Người Romania dồn ở cửa sân bay quốc tế Cluj ngày 9-4 để chờ có chỗ sang Đức làm lao động thời vụ - Ảnh: REUTERS
Đã 12 năm qua, Irma Demjen làm việc thời vụ sáu tháng trong năm cho một nông trại gần thành phố Dortmund, phía tây của nước Đức. Chưa bao giờ có chuyện lỡ vụ mùa nào với người phụ nữ trẻ sống ở Romania này. Cô nhìn nhận thu nhập từ việc đồng áng 6 tháng đó đủ nuôi sống cả gia đình ở quê nhà trong năm. Năm nay cô cũng đã làm đất chuẩn bị trồng măng tây từ đầu tháng 3.
Đón lao động tận sân bay
Đến mùa thu hoạch,cô lại gọi các đồng hương từ Romania sang, khoảng hơn 20 người. Lần này thì đích thân người chủ nông trại trả tiền vé máy bay và lái xe ra tận sân bay đón 23 đồng hương của Irma.
"Họ được ông chủ đem theo bánh và nước ra đón", Irma kể lại biện pháp khác thường mọi năm. Các lao động thời vụ từ Romania sang phải chấp nhận biện pháp cách ly của chính quyền Đức. Họ được chia ra ở các khu nhà khác nhau và bố trí làm việc cách xa nhau trên đồng.
Thực sự là các chủ nông ở Đức đang thiếu nhân công thời vụ trầm trọng, khi mùa thu hoạch măng tây nở rộ. Họ phải chọn cách "trải thảm đỏ" cho những nhân công từ Đông Âu. Nghiệp đoàn nông nghiệp Deutscher Bauernverband của Đức thậm chí đã phải gây áp lực với chính phủ thì mới có được giấy phép mở cửa biên giới cho lao động thời vụ từ hôm 2-4, nhưng lần này phải có kèm theo hợp đồng rõ ràng để chính quyền kiểm soát con người.
Hằng năm có khoảng 300.000 lao động thời vụ như thế, chủ yếu là người Romania và người Ba Lan sang Đức làm nông. Năm nay chính quyền Romania cũng phải sớm đưa ra quyết định mở cửa biên giới để người dân đi làm. Ngay trong ngày đầu tiên mở lại hôm 9-4 là như cả rừng người. Khoảng 1.800 người Romania đã đổ về sân bay Cluj để kiếm chỗ trên 12 chuyến bay charter sang Đức. Có những người ra sân bay trước cả 10 giờ, chấp nhận chờ đợi.
Nhưng từ hôm đó đến nay, mỗi ngày chỉ có khoảng 2-3 chuyến bay cất cánh do các biện pháp giãn cách xã hội được thực thi cả ở hai đầu Romania và Đức. Quả là một câu chuyện đợi chờ cho 80.000 lao động thời vụ lẫn chủ nông bên Đức. Hai bên đang cần nhau nên phải chấp nhận hành động tích cực trong thời điểm dịch bệnh và các giải pháp cách ly.
Bà Georgeta Lupsan, giám đốc công ty tuyển người ở Bistrita (phía bắc Romania), thừa nhận người Romania thích sang làm ở Đức bởi chính sách tiền công tốt và có cả bảo hiểm y tế trong mùa dịch bệnh này. Chính quyền Romania cũng chấp nhận mở cửa cho dân đi làm bởi nếu không thì cũng không có thu nhập gì cho những người lao động cấp thấp.
Lao động thời vụ Romania hái măng tây ở Đức - Ảnh: AFP
Thiếu nhân công khắp nơi
Trong 20 năm qua, gần 4 triệu người Romania đã tìm đường sống bên khu vực Tây Âu. Do dịch bệnh bùng phát mạnh ở Ý và Tây Ban Nha vừa qua nên hàng chục ngàn người quay về Romania "tránh dịch" và như thế gây thêm áp lực cho thị trường lao động nước này.
Ở Tây Âu lúc này, nhiều mảng ngành nghề thiếu lao động cấp thời. Bà Attila Szocs, thuộc tổ chức phi chính phủ Eco Ruralis, thừa nhận tình trạng tại khu vực nông thôn còn nặng nề hơn.
Miền bắc Tây Ban Nha đang cần gấp 50.000 lao động để hái đào trong khi phía nam, những nhà trồng dâu ở Huelva cũng khóc ròng khi để dâu đến mùa thu hoạch chín nhũn trên đồng. Nước Bỉ cũng cần đến 30.000 lao động trong tháng 5 để thu hoạch cà chua, cải bắp, củ cải đỏ...
Vì thế, không chỉ Đức buộc phải hé cửa, Ý cũng chấp nhận sớm mở phong tỏa. Nước này vừa ký hợp đồng với Romania để đưa khoảng 110.000 lao động sang làm đồng. Thực tế là Ý không thể tránh được chuyện "gọi thầu" người vì đăng tuyển người ở các nước gần như Pháp và Tây Ban Nha cũng chẳng kiếm được ai. Các chuyên gia cho rằng mô hình nông nghiệp dựa trên lao động giá rẻ ở Đông Âu đã bị quất sụm vì đại dịch.
Ngày 30-3 vừa qua, ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy châu Âu về nông nghiệp - đã phải lên tiếng kêu gọi mở cửa biên giới cho lao động thời vụ ngành nông nghiệp bởi đây là lực lượng đang góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Liên minh châu Âu - nơi đang cần đến 3 tỉ tấn lương thực hằng năm.
Đan Mạch tăng mức hỗ trợ các doanh nghiệp
Ngày 18-4, Chính phủ Đan Mạch đã công bố các biện pháp tài chính trị giá khoảng 100 tỉ crown (14,6 tỉ USD), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng trong giai đoạn phong tỏa để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các biện pháp này bao gồm trực tiếp hỗ trợ kinh tế cho các doanh nghiệp, các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh và gia hạn thời hạn nộp thuế. Trao đổi với Đài truyền hình quốc gia DR, Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Nicolai Wammen nêu rõ: "Với thỏa thuận này, chúng tôi sẽ chuyển 100 tỉ crown tới các doanh nghiệp để giúp họ và nhân viên vượt qua giai đoạn này". Quốc hội Đan Mạch đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trên.
Trước đó, Đan Mạch cũng công bố các biện pháp cứu trợ doanh nghiệp trị giá 287 tỉ crown (41,8 tỉ USD), bao gồm các gói hỗ trợ trực tiếp trị giá hơn 60 tỉ crown (8,7 tỉ USD) từ ngân sách nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận