​Châu Âu “chìm tàu” cùng người tị nạn

QUANG THÁI TỔNG HỢP 14/05/2015 01:05 GMT+7

Sau vụ chìm tàu làm thiệt mạng hơn 800 di dân ngày 19-4, nhật báo Ý La Stampa kêu gọi phải xem xét lại chính sách tiếp nhận di dân của Liên minh châu Âu (EU). Theo báo chí các nước, mọi chuyện sẽ chẳng thay đổi nếu như tình hình Libya không ổn định trở lại và EU không tạo được áp lực lên các tổ chức đưa người vượt biên.

Những di dân tìm cách đến Hi Lạp sau khi chiếc thuyền buồm bị lật, trong khi một số người cố gắng bơi đến bờ biển đảo Rhodes ngày 20-4-2015 - Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Di dân quốc tế, một mình Địa Trung Hải chiếm 75% số di dân thiệt mạng trên thế giới: hơn 3.200 người trong năm 2014, hơn 1.600 người tính từ đầu năm 2015.

Thảm kịch ngày 19-4 ở ngoài khơi bờ biển Libya sẽ không phải là lần cuối cùng. Nạn nhân là những người chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria, các xung đột ở vùng Sừng châu Phi hoặc cuộc khủng hoảng ở Iraq. Theo luật quốc tế, đó là những người xin tị nạn, hoặc đơn thuần là những di dân kinh tế tìm cách thoát khỏi nghèo đói.

Theo tờ La Stampa, các nước châu Âu nằm xa cái “nghĩa địa Địa Trung Hải” này quên rằng biên giới Ý cũng là biên giới EU. Có gần 70% số người tị nạn đổ dồn vào năm trong số 28 quốc gia thành viên EU, trong khi các đề nghị lập hạn mức tiếp nhận di dân cho mỗi quốc gia thành viên nhằm chia sẻ gánh nặng vẫn không được ngó ngàng.

Trong thực tế, chế độ tị nạn chung không có hiệu lực. Cứ sau mỗi thảm kịch thương tâm như vừa qua, châu Âu lại tranh luận. Vấn đề là để có một cuộc tranh luận thực chất và đầy đủ cần phải dựa trên những trục chính sau đây.

Ba trục hành động: không đơn giản

Trước tiên, vấn đề luồng di cư từ châu Phi sang EU qua Địa Trung Hải không thể được xử lý mỗi khi có sự vụ, mà đã trở thành hiện tượng mang tính cấu trúc phát sinh từ một loạt nguyên nhân hiển nhiên như chênh lệch dân số giữa hai bờ Địa Trung Hải, các xung đột diễn ra ngày càng nặng nề, tình hình kinh tế - xã hội ở nhiều nước châu Phi ngày càng xuống cấp...

Do đó, giải pháp của EU sẽ không nằm ở câu trả lời thuần túy mang tính nhân đạo - tức một EU rộng mở, có khả năng đón nhận các luồng di cư không ngừng gia tăng, càng không phải trong phản ứng đáp trả vì sự an ninh của chính mình - tức một EU đóng cửa, có khả năng đẩy người tị nạn về điểm xuất phát của họ.

Những cách tiếp cận sau đây là không thể tách rời: chọn thái độ cứng rắn hơn đối với các băng nhóm tội phạm đưa người vượt biên, đồng thời giữ khả năng kiểm tra và điều tiết đơn xin tị nạn ở những vùng an toàn bên bờ nam Địa Trung Hải (với các hành lang nhân đạo ở các nước quá cảnh), và thông qua việc quản lý hợp lý các luồng di dân có kiểm soát.

Trục thứ hai là phải tái lập tình hình ổn định ở một số nước quan trọng, nhất là Libya - một quốc gia không nhà nước kể từ khi ông Gaddafi bị lật đổ và đang chuyển mọi yếu tố bất ổn của vùng Địa Trung Hải và châu Phi sang EU. Vì vậy, nhất thiết phải tổ chức ở đây một mạng lưới khu vực nhằm duy trì trật tự với sự trợ giúp của các nhân tố địa phương (bắt đầu bằng Hi Lạp, nhưng không chỉ có nước này).

Trục cuối cùng là đối với EU, vấn đề di cư hiện nay đang trở thành bài trắc nghiệm tế nhị hơn cuộc khủng hoảng Hi Lạp. Nó không chỉ đơn giản là xây một con đập đủ chắc chắn để ngăn chặn sự lây lan kinh tế như trường hợp Hi Lạp.

Việc EU quyết định lấy sứ mệnh Triton thay thế chiến dịch Mare Nostrum (do Ý lập ra vào tháng 10-2013 và kết thúc ngày 1-11-2014) với xu hướng giám sát di dân nhiều hơn là cứu hộ trên biển cũng không đủ khả năng giúp EU đối phó với tình trạng khẩn cấp vì nguồn lực tài chính không đầy đủ và trang thiết bị cũng không thích hợp.

Sứ mệnh Triton được cả EU tài trợ 2,9 triệu euro/tháng, còn ít hơn ba lần nước Ý chi cho Mare Nostrum. Tờ Financial Times cho rằng quyết định thay thế trên là một sai lầm tai hại, vì trong thực tế việc kết thúc chiến dịch Mare Nostrum “hoàn toàn không làm nản chí di dân khi nỗi thất vọng tiếp tục đẩy họ vào tay bọn tổ chức vượt biên”.

Theo Chính phủ Ý, Mare Nostrum đã cứu mạng khoảng 166.000 người tị nạn trong năm 2014. Tổ chức Amnesty International từng cảnh báo Triton là “câu trả lời sai cho cuộc khủng hoảng người tị nạn và di dân ở Địa Trung Hải”.

Việc các chính phủ của EU chỉ lo trám những vết nứt trong “pháo đài” của mình cho thấy họ đã không chứng minh được tính đoàn kết lẫn khả năng ngăn chặn sự lây lan khi đối đầu với hiện tượng di cư mang tính cấu trúc của nó. Hệ quả là các lực lượng chính trị ở nhiều nước có cơ hội tìm cách khóa cửa biên giới không chỉ ở Địa Trung Hải mà cả trong lòng châu Âu.

Sau cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels ngày 23-4, báo Ý Il Fatto Quotidiano mỉa mai EU đã quyết định “không quyết định gì cả” nhằm thay đổi tình hình. Chủ tịch Nghị viện EU Martin Schulz chỉ trích: “Ở nghị viện, cả chục lần chúng ta kêu gọi khả năng di cư hợp pháp nhưng đều thất bại vì sự kháng cự từ một số lãnh đạo thành viên EU và bộ trưởng nội vụ của họ”.

Và như thế, dòng người di cư tiếp tục trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói ở đất nước của họ. Chỉ trong hai ngày 2 và 3-5, lực lượng bảo vệ bờ biển của Ý đã cứu hộ hơn 5.800 di dân, trong đó có tám người tử vong, trên hai chiếc tàu khác nhau và hai người bị chết chìm khi cố gắng tiếp cận nhóm cứu hộ.

Nỗi hổ thẹn của eu

Những tình nguyện viên của Amnesty International xếp hàng trăm chiếc tàu bằng giấy và giương những khẩu hiệu như “Không còn người chết ngoài biển, Hãy cứu mạng người...” tại bãi biển San Sebastian ở Barcelona ngày 22-4-2015 - Ảnh: Reuters

Theo báo Đức Der Spiegel, kể từ ngày 3-10-2013 khi một chiếc thuyền bị phát hỏa gần hòn đảo Lampedusa (Ý) lấy đi tính mạng hơn 2/3 trong số 500 di dân trên tàu, những chiếc quan tài ở nhà kho sân bay Lampedusa đã trở thành một biểu tượng cho “nỗi hổ thẹn của EU”, như lời Giáo hoàng Francis.

Và 19 tháng đã trôi qua, thảm họa lặp lại cả chục lần và trở thành “quả bom Libya” đe dọa EU, như cách dùng từ của nhật báo El-Watan của Algeria.

Trang web bằng tiếng Ả Rập Libya Al Mostaqbal cho rằng sự chậm trễ trong phản ứng của EU có phần xuất phát từ việc một số người muốn bỏ mặc số phận của những di dân gặp nạn ngoài khơi nhằm làm chùn chân những người muốn ra đi sau đó.

Tại Anh, tờ The Guardian phản ánh một thực tế đáng buồn rằng “dư luận quan tâm đến khả năng những láng giềng mới của họ có phải là dân di cư hơn là số phận của những trẻ em chết chìm ở Địa Trung Hải. Chừng nào thực tế là như vậy thì các lãnh đạo chính trị còn ngại hành động”.

Trong số những di dân có cả những người đủ khả năng trả tiền cho chuyến đi, theo nhật báo ABC có khuynh hướng bảo thủ của Tây Ban Nha. Vì vậy, tờ báo này cho rằng “việc đẩy di dân trở về nước chỉ làm tăng chi phí cho một chuyến đi khác” và nên tìm giải pháp ở chính sách nhập cư có điều tiết.

Nhìn từ châu Phi, trong một bài xã luận của mình, nhật báo Les Dépêches de Brazzaville của Congo khẳng định châu Âu phạm tội ác khi né tránh phần trách nhiệm của mình và đặt câu hỏi: Liệu châu Âu có hiểu được rằng sẽ chẳng làm được gì nếu cứ dựng các hàng rào chính trị, an ninh và rào chắn khác để tự bảo vệ mình trước tình trạng nhập cư hỗn loạn mà họ chịu phần lớn trách nhiệm?

Theo tờ báo, “nếu EU tiếp tục từ chối giúp đỡ các dân tộc từng phục vụ họ trước đây tự phát triển, lãnh thổ của họ sẽ bị xâm chiếm (bởi làn sóng di cư) mà họ chẳng làm được gì cả”. Trong thực tế, từ mùa đông 2014 hàng chục ngàn di dân đến từ châu Phi và Trung Đông đã vào Libya để chờ điều kiện thời tiết tốt hơn trước khi lên thuyền ra khơi. “Đó là một trong những nguyên nhân giải thích luồng di dân bất ngờ này đến châu Âu” - tờ Libya Herald giải thích.

Tại Mỹ, tờ Washington Post cho rằng ngoài việc phải suy nghĩ các cách thức hợp pháp cho phép di dân từ châu Phi tìm nơi trú ẩn ở châu Âu mà không phải lên những chuyến tàu đầy rủi ro, các lãnh đạo EU cần phải cam kết chống lại những kẻ đưa người vượt biên và tái lập trật tự tại Libya.

Ngày 20-4, khi tuyên bố cần phải làm tất cả để tránh những thảm họa mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đề xuất phải tấn công những kẻ đưa người vượt biên và tìm hiểu những nguyên nhân khiến người di cư rời bỏ đất nước của họ. Cần nhắc lại rằng Đức là miền đất hứa của các di dân với 202.815 đơn xin tị nạn trong năm 2014. Tuy nhiên, Đức cũng là nơi mà các đường dây buôn người qua biên giới hoạt động nhộn nhịp.         

Từ thời đế chế La Mã bao trùm một phần lớn của châu Âu, từ Trung Đông và vùng Magreb hiện nay, Địa Trung Hải là một cái hồ hiền hòa thống nhất ba bờ trong việc kinh doanh yên ổn và phát đạt. Ngày nay nó đã trở thành một hố chôn hàng ngàn di dân và ba bờ của vùng biển này đang xa cách hơn bao giờ hết.

Ở phía bắc là “pháo đài” châu Âu; phía tây là những người chạy trốn Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cuộc nội chiến ở Syria, tình trạng hỗn loạn ở Iraq; phía nam là những người tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột ở Somalia, chế độ độc tài đầy ác mộng ở Eritrea và tình trạng vô chính phủ ở Libya.

Họ lao vào “bức tường” châu Âu trên những chuyến tàu cũ kỹ chất đầy người, giao tính mạng cho bọn đưa người vượt biên chẳng khác nào những kẻ buôn nô lệ ngày xưa. Có thể điểm lại một số thảm họa gây chú ý nhiều nhất:

- Đêm 3-10-2013, có chưa tới 1/3 trong số 500 người sống sót khi chiếc thuyền chở hơn 500 người nhập cư lậu đến từ thành phố Misrata của Libya di chuyển đến gần đảo Lampedusa (Ý).

- Ngày 11-10-2013, một chiếc thuyền lật úp giữa vùng biển Malta và đảo Lampedusa với 250 người trên thuyền. Gần 50 người chết chìm, trong đó có 10 trẻ em.

- Ngày 5-5-2014, sau khi hai chiếc thuyền chở người nhập cư bị lật gần đảo Samos của Hi Lạp, có ít nhất 22 người chết chìm, gồm cả 4 trẻ em.

- Ngày 11-9-2014, khoảng 500 người tị nạn chết chìm trên hành trình từ Ai Cập đến Malta. Chỉ 10 người được cứu sống và họ cho biết bọn buôn người đã cố tình đánh đắm tàu.

- Ngày 9-2-2015, hơn 330 người tị nạn thiệt mạng gần bờ biển nước Ý, khi bốn chiếc bè nổi thật lớn loại bơm phồng xuất phát từ Libya chở hơn 400 người đã gặp nguy dưới thời tiết lạnh giá.

Kỳ 2: Kinh doanh người tị nạn: 8 tỉ euro/năm

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận