từ những ngày đầu thành lập, tiến sĩ Phạm Lê Huy nói mắt ông rưng rưng khi nhìn xuống hàng ghế đại biểu hôm nay thấy vắng bóng ông mình.

Tiến sĩ trẻ Phạm Lê Huy nhận định luận án của mình cũng như các đồng nghiệp nhận giải thưởng lần này là những tìm tòi, khám phá nhỏ nhoi góp phần vào việc xây dựng một nhận thức lịch sử trung thực, khách quan và công bằng hơn.

Ông cũng lạc quan rằng ông và các nhà sử học không đơn độc trên hành trình tìm kiếm chân lý lịch sử. Giải thưởng lịch sử Phạm Thận Duật hàng năm chính là một sự động viên của xã hội đối với những nỗ lực thường nhật của những người làm sử.

Cháu ngoại GS Phan Huy Lê nhận giải nhất giải thưởng Phạm Thận Duật - Ảnh 2.

TS Phạm Lê Huy phát biểu khi nhận giải - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Luận án tiến sĩ Tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu - An Nam thời đô hộ Tùy Đường của Phạm Lê Huy đã được hội đồng xét giải thưởng đánh giá rất cao và quyết định trao giải nhất. Trong lịch sử 19 năm của giải thưởng lịch sử này, mới chỉ có 9 giải nhất được trao tặng, 10 lần trao giải khác không có giải nhất.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang - chủ tịch hội đồng xét thưởng - đánh giá rất cao giá trị của luận án tiến sĩ được trao giải nhất năm nay. Ông nói luận án này là một công trình nghiên cứu đặc sắc, đóng góp rất nhiều vào khoảng trống trong hiểu biết về thời kỳ lịch sử này.

Giáo sư Vũ Minh Giang nói thời kỳ Bắc thuộc là một thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc nhưng trước đây lại chưa được hiểu, được lý giải đầy đủ. Trong một lần phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy là chủ tịch danh dự của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhắc nhở giới sử học phải phải lý giải nhiều hơn về việc làm sao mà dân tộc chúng ta đã nổi dậy và nổi dậy thành công sau 1.000 năm bị đô hộ.

Luận án này của Phạm Lê Huy đã đi sâu nghiên cứu về sự hình thành của tầng lớp hào trưởng, tầng lớp thủ lĩnh địa phương và cho thấy chính họ là lực lượng liên kết lại, giúp Ngô Quyền tạo nên chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Giáo sư Vũ Minh Giang nói chuyện này xưa nay chỉ được biết đến rất mơ hồ, nhưng luận án tiến sĩ của Phạm Lê Huy, với trình độ nghiên cứu chuyên nghiệp, nguồn tư liệu đáng tin cậy đã đưa ra một bức tranh rất rõ ràng. Rất nhiều kết quả nghiên cứu trong luận án này đã được chọn đưa vào những công trình nghiên cứu lớn hơn, như bộ Quốc sử.

Cháu ngoại GS Phan Huy Lê nhận giải nhất giải thưởng Phạm Thận Duật - Ảnh 3.

Hai tác giả nhận giải nhì - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Tiến sĩ Phạm Lê Huy cho biết ông đã được giao viết 2 chương liên quan tới thời Tùy Đường trong tập 3 của bộ Quốc sử do cố GS Phan Huy Lê làm chủ biên. 1 chương về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thời Tùy Đường; chương thứ 2 về các cuộc khởi nghĩa thời Tùy Đường. Hai chương này được ông lấy từ các kết quả nghiên cứu mới nhất trong luận án tiến sĩ của mình.

Tiến sĩ Phạm Huy Lê hi vọng độc giả sẽ có được cái nhìn mới, khác biệt với các cuốn thông sử trước đây về thời kỳ lịch sử này. Theo kế hoạch, tập 3 của bộ Quốc sử này sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Cháu ngoại GS Phan Huy Lê nhận giải nhất giải thưởng Phạm Thận Duật - Ảnh 4.

Ba nữ tiến sĩ nhận giải ba - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Ngoài giải nhất cho luận án của Tiến sĩ Phạm Lê Huy, giải thưởng lịch sử Phạm Thận Duật năm 2018 còn trao hai giải nhì cho luận án Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ trong quan hệ hương mại khu vực và quốc tế thế kỷ XI-XIX của tiến sĩ Nguyễn Văn Chuyên (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và luận án Các di tích đền - tháp, thành - lũy Champa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế của Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng (khoa lịch sử, Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế).

Ba giải ba cho luận án Thủ công nghiệp và thương nghiệp Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII của tiến sĩ Lê Thùy Linh (Viện Sử học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); luận án Cuộc chiến giữa lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh giai đoạn 1778-1802 của tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga (Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, Nghệ An); luận án Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tỉnh Bắc Giang từ năm 1997 đến năm 2015 của tiến sĩ Nguyễn Thị Vân (Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên).

Tính đến nay, qua 19 mùa trao giải, quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật đã xét tặng cho 101 giải thưởng, bao gồm 9 giải nhất, 41 giải nhì, 51 giải ba, trong đó có 2 tiến sĩ người nước ngoài.

Giáo sư Phan Huy Lê: Nhân cách một nhà sử học chân chính

TTO - Là một trong số những người đã từng làm việc với giáo sư Phan Huy Lê, nhà thơ Nguyễn Duy có những suy nghĩ xúc động trước sự ra đi đột ngột của ông.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên