Các nhà lãnh đạo EU tại lâu đài Prague ở Czech ngày 7-10 - Ảnh: Reuters
Họ bàn về ba chủ đề chính gắn bó mật thiết với nhau: tình hình Ukraine, vấn đề năng lượng và kinh tế.
Mua khí đốt với "giá trên trời"?
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã tác động lớn tới tình hình năng lượng tại châu Âu, qua đó cũng đóng góp trực tiếp vào khó khăn kinh tế. Trong cuộc phỏng vấn với báo Đức Neue Osnabrücker Zeitung (NOZ) ngày 5-10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck "hâm nóng" sự kiện gặp gỡ tại Prague khi cáo buộc Mỹ và một số nhà cung cấp khí đốt "thân thiện" khác đang đặt giá "trên trời". Tính đến tối 7-10 giờ Việt Nam, Mỹ vẫn chưa lên tiếng đáp trả cáo buộc này.
Ông Habeck nhấn mạnh Ủy ban châu Âu (EC) nên xử lý vấn đề này trong các cuộc đàm phán với Mỹ, trong đó EU nên tận dụng sức mạnh tập thể "khổng lồ" của mình trên bàn đàm phán nhằm tránh mua giá đắt hơn nước khác, vì hành động này chỉ càng khiến thị trường cạnh tranh và giá cả leo thang.
Vấn đề giá khí đốt trở thành tâm điểm trong câu chuyện chính sách ở châu Âu khi mùa đông đến. Áp lực giá điện, xăng dầu, nhiên liệu sưởi... sẽ như "bóng ma" ám ảnh người dân, có khả năng khiến xã hội bức xúc giữa bối cảnh lạm phát, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và những áp lực kinh tế khác do COVID-19 gây ra.
Truyền thông quốc tế nhìn nhận nội dung của bộ trưởng Đức ám chỉ rằng Mỹ và một số nước đang hưởng lợi từ cuộc chiến Ukraine. EU đã sát cánh cùng Mỹ trong các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, trong đó bao gồm việc giảm hoặc cắt nhập khẩu khí đốt Nga. Đổi lại, EU cần tìm nguồn cung thay thế, và sau cùng phải trả giá cao cho khí hóa lỏng (LNG) nhập từ Mỹ và "các quốc gia vốn được xem là bạn" khác.
Chưa rõ các nước "vốn được xem là bạn" mà ông Habeck nhắc tới là ai. Tuy nhiên trong thời gian qua, bất chấp đặt các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng, châu Âu và các thành viên EU nói riêng đã ký những thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với khu vực Trung Đông.
Thông điệp cho tương lai EU
Một trong những vấn đề cụ thể được lãnh đạo EU bàn thảo trong cuộc họp lần này là áp đặt giá trần cho khí đốt. Việc ngăn giá khí đốt leo thang là quyết định dễ hiểu để xoa dịu dư luận. Nhưng về mặt kinh tế, giảm giá khí đốt vô tình là động tác "kích cầu", tức lại khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu nhiều hơn, và đây không thể là kịch bản hợp lý trong bối cảnh thiếu nguồn cung. Chính vì vậy trọng tâm trong các thảo luận lần này là các biện pháp đồng bộ như giảm nhu cầu tiêu thụ điện, thu và tái phân phối thặng dư của ngành năng lượng...
Một vấn đề khác cần cân nhắc là hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng để tranh thủ sự ủng hộ và cả thông cảm cho những quyết định về đối ngoại của chính phủ các nước EU, cụ thể là chính sách cắt nhập khẩu năng lượng để khiến Nga kiệt quệ về kinh tế.
Hồi cuối tháng 9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố khoản kinh phí 200 tỉ euro để áp giá trần cho năng lượng, xem đây như "lá chắn phòng thủ" cho doanh nghiệp và người dân trước tình hình giá năng lượng leo thang. Tuy nhiên, hành động của Đức vấp phải sự phản đối từ một số nước EU khác. Dù vẫn thông cảm cho Đức, các nước này lo ngại việc Đức trợ giá sẽ bóp méo thị trường cạnh tranh, mà các nước nghèo hơn không thể theo nổi.
Sáng kiến của Đức cũng nêu bật sự chia rẽ giữa các nước giàu ở EU với những chính phủ đang gặp khó khăn tài chính. Điều này, rộng hơn, đang càng tạo ra lo lắng cho sự đoàn kết và khả năng hành động tập thể của nội bộ EU - một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng tới tương lai của liên minh này suốt nhiều năm qua, mà việc Anh rời khỏi EU (Brexit) là tín hiệu tiêu cực lớn nhất.
Cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula van der Leyen không đề cập thẳng tới Đức nhưng khẳng định: "Không có một giải pháp chung của châu Âu, chúng ta đứng trước nguy cơ phân mảnh nghiêm trọng. Vì vậy, điều cần làm nhất là duy trì một sân chơi cho tất cả".
Bất đồng về áp giá trần
Theo Hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra quan điểm khác nhau về áp giá trần với khí đốt và các gói hỗ trợ quốc gia vào ngày 7-10 khi họ gặp nhau tại lâu đài Prague.
Có 15 quốc gia thành viên EU muốn áp giá trần với khí đốt, nhưng họ không nhất trí về cách thức thực hiện. Trong khi đó, Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối áp giới hạn giá vì lo ngại điều đó sẽ khiến họ khó mua khí đốt để duy trì các hoạt động của nền kinh tế.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng bất kỳ mức giới hạn giá nào với khí đốt cũng phải được đưa ra và thực hiện theo cách hỗ trợ các nhà cung cấp điện. "Các cuộc đàm phán đang diễn ra và sẽ căng thẳng. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ các nhà cung cấp năng lượng" - ông cho biết.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết không có quyết định nào dự kiến được đưa ra vào ngày 7-10, nhưng kỳ vọng cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ mở đường cho một thỏa thuận khi họ tiếp tục họp vào ngày 20 và 21-10 tới. (BẢO ANH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận