Hiện trường nơi xảy ra vụ việc cháu bé bị tôn cứa vào cổ tử vong - Ảnh: FB BEATVN |
Ngày 24-9, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam, tạm trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) để điều tra liên quan việc bé T.M.H. (9 tuổi, trú Q.Hoàng Mai) đi xe đạp đâm vào của ông Thạch và bị tôn trên xe cứa vào cổ khiến bé tử vong.
Vẫn còn nhiều xe chở "tử thần" trên đường
Vụ tai nạn đau lòng này đã khiến nhiều bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻ những dòng tâm trạng đau xót nhưng cũng nhiều người giật mình khi nhớ ra trên đường không chỉ có 1-2 chiếc xe chở hàng cồng kềnh nguy hiểm như ông Thạch.
"Tình trạng chở hàng cồng kềnh trên xe xích lô, ba gác, xe máy rất phổ biến khắp nơi chứ không riêng gì Hà Nội", bạn đọc Hồ Quang Huy phản ảnh.
"Hôm trước gần nhà tôi cũng có vụ một anh trung niên chạy xe đâm vào xe chở tôn, tử vong tại chỗ. Những chiếc xe này di chuyển trên phố y như tử thần di động. Xin hãy tôn trọng mạng sống của người khác. Phải có biện pháp khác để vận chuyển chứ thời buổi nào rồi mà còn dùng mấy cái xe này?", bạn đọc Minh Sĩ băn khoăn.
"Tôi ra đường cũng rất sợ những phương tiện như thế này. Xin chia buồn cùng gia đình cháu bé", bạn đọc Sang Nguyễn viết.
"Phải có vật dụng che lại rìa các phần tôn. Có thể dùng các tấm các-tông tương đối để che toàn bộ rìa tôn rồi mới được lưu thông. Khi lưu thông phải có người chở và người quan sát đi kèm để có gì chú ý va chạm với những người xung quanh. Nếu bắt chở tôn bằng xe tải thì nhiều khi chở ít lại tốn kém cho người mua. Nhưng chở "chay" thì hoàn toàn không an toàn. Cho nên làm gì cũng nên có tâm trước đã", bạn đọc tên Tien nhắc nhở.
Bạn đọc Ng.Chi thì cho rằng: "không nên đổ lỗi vì nghèo, vì mưu sinh,vì không hiểu biết nhiều về ATGT và ATLĐ... nên mới làm liều, chở ẩu. Phải phạt thật nặng người chở thuê, cơ sở thuê chở tôn".
Sao CSGT không ngăn chặn, xử phạt?
Nhiều bạn đọc cũng đặt vấn đề trách nhiệm của CSGT khi để cho những chiếc xe như của ông Thạch lưu thông trên đường.
"Những chiếc xe chở tôn dài như thế vẫn lưu thông trên đường là do CSGT. CSGT không xử lý nên họ mới dám chở", bạn đọc Robin viết.
"Xe chở hàng cồng kềnh là vi phạm pháp luật nhưng không thấy CSGT ngăn chặn hay xử lý gì cả. Vì vậy cần xem lại hoặc là sửa lại luật theo hướng tự do hơn hoặc là chấn chỉnh lực lượng CSGT chứ không thể để tình trạng luật cứ quy định, còn thực thi hay không là việc của CSGT", bạn đọc Hồ Quang Huy đề xuất.
Bạn đọc Tong Son thì đặt câu hỏi: "Nhiều xe chở hàng cồng kềnh, công an không xử lý để đến khi gây tai nạn, vậy trách nhiệm thuộc về ai?".
Bác sĩ rơi nước mắt khi không cứu được cháu bé Sau khi vụ tai nạn xảy ra, đông đảo người dân cũng như cư dân mạng xã hội đã bày tỏ đau xót và gửi lời chia buồn đến gia đình cháu T.M.H. "Tai nạn quá thương tâm. Không phải con mình nhưng đọc báo nghe quá đau lòng. Tội cho cháu, thật xin chia buồn cháu cùng gia đình", một bạn tên Dang Duyz viết. "Tội cho cháu nó còn bé quá... Chúc cháu ngủ ngon", bạn tên Hoang Viêt chia sẻ. Đồng thời trên mạng cũng lan truyền đoạn chia sẻ của một chủ tài khoản Facebook được nói là bác sĩ cấp cứu cho cháu bé. Đoạn chia sẻ cho biết lúc cháu được đưa vào viện, bác sĩ đã huy động toàn bộ kíp trực cấp cứu cầm máu cho cháu bé. Kíp trực đã cố hết sức để cứu cháu, thậm chí cho bảo vệ đuổi người nhà cháu ra ngoài để không ảnh hưởng tâm lý các bác sĩ. Nhưng cuối cùng các bác sĩ cũng bất lực. "Các điều dưỡng chảy nước mắt thương cháu bé. Mình tiếp tục ký giấy chuyển cháu bé xuống nhà đại thể. Cảm giác tuyệt vọng dâng lên một cách khủng khiếp. Chúng ta đều là người, ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất đến với những người yêu thương nhưng đôi khi những cố gắng là không thể. Bố mẹ cháu gào lên vào mặt các bác sĩ không cho vào với con, mình chấp nhận điều đó, cho họ trách cứ. Thôi cháu bé hãy ngủ ngoan, và các bác sĩ chỉ còn cách tàn nhẫn là không cho bố mẹ cháu vào bệnh phòng...", đoạn chia sẻ viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận