Khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron cúi hôn má Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, không chỉ một mà những hai lần, trong thượng đỉnh Pháp-Ý tại Napoli tuần qua, hành động ấy không chỉ dừng lại ở chào hỏi.
Mà đó là dấu hiệu gửi đến các công dân chớ nên e dè hàng xóm láng giềng Châu Âu của mình, khi Ý trở thành “Trung Quốc” giữa Châu Âu (và nếu nói thêm, Đức trở thành “Hàn Quốc” của Châu Âu)
Hành động ôm hôm thân ái giữa đại dịch đã trở thành một thế lưỡng nan mới, nhất là ở Nam Âu, có thể đe dọa thay đổi cả tập quán sinh hoạt của người dân. Nhưng người miền Bắc cũng đang phải đấu tranh với việc nên hay không nên duy trì cái bắt tay có từ lâu đời.
Angelo Borrelli, lãnh đạo cơ quan bảo vệ công dân Ý, cho rằng bản tính thích thể hiện của người Ý có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lây lan diện rộng của virus corona, với hơn 1700 ca dương tính và hơn 30 cái chết chủ yếu ở miền Bắc Ý.
Thế nhưng vẫn chưa có những lời khuyên chính thức nào về tập quán hôn mà chính các nhà xã hội học cho rằng bắt nguồn từ văn hóa Địa Trung Hải trọng gia đình và giao tiếp xã hội.
“Chúng tôi có một đời sống xã hội rất phong phú. Chúng tôi có nhiều mối tiếp xúc, và chúng tôi bắt tay nhau, hôn nhau, ôm nhau,” Borelli chia sẻ với phóng viên. “Có thể trong giai đoạn này tốt hơn hết không nên bắt tay, và cũng không nên tiếp xúc quá nhiều, cũng cố gắng bớt “tình thương mến thương” đi một chút.”
Tại láng giềng Pháp, bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm thứ Bảy mới đây khuyến cáo người dân nên hạn chế phong tục “thơm lên má” và “hôn gió”. Pháp, nơi có hơn 100 ca dương tính và hai trường hợp tử vong, đã từng có khuyến cáo tương tự một thập kỷ trước về cúm gia cầm.
Trong khi đó tại Đức, nơi trẻ em được dạy phải bắt tay người lớn, càng chặt càng thân thiết, các chuyên gia sức khỏe và bác sĩ đang cố thuyết phục họ nên từ bỏ nghi thức này. Ở bệnh viện Virchow, Berlin (Đức), bác sĩ không chỉ ngừng bắt tay bệnh nhân mà còn khuyến khích bệnh nhân cũng làm theo mình, khi số ca nhiễm đã lên tới hơn 60.
Khi trường học, bảo tàng (một nét văn hóa đậm Châu Âu) và văn phòng đóng cửa, nhiều người ở tại nhà và né tránh mọi giao tiếp xã hội. Thủ đô tài chính Milan của Ý vắng tựa như thời điểm cao điểm mùa hè nóng nực, trong lúc nhiều công ty đang đề nghị nhân viên làm việc tại nhà, và các nhà hàng đang đóng cửa vì không có khách.
Suốt Tuần lễ thời trang Milan, hôn má xã giao giảm sâu, và chiếc hôn lãng mạn nay đã trở thành một “nụ hôn corona”, theo lời một chuyên gia thời trang.
Theo một giám đốc marketing chuyên về thời trang lingerie và phụ kiện gợi cảm, Eleonora Strozzi, virus đang dạy cho người Ý thế nào là giới hạn.
“Người Ý muốn tỏ ra thân thiện với nhau, hôn nhau và bắt tay nhau. Nhưng giờ đây họ đang nhận ra rằng nếu không ổn, hay có nghi ngờ, hãy tạo khoảng cách. Người Ý sẽ học đôi điều về sự đồng thuận từ kinh nghiệm này.”
Marco Pozzi, một đạo diễn người Ý, hẹn gặp một đối tác ở một quán bar ở trung tâm Milan, và rốt cuộc phải “tâm sự” bên lề đường gần một giờ đồng hồ, trong cái lạnh. “Milan đích thực không biết sợ,” ông bực dọc.
Giampaolo Nuvolati, một nhà xã hội học đô thị tại ĐH Milan-Bicocca, cho rằng thói quen ôm hôn của người Ý là một biểu hiện của lòng tin, thứ sẽ không thể bị suy suyễn bởi virus corona.
Thế nhưng, “khi mọi chuyện kết thúc, người Ý sẽ hiểu rằng chúng ta không thể đối mặt với vấn đề một mình, mà còn cần đến những người khác bên ngoài gia đình và bạn bè. Còn đó cả một cộng đồng, còn đó các định chế. Có lẽ một nét đoàn kết rộng khắp hơn sẽ ra đời, không còn gói gọn ở bạn bè hay gia đình.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận