Một ngôi mộ cổ của thương nhân Nhật ở Hội An - Ảnh: Tấn Vũ |
So với nhà buôn phương Tây từng có mặt ở đây, có lẽ người Nhật để lại dấu tích rõ ràng hơn hẳn. Không chỉ trong thư tịch úa màu thời gian, người ta còn tìm thấy tại các bãi khảo cổ rất nhiều đồ vật liên quan đến người Nhật.
Bên nấm mộ thương khách Nhật
Một buổi chiều giao mùa ở Hội An, chúng tôi được người cao tuổi địa phương chỉ dẫn viếng thăm những ngôi mộ cổ của người Nhật trên cánh đồng rau Cẩm Châu.
Bên bia đá của nấm mộ thương nhân Tani Yajirobei mất năm 1647 còn ghi thêm dòng chữ đầy xúc cảm: “Ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời...”.
Trong ba ngôi mộ Nhật hiện còn nguyên vẹn ở nơi từng là thương cảng sầm uất này, ông Banjrio mất sớm nhất với tấm bia đá đề năm 1629.
Người mất muộn hơn là thương nhân Gu Sikukun, năm Kỷ Tỵ 1689. Có nguồn thư tịch cổ cho rằng đây chính là vị trưởng phố Nhật cuối cùng ở Hội An, ông đã chọn ở lại và qua đời tại đây.
Trong các thư tịch cổ Nhật Bản và VN, châu ấn thuyền Nhật vượt Biển Đông tìm đến nước Việt nhiều nhất là từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17.
Nghiên cứu của giáo sư Iwao Seiichi, giai đoạn 1604-1635 đã có 121 châu ấn thuyền cặp cảng giao thương với Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhiều nhất so với các quốc gia khu vực.
Đó cũng là khi Toyotomi Hideyoshi đạt đến đỉnh cao quyền lực, thống nhất Nhật Bản và thi hành chính sách phát triển kinh tế ngoại thương, cho phép tàu buôn vượt biển giao thương với các nước khác.
Đây cũng là thời điểm nhà Nguyễn đã vững quyền ở Đàng Trong, vừa lo phát triển vừa chuẩn bị binh lực đối phó với Đàng Ngoài.
Từ Nhật Bản, thương nhân trên các châu ấn thuyền dựa theo gió mùa để vượt biển xuống giao thương với khu vực phía Nam, trong đó có cả Đàng Ngoài và Đàng Trong của nước Việt.
Họ căng buồm vào khoảng tháng 11 âm lịch để gió mùa đông bắc thổi xuống phía Nam. Họ ở lại các thương cảng như Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà, Hưng Nguyên... khoảng sáu tháng để mua bán và giong buồm về nước khi cơn gió mùa đông nam đầu hè thổi ngược lên.
Việc mua bán nhiều khi không đúng như kế hoạch nên nhiều thương nhân đã ở lại (hoặc cử người đại diện) để tìm nguồn hàng cho chuyến thuyền sau. Đó chính là một trong những lý do hình thành thương điếm và phố Nhật ở Hội An, Phố Hiến...
So với phương tiện đi biển của thương khách Trung Quốc, châu ấn thuyền Nhật Bản hơn hẳn về tốc độ lẫn tải trọng, với những chiếc từ 300 tấn rất lớn ở thế kỷ 16.
Tính cách thực tế của người Nhật đã giúp họ học hỏi rất nhanh kỹ thuật đóng tàu và hàng hải phương Tây khi đến đảo quốc này.
Do đó, thương khách Nhật chở tới được rất nhiều món hàng nước Việt cần cũng như họ chở đi được nhiều thứ nguyên liệu có thể làm đầy túi tiền của mình.
Ngoài binh khí như các loại kiếm đao được rèn rất tốt ở Nhật, chủ nhân châu ấn thuyền còn mang theo lưu huỳnh, sơn, kim loại... là những thứ mà các triều đình nước Việt lúc này luôn khao khát sử dụng cho các cuộc nội chiến triền miên giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn.
Sau khi xuống hàng, họ tìm mua kỳ nam, trầm hương, gỗ quý, tơ lụa, đồ gốm sứ, ngà voi, sừng tê giác, nhựa thông, da trâu, gân hươu... là những sản vật vốn dồi dào ở nước Việt vào thời điểm ấy.
Mô hình châu ấn thuyền được phục chế tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nhật Bản. Đây là loại thuyền buôn của Nhật Bản đi giao thương nước ngoài với ấn thư của nhà cầm quyền Nhật vào nửa đầu thế kỷ 17 - Ảnh: HSS |
Cứu giúp thương nhân Nhật
Hiện nay vẫn còn truyền lưu rất nhiều lá thư được triều đình hai nước gửi cho nhau với nội dung củng cố mối giao thương vốn cả hai bên đều rất cần.
Trong đó, đặc biệt là lá thư của phò mã đô úy Quảng Phú Hầu ở Đàng Ngoài viết rõ trường hợp đội thuyền buôn Nhật Bản gồm hơn 100 người bị đắm đã được cưu mang, giúp đỡ trở về nước. Người nhận thư là tướng quân Tokugawa Leyasu:
“... Năm trước có người thuyền trưởng Nhật Bản là Giác Tàng (Suminokura) cùng đồng bọn mang nhiều hàng hóa đến, ngày 11-5 thì đến vùng biển Nghệ An trú ở đó... Ta thăm dò biết Giác Tàng trong lòng trung hậu nên kết làm con nuôi. Đến ngày 16-6 bọn Giác Tàng trở về.
Khi đến ngoài cửa biển bất ngờ gặp sóng gió lớn, bọn Giác Tàng gồm 13 người thân chịu sóng lớn, chẳng may bị đắm, chỉ còn Thân Trang Tả Vệ Môn cùng các thương nhân Ngạn Binh, Trung Tả, Thậm Hữu, Truyền Binh, Nguyên Hữu, Đa Hữu, Ngạn Thứ, Thiện Tả, Long Hữu, Di Hữu và người làm việc trong thuyền Thiện Tứ, Cát Tả, Thậm Tam... tổng cộng hơn 100 người bơi tìm đường sống, may mà được thoát.
Ta sai binh lính tìm cứu, đem về nhà riêng cấp dưỡng 49 người. Qua nghiệm thị cho Đại Đô đường quận công nuôi 39 người; nhà chưởng giám Văn Lý hầu nuôi 26 người. Việc cấp quần áo thức ăn cho bọn Trang Tả để sinh sống nói chung đều do lòng nhân từ của ta.
Nay ta đã ra ân lại mong muốn chu toàn tính mạng cho bọn Trang Tả, lại dẫn họ đến bái yết cửa khuyết. Ta mạo muội xin Thánh thượng ra ân lớn ra lệnh cho đóng thuyền cấp cho bọn Trang Tả tùy nghi trở về nước...
Kính mong điện hạ xem xét mà thấy cho điều đó, để biết lòng đối xử với người ở xa, cốt tỏ nghĩa hòa hợp. Vài lời đơn sơ kính chắp. Hoằng Định năm thứ 11 ngày 20-2. Khánh Trường thứ 15 ở Nhật Bản. Năm 1610 Tây lịch”.
Không chỉ giúp đội tàu buôn Suminokura, quan quân ở Đàng Trong và Đàng Ngoài của nước Việt còn nhiều lần giúp các thương khách Nhật Bản gặp sóng gió trên hải trình ngang qua khu vực này. Trong đó có những trường hợp được chính phía Nhật gửi thư cảm tạ trang trọng:
“Ở nước Nhật Bản thái thú hai xứ Phong - Tiền và Phong - Hậu, Tế Xuyên tể tướng Nguyên Triều thần Trung Hưng (Hosokawa Tadaoki - PV) kính gửi cho Bắc quân đô đốc phủ Hoa quận công phó tướng hữu cơ của châu Bố chính thuộc nước An Nam:
Năm ngoái thương thuyền từ nước ta đến Xiêm La buôn bán, gặp gió động chuyển đưa đến thành trì của ngài. Ngài đã nhân từ phủ dụ người ở xa như mẹ hiền đối với con cái, ân trạch thật thâm sâu không thể nói hết được.
Khi thuyền trở về, quan lại khiến mấy người đồng hành Văn Bản Hầu phó sứ vượt biển đến đưa thư, xem đi xem lại mấy lần, quá sức mừng rỡ.
Vốn biết tướng công đóng châu ấn chỉ thị từ nay trở về sau, không kể ở miền xa cách biển cả, hai nước kết minh, thương nhân qua lại buôn bán, mà những gì khác với trong nước phải theo không gì thay đổi...
Khánh Trường thứ 17, ngày 11 tháng Mạnh Xuân năm Nhâm Tí”.
Về sau, tuy công cuộc giao thương hai nước bị gián đoạn vì chính sách tỏa quốc của Nhật, nhưng các châu ấn thuyền đã để lại một chương đặc biệt trong lịch sử ngoại thương hai nước.
Chúng không chỉ làm giàu thêm hàng hóa quốc gia, mà còn trao đổi kinh nghiệm hàng hải, giao lưu văn hóa sâu sắc. Đặc biệt, thương khách Nhật Bản thuộc dòng họ Chaya đã vẽ cả “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” hiện vẫn còn lưu giữ ở ngôi chùa cổ Jomyo.
Từ họa đồ của Chaya Chinrojiro đầu thế kỷ thứ 17, người đời sau đã biết được con đường hải thương đến nước Việt ngày xưa như thế nào và việc giao thương sầm uất ra sao...
__________
Kỳ tới: Xuyên qua Hoàng Sa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận