Tại các thành phố của Đức, hơn 25.000 người biểu tình bất chấp cái lạnh đã tuần hành trên các đường phố nhằm chống lại đạo luật ACTA. “Dừng ACTA lại!”- một khẩu hiện được ghi trên biểu ngữ của một trong 2.000 người tuần hành tại trung tâm Berlin, nơi nhiệt độ lúc đó được ghi nhận là -10 độ C.
Phóng to |
Toàn châu Âu dậy sóng vì đạo luật ACTA - Ảnh: AFP |
Tại Warsaw (Ba Lan), Prague (Cộng hòa Czech), Slovakia, Bucharest (Romania), Vienna (Áo), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ), Dublin (Ireland), Bratislava (Slovakia), hàng ngàn người trẻ cũng giương cao những biểu ngữ phản đối ACTA mặc cho trời mưa tuyết và nhiệt độ thấp.
“Chúng tôi cảm thấy không còn an toàn nữa. Internet là một trong ít nơi mọi người có thể trao đổi với nhau một cách tự do”, lời phát biểu từ Monica Tepelus, một lập trình viên 26 tuổi trong đoàn 300 người biểu tình ở Bucharest.
“Chúng tôi muốn ACTA phải bị dừng lại - Yanko Petrov, người có mặt trong cuộc tuần hành ở Sophia, nói với đài phát thanh địa phương BNT - Chúng ta có những đạo luật riêng, chúng ta không cần sự áp đặt của một đạo luật quốc tế”.
Sự phản đối ACTA ở châu Âu đang nhanh chóng biến thành một làn sóng giận dữ chưa từng có.
Việc chia sẻ phim ảnh qua Internet là một thói quen của giới trẻ Đông Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung nhằm tiếp cận miễn phí các chương trình giải trí.
Chính phủ của 8 quốc gia bao gồm Nhật Bản và Mỹ đã ký kết một đạo luật quốc tế để chống nạn sao chép và trộm cắp bản quyền. Việc ký kết này là một bước quan trọng để đưa ACTA vào thực tiễn.
Các cuộc đàm phán về ACTA đã diễn ra âm thầm từ vài năm qua. Một vài nước châu Âu đã thông qua ACTA nhưng nó vẫn chưa được phê chuẩn ở nhiều quốc gia khác.
ACTA, viết tắt của Anti-Counterfeiting Trade Agreement (Đạo luật chống giả mạo thương mại). ACTA được ký kết đầu tiên bởi Mỹ và Nhật Bản vào năm 2006, sau đó Úc, Canada, Morocco, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc cũng tham gia hiệp định này vào năm 2007. Mục tiêu của ACTA là bảo vệ và ngăn chặn sự xâm phạm tài sản trí tuệ trên mạng Internet. ACTA có phạm vi hoạt động không thuộc kiểm soát của bất cứ tổ chức quốc tế hiện có nào, dù là Liên Hiệp Quốc hay Tổ chức Thương mại thế giới. Khi đồng ý tham gia ACTA, các nước có mặt trong hiệp định sẽ phải hỗ trợ nhau chống lại mọi vấn đề liên quan đến bảo vệ tài sản trí tuệ. Vì vậy, cộng đồng mạng khắp nơi trên thế giới lo ngại ACTA sẽ là nền tảng pháp lý cho những cuộc kiểm soát và bắt bớ gắt gao trên mạng Internet. Hay nói cách khác, ai cũng có thể bị ra tòa nếu vô tình hoặc cố ý chia sẻ một tập tin vi phạm bản quyền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận