Ngày một nhiều công nghệ sẽ được đưa vào ứng dụng đại trà để hạn chế tình trạng phóng nhanh vượt ẩu - một trong những nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong vì tai nạn giao thông nhất thế giới, bên cạnh sử dụng điện thoại khi lái xe - Ảnh: ETSC
Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 7 này đã đồng thuận quyết định cấm xe chạy động cơ đốt trong mới trên thị trường từ năm 2035 trở đi, để hạn chế khí thải. Tuy nhiên, đây không phải mảng duy nhất mà lục địa già đẩy nhanh tiến độ. Mảng công nghệ an toàn để bảo vệ người dùng xe cũng được họ đặc biệt chú ý, với ngày một nhiều quy định khắt khe hơn.
Kể từ tháng 7 năm nay, mọi xe mới ra mắt tại châu Âu đều bắt buộc phải có công nghệ Hỗ trợ tốc độ thông minh (ISA) và tới tháng 7-2024, 100% xe bán ra trên thị trường bất kể là thuộc một dòng sản phẩm mới hay đã ra mắt nhiều năm trước đều phải tích hợp công nghệ trên.
EU đưa ra 4 hình thức cho các hãng xe lựa chọn ít nhất một trong số đó. Cảnh báo âm thanh khi xe vượt quá tốc độ cho phép (dựa trên bản đồ GPS hay khả năng đọc biển báo nhờ camera ngoài) hoặc rung lắc nhẹ giống công nghệ cảnh báo chệch làn hiện nay là 2 hình thức nhẹ.
Xe mới tại châu Âu sẽ tự đọc biển báo/bản đồ và đưa ra cảnh báo cho người dùng nếu họ vượt quá tốc độ cho phép - Ảnh: TomTom
Trong khi đó, các hình thức phía trên có tác động lớn hơn nhiều, khởi đầu bằng việc chân ga sẽ đẩy ngược lên hướng phía chân người dùng để hạn chế họ tăng tốc vượt quá tốc độ cho phép. Hình thức nghiêm ngặt nhất là chân ga sẽ bị vô hiệu hóa khi xe nhận thấy tốc độ đã vượt ngưỡng cho phép.
Cũng theo EU, người lái vẫn có quyền tự đưa ra quyết định đằng sau tay lái, đồng thời công nghệ trên có thể được vô hiệu hóa hoặc xử lý đè lên trong trường hợp báo cáo sai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận