01/08/2023 17:20 GMT+7

Châu Âu mạnh tay chống quá tải du lịch

Châu Âu luôn là một trong những điểm đến được khách du lịch quốc tế ưu tiên lựa chọn, đặc biệt là trong mỗi kỳ nghỉ Hè - giai đoạn cao điểm của năm.

Châu Âu mạnh tay chống quá tải du lịch - Ảnh 1.

Khách du lịch "đổ xô" đến Dubrovnik, Croatia. Ảnh: telegraph.co.uk

Việc khách du lịch "đổ xô" đến châu Âu đã khiến một số thành phố, thị trấn trở nên quá tải. Để đối phó với tình hình này, nhiều chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực thiết lập cách thức quản lý du lịch, trong đó có cả biện pháp giảm quá tải du khách.

Thị trấn cổ kính Dubrovnik của Croatia đã chứng kiến sự gia tăng khách du lịch quốc tế bắt đầu từ năm 2011, sau khi bộ phim truyền hình dài tập "Trò chơi vương quyền" (Game of Thrones), phát sóng trên kênh phim truyện giải trí HBO, gây tiếng vang khắp toàn cầu. Bộ phim này được quay tại một khu Phố Cổ (Old Town) trong thị trấn Dubrovnik. Nhờ hiệu ứng của bộ phim, khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới đã "đổ xô" đến Dubrovnik, biến nơi này trở thành một trong những địa điểm đông đúc nhất châu Âu.

Năm 2019, thị trấn, chỉ có 41.000 dân, đã đón kỷ lục 1,4 triệu lượt khách du lịch và 4,4 triệu lượt lưu trú qua đêm. Trong năm này, chính quyền Dubrovnik buộc phải giới hạn số lượng tàu du lịch cập cảng chỉ được hai chuyến mỗi ngày và mỗi chuyến không quá 4.000 hành khách.

Hơn nữa, nhà chức trách đã "tung" ra một ứng dụng sử dụng công nghệ máy học và dự báo thời tiết để dự báo thời điểm Old Town, di sản thế giới đã được UNESCO công nhận, sẽ đông đúc nhất. Đến năm 2022, do dịch COVID-19, số lượng du khách đến với Dubrovnik đã giảm xuống còn hơn 1 triệu lượt.

Nép mình bên bờ biển Địa Trung Hải, thành phố Barcelona - thủ phủ của vùng Catalonia - là nơi có những viên ngọc kiến trúc Gaudi nổi tiếng và sở hữu trong những câu lạc bộ bóng đá tốt nhất của Tây Ban Nha. Năm 2019, Barcelona chào đón 12 triệu lượt khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Sự nở rộ du lịch khiến hoạt động cho thuê phòng tại đây diễn ra vô cùng sôi nổi. Nhưng ông Ada Colau, cựu thị trưởng thành phố từ năm 2015 đến tháng 6/2023, đã trấn áp các hoạt động cho thuê phòng bất hợp pháp, thông qua ứng dụng đặt phòng trực tuyến Airbnb, với lý do hoạt động này đã khiến người dân địa phương rời khỏi thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cấm các nhóm khách du lịch vào khu chợ cổ kính La Boqueria vào thời gian mua sắm cao điểm trong ngày. Đến năm 2022, lượng khách du lịch nghỉ qua đêm tại Barcelona đã giảm xuống còn 9,7 triệu lượt.

Tại Italy, thành phố Venice thơ mộng, nơi chỉ có 50.000 dân, nhưng đã đón 5,5 triệu lượt du khách vào năm 2019. Mặt trái của việc phát triển du lịch khiến người dân tại đây dần hình thành xu hướng "bài trừ du lịch".

Vào năm 2021, chính quyền thành phố Venice ban hành lệnh cấm các tàu du lịch khổng lồ đến đầm phá Venice, vì lo ngại về tác động môi trường mà các tàu du lịch khổng lồ gây ra đối với thành phố. Venice cũng đã áp dụng thu thuế đối với khách du lịch nghỉ qua đêm và lên kế hoạch giới thiệu chương trình đặt phòng có kèm phí tham quan thành phố cho khách du lịch trong ngày.

Tuy nhiên, kế hoạch thu phí từ 3-10 euro/người để vào tham quan thành phố đã liên tục bị hoãn lại vì lo ngại rằng động thái này sẽ làm giảm nghiêm trọng doanh thu du lịch và ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại.

Tại Hà Lan, thành phố Amsterdam từ lâu đã cố gắng gột rửa "tiếng xấu" là thiên đường" của các bữa tiệc "độc thân" ồn ào, đi kèm với ma túy, chất kích thích và tình dục mại dâm. Tai tiếng này được cho là một trong những yếu tố giúp Amsterdam thu hút khoảng 20 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Tháng 3/2023, nhiều nhóm vận động tại Amsterdam đã phát động một chiến dịch trực tuyến nhằm ngăn chặn những nam thanh niên người Anh đến Amsterdam với mục đích "say xỉn", thông qua biểu ngữ, lời kêu gọi những đối tượng này hãy tránh xa Amsterdam nếu không họ sẽ có nguy cơ bị bắt giữ./.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên