TTCT - Ba quốc gia lớn ở châu Âu đang tê liệt vì đình công. Bất kể phương tiện giao thông công cộng hay vườn trẻ, thậm chí cả cơ sở y tế - những tử huyệt ấy luôn kéo theo hàng loạt hệ lụy xã hội, và có lẽ cũng do đó chúng là lựa chọn tối hậu của các công đoàn trước hoặc trong khi đàm phán.Người Đức tự cảm thấy mình quá hiền lành, đòi được đình công quyết liệt như người Pháp. Ảnh: AFPLịch sử đình công bắt nguồn từ thời cổ đại. Cuộc đấu tranh đầu tiên của người lao động được biết đến trong lịch sử thế giới diễn ra ở ngôi làng Deir el-Medina của Ai Cập vào năm 1159 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, khoảng 40 công nhân đang xây lăng mộ hoàng gia ở thung lũng Các Vị Vua đã đình công vì không nhận được lương ở dạng thực phẩm. Tài liệu viết trên giấy cói thuật lại cuộc diễu hành qua khu định cư và những người tham gia thét lên: "Chúng tôi đói!"Người lao động đòi gì?Sau này, hầu hết các cuộc đình công cũng đều vì cái bao tử. Tại các quốc gia nói tiếng Đức, những vụ đình công đầu tiên trong lĩnh vực khai khoáng và thủ công diễn ra vào cuối thời Trung cổ. Năm 1329, thợ chế tác đồng thau đồng lòng không làm việc cho xưởng thủ công nào ở Breslau trong một năm liền. Năm 1351, thợ dệt vùng Speyer bỏ việc vì lương thấp; năm 1389, tới lượt thợ may ở Konstanz, và năm 1469 là thợ mỏ ở Altenberg.Đến thế kỷ 18, đình công trong nghề thủ công đạt cấp độ mới. Hơn 500 trường hợp được biết đến ở các thành phố của Đức; một số kéo rất dài, như cuộc đình công của công nhân giày Augsburg năm 1726 sau 14 tuần mới kết thúc. Tuy nhiên, rất ít cuộc đình công mang lại kết quả. Cũng trong thời gian này, "nổi loạn vì đói" trở nên phổ biến ở bắc Đức, Anh và Pháp - bao giờ cũng do chủ chậm trả lương hoặc trả không đủ sống.Không ngạc nhiên khi người phương Tây nói đến đình công là nghĩ ngay đến Pháp, luôn là nước dẫn đầu châu Âu. Trong thập niên 2010, trung bình có 128 ngày nổ ra đình công với sự tham dự của hơn 1.000 công nhân cả nước! Để so sánh, ở Đức con số này chỉ là 17 ngày. Người lao động Anh từ khi có thủ tướng mới còn phát hiện ra mục đích đấu tranh mới: họ nghi ngờ chính phủ âm mưu sửa luật để siết chặt điều kiện đình công - nói cách khác, họ đình công để đòi quyền đình công.Cho đến nay, mấy nước này vẫn là các "xứ truyền thống" của đình công có tổ chức. Nói rõ thế để phân biệt với các cuộc đình công tự phát, ít hoặc không có vai trò chỉ đạo của công đoàn. Lấy ví dụ ở Việt Nam từ năm 2020 đến 2022, theo thông tin của ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban Chính sách pháp luật của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước xảy ra 591 cuộc đình công. Tất cả các cuộc ngừng việc tập thể đều tự phát, không đúng trình tự quy định, không do công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.Người Đức không (thể) làm cách mạngTương truyền Stalin sinh thời rất tâm đắc một câu sáo ngữ: "Ở Đức không thể nổ ra cách mạng, vì người ta ngại giẫm lên cỏ". Câu đó hôm nay xem ra vẫn đúng, khi nhìn vào luật pháp về biểu tình ở nước này, vốn là lý do khiến số ngày làm việc "thất thoát" vì đình công ở Đức khá thấp. Quyền đình công luật định ở Đức bị giới hạn khá chặt chẽ: chỉ được tiến hành như phương tiện để đạt được mục đích ký kết thỏa ước tập thể, chứ không được chống lại một doanh nghiệp đơn lẻ. Điều này có nghĩa các cuộc đình công "cho vui" hoặc với mục tiêu chính trị không được luật pháp công nhận, mà đã không có trong luật thì người Đức chắc chắn không làm! Đã thế, luật còn cấm công chức đình công, gồm phần lớn giáo viên, cảnh sát, nhân viên đường sắt…Nhân viên sân bay Frankfurt đình công. Ảnh: BloombergSong đình công chính trị cũng không bị cấm một cách rõ ràng, do đó sinh ra cách xử lý nhùng nhằng. Không có câu nào về chuyện này trong hiến pháp Đức. Ngược lại, điều 20 còn nói: "Tất cả người dân Đức có quyền chống lại bất kỳ ai muốn xóa bỏ trật tự cơ bản tự do và hợp pháp". Đây chính xác là vấn đề: hệ thống Đức không khuyến khích thay đổi những chính trị gia được cho là bất tài, những chủ ngân hàng tham lam, vô trách nhiệm hay những nhà đầu tư mưu mô. Họ chỉ bị ăn gạch đá khi hành xử phi dân chủ rõ ràng, trắng trợn. Để đánh giá điều này, phải có sự đồng thuận rộng rãi của quần chúng. Chỉ có một lần lịch sử nước Đức được chứng kiến sự bất mãn rõ ràng như vậy. Mặc dù lúc đó chỉ có 4 triệu thành viên công đoàn nhưng từ năm 1945 đến 1949, khoảng 9 triệu công nhân, viên chức và công chức đã đình công phản đối tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng và thiếu lương thực. Chính sách cải cách của phe Đồng minh đã đi quá trớn đối với người Đức.Dó đó, thông tin trên nhiều tờ báo về "tổng đình công" ở Đức hiện tại là không hoàn toàn chính xác. Vì tổng đình công là hành động đình công của toàn bộ hoặc một bộ phận lớn lực lượng lao động, có sự tham gia của các bộ phận dân cư, nhằm mục đích đưa đời sống kinh tế vào tình trạng bế tắc trong ngắn hạn hoặc dài hạn nhằm tác động đến các quyết định chính trị.Ở Pháp và ở AnhTừ đầu tháng 3, các cuộc đình công đã diễn ra liên tục trong nhiều lĩnh vực của đời sống công cộng khắp nước Đức - từ nhà trẻ, giao thông công cộng, sân bay cho đến cơ sở y tế hay cơ quan hành chính. Tuần này bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo trong khu vực công, có khả năng đình công lan rộng trên toàn quốc, dù còn dưới mức tổng đình công. Dân chúng Đức còn nhẫn nhịn lắm: dư luận còn phê phán công đoàn là… "bất lịch sự" khi tổ chức đình công vào thứ hai - đúng ngày bắt đầu đàm phán.Tình hình ở Pháp dữ dội hơn nhiều. Dự định cải cách lương hưu, quy định tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, đã khiến người Pháp phẫn nộ. Tổng thống Emmanuel Macron phải van vỉ Thủ tướng Élisabeth Borne thương lượng với các nghị sĩ, vì chính phủ của ông định tận dụng một điều khoản hiến pháp bị chỉ trích nhiều để thực hiện cải cách theo đường tắt, nghĩa là không cần thông qua thủ tục bỏ phiếu chung cuộc ở Quốc hội. Pháp đang sa vào nguy cơ lặp lại "Phong trào áo vàng" hồi 2018, chủ yếu trong tầng đáy trung lưu vùng nông thôn, nhằm phản đối việc tăng giá nhiên liệu. Về bản chất, nó không giống đình công ở Đức.Người Anh lại phần nào theo đuổi mục tiêu khác: họ đình công để đòi quyền đình công! Bởi vì ngày càng có nhiều công nhân ở Anh đình công phản đối mức lương thấp và điều kiện làm việc hà khắc, chính phủ đang rắp tâm tấn công (hợp pháp) vào quyền đình công. Bộ trưởng Kinh tế Grant Shapps đã công bố ý định đó tại Hạ viện vào ngày 10-1, với mục đích tạo cho chính phủ khả năng "duy trì các chức năng cơ bản trong dịch vụ công". Dự luật này được bàn tại Hạ viện như biện pháp chống các cuộc đình công của ngành đường sắt, buộc các công đoàn đường sắt phải cử người của họ đi làm trong trường hợp đình công để đảm bảo hoạt động tối thiểu. Bộ trưởng Shapps còn đề xuất mở rộng đáng kể dự luật, nhắm vào cả giới nhân viên y tế, giáo dục, cứu hỏa, giao thông vận tải, biên phòng và công nhân xử lý chất thải phóng xạ.Như mọi năm, đình công rồi sẽ dịu xuống sau vài cuộc thương lượng và ít nhiều nhượng bộ của giới chủ bởi vì đã có thỏa thuận bất thành văn là đình công tuy gây xung đột nhưng không nhằm huỷ diệt. Có những giai đoạn mà lịch sử chứng minh rõ ràng là đình công đã có tác động lớn. Quay trở lại hơn 100 năm trước, sẽ thấy một mục tiêu lớn như ngày làm việc 8 giờ đã được thực hiện, và điều đó chỉ đạt được nhờ đình công, đôi khi thành cả làn sóng cách mạng ở các nước châu Âu khác nhau.Khẩu hiệu "chung sống hòa bình" giữa các giai cấp thật ra cũng bắt nguồn từ châu Âu, nói cách khác là công đoàn không được quá yếu nhưng cũng đừng quá mạnh. Đó là lý do tại sao đến hẹn lại lên, họ buộc phải dùng đến phương tiện đình công, như hiện tại.■ Các cuộc đình công lớn và nhuốm màu bạo lực hiện bùng nổ ở Pháp nhằm phản đối đề xuất của chính phủ tăng tuổi hưu từ 62 lên 64. Ở Anh có đến nửa triệu người lao động ngưng làm việc để đòi tăng lương, trong đó có giáo viên, lái tàu, cảnh sát và điều dưỡng viên. Tình hình ở Đức, nơi luật đình công khá chặt, có vẻ đỡ căng hơn, nhưng đòi hỏi của người lao động cũng cao hơn: ngành bưu điện đòi tăng 15% lương, đường sắt 12% và dịch vụ công 10,5%. Tags: Châu ÂuNước châu ÂuTổng liên đoànNgười lao độngCông đoàn cơ sởĐình côngPhápAnhĐứcTuổi nghỉ hưuTăng tuổi hưuĐòi tăng lươngDịch vụ côngCải cách lương
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.