Lực lượng Azeri nã pháo trong cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan, hình ảnh công bố ngày 28-9 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP ngày 28-9 dẫn lời người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU Peter Stano nói rằng Brussels không thể xác định được những thông tin về các lực lượng bên ngoài tham gia cuộc xung đột nói trên, nhưng "bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc xung đột này đều không được chấp nhận".
Giao tranh ác liệt xảy ra dọc khu vực ly khai Nagorno-Karabakh của cộng đồng người Armenia đã tách khỏi lãnh thổ Azerbaijan từ ngày 27-9. Ngày 28-9, quân đội hai nước Azerbaijani và Armenia tiếp tục xung đột dữ dội ngày thứ hai liên tiếp, sau khi hàng chục binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong giao tranh.
"Chúng tôi, với tư cách là EU và cộng đồng quốc tế, kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng ngay lập tức và tất cả các bên khác trong khu vực góp phần chấm dứt đối đầu", ông Stano nói.
Armenia ngày 28-9 cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Azerbaijan. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Armenia khẳng định các chuyên gia quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ "sát cánh" bên lực lượng Azerbaijan và khí tài của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm máy bay chiến đấu được Azerbaijan sử dụng trong cuộc giao tranh.
Trợ lý của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, ông Khikmet Gadzhiev, đã phủ nhận thông tin Thổ Nhĩ Kỳ gửi các chiến binh từ Syria đến nước này giữa lúc nổ ra giao tranh tại khu vực ly khai Nagorny-Karabakh.
"Tin đồn về các chiến binh từ Syria đang được tái triển khai tại Azerbaijan là một sự khiêu khích khác từ phía Armenian và hoàn toàn vô nghĩa", ông Gadzhiev cho biết.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Armenia cần rút "lính đánh thuê và khủng bố" mà nước này đem từ nước ngoài đến vùng Nagorny - Karabakh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tố Armenia "chiếm đóng" Nagorny - Karabakh.
Nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha cũng kêu gọi các bên ngừng bắn.
Người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố nhấn mạnh cần chấm dứt ngay lập tức giao tranh tại khu vực xung đột Nagorny - Karabakh.
"Chúng tôi theo dõi rất sát tình hình và cho rằng giao tranh cần chấm dứt ngay lập tức, tiến trình giải quyết xung đột cần chuyển sang bình diện chính trị ngoại giao", ông Peskov nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận