TTCT - Hai cựu tổng thống Hàn Quốc xộ khám gần đây vì tham nhũng. Mẫu số chung là gì? Cơ chế nào cho phép không câu nệ vai vế của kẻ phạm pháp. Song, chừng đó đã đủ ngăn chặn tham nhũng chưa? Thế còn ở Malaysia, tại sao cựu thủ tướng Mahathir trở lại chính trường ở tuổi 92? Tham nhũng là căn bệnh kinh niên ở nhiều nước châu Á. Ảnh: 123rf.com Tựa đề bài xã luận của tờ Korea Times 9-4 đầy phẫn nộ: “Xấu hổ thay các cựu tổng thống!”. Bài xã luận viết: “Lee Myung Bak đã trở thành cựu tổng thống thứ tư của đất nước bị buộc tội hình sự vì những gì ông làm trong nhiệm kỳ của mình. Bản cáo trạng của ông tiếp sau việc người kế nhiệm Park Geun Hye bị kết án 24 năm tù và phạt 18 tỉ won (16,8 triệu USD) sau khi bị buộc tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Thật đáng tiếc khi hai cựu tổng thống cùng bóc lịch trong các trung tâm giam giữ. Thật là một bi kịch! Những vụ việc như vậy vẫn cứ tiếp tục diễn ra kể từ khi các cựu tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo bị truy tố vì tham nhũng, phản quốc và những hành động sai trái khác cách đây 22 năm. Thật xấu hổ khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của chúng ta đã nhiều lần lạm dụng quyền lực của họ, nhận hối lộ và gây quỹ mờ ám”. Bệnh mãn tính và trị liệu Tác giả bài xã luận viết tiếp: “Các nhà phê bình thường gọi mỉa nước chúng ta là Cộng hòa tham nhũng. Mặc cho thành công kinh tế và tiến bộ dân chủ của Hàn Quốc, chúng ta phải thừa nhận đất nước này là một thứ chế độ cường hào, kẻ cắp” (a sort of plutocracy or kleptocracy). Báo cáo tham nhũng ở Hàn Quốc của Business Anti-Corruption ghi chép về bà Park như sau: “Tổng thống Park Geun Hye bị luận tội vào tháng 12-2016 sau các cáo buộc tham nhũng quy mô lớn liên quan đến nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ Hàn Quốc và cộng đồng doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa Tổng thống Park và người bạn thân Choi Sun Sil của bà cho thấy bà Choi đã được phép can thiệp trái luật vào việc hoạch định chính sách. Bà Park chính thức bị buộc tội hối lộ, lạm quyền và tiết lộ bí mật nhà nước. Hơn nữa, bà Choi đã sử dụng vị thế của mình để kêu gọi “quyên góp” từ nhiều tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc bao gồm Samsung, Hyundai và Lotte cho hai quỹ đầu tư. Jay Y.Lee, phó chủ tịch của Samsung, bị cáo buộc đã chi 36 triệu USD cho gia đình bà Choi và các quỹ của bà để đổi lấy sự giúp đỡ trong việc sáp nhập hai công ty con của Samsung có vai trò quan trọng nhằm giữ quyền kiểm soát Samsung trong gia đình Lee. Ông Lee đang bị xét xử vì các cáo buộc vào tháng 4-2017. Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin cũng đã bị truy tố về tội hối lộ liên quan đến vụ án”. Còn với ông Lee Myung Bak, tờ Choson Ilbo 7-3-2018 giở lại cáo trạng và cho biết: “Ông Lee bị cáo buộc một loạt tội ác, bao gồm nhận hối lộ khoảng 10 tỉ won (gần 9,4 triệu USD). Các công tố viên nghi ngờ ông Lee đã ép Samsung phải trả 6 tỉ won phí luật sư cho DAS, một công ty phụ tùng xe hơi do em trai ông đứng tên thay ông. Ông cũng bị cho là đã dùng công ty này để lập các quỹ mờ ám và nhận 1,75 tỉ won từ một quỹ bí mật của Cục Tình báo quốc gia lúc còn đương chức, đồng thời thu về hàng trăm triệu won nữa từ việc ban phát các ân huệ chính trị”. Những khoản tiền trên vượt xa quy định trong đạo luật chống tham nhũng của Hàn Quốc tháng 3-2015, theo đó các công chức, nhà báo, thầy cô giáo bị cấm ăn cơm khách có giá cao hơn 30.000 won (khoảng 27 USD), và một số người làm nghề chuyên môn bị cấm nhận quà có giá trị trên 45 USD nếu có khả năng xung đột lợi ích! Có thể thấy ở Hàn Quốc, tham nhũng dưới các trào tổng thống Lee và Park chủ yếu là lạm dụng chức quyền nhận hối lộ (mà Samsung là một trong những đối tượng ưa thích) hay mua bán “ân huệ”, chớ không tơ hào lắm vào công quỹ. Ngoài ra, tuy tham nhũng là một thói khó bỏ của chính trường Hàn Quốc, song quyết liệt chống tham nhũng cũng là một tập tính tiêu biểu của xã hội này. Báo cáo Chỉ số chuyển đổi (BTI) 2018 ghi chép về giai đoạn cuối trào Park: “Giai đoạn bao gồm năm thứ ba và thứ tư của chính quyền Park Geun Hye được đánh dấu bởi sự sụt giảm nhanh chóng và bất ngờ uy tín của Tổng thống Park, mà đỉnh điểm là thất bại ở cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4-2016 và việc bà bị luận tội giữa các cuộc biểu tình phản đối lớn trong tháng 12 năm đó. Bất ngờ là vì các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy bà vẫn rất được lòng dân và đảng bảo thủ của bà sẽ dễ dàng giành chiến thắng ở cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức ngày 13-4-2016”. Có thể thấy ở Hàn Quốc, sự “trừng phạt” của người dân là ngay tức thời, bởi họ có rất nhiều lựa chọn trong một cuộc bầu cử. Báo cáo BTI mô tả: “Các cuộc biểu tình của hơn 1 triệu người yêu cầu luận tội Tổng thống Park đã được tổ chức hoàn toàn trong hòa bình và không có sự can thiệp của cảnh sát trong suốt tháng 11 và 12-2016”. Tuy nhiên, không phải tất cả đều màu hồng. Báo cáo cho biết ngay cả trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, Cơ quan tình báo Hàn Quốc vẫn ra sức tác động lên chiến dịch tranh cử với khoảng 1,2 triệu tin trên Twitter cùng các diễn đàn khác nhằm ca ngợi chính phủ và chế diễu các chính khách đối lập. Sự “trừng phạt” còn thể hiện qua Ủy ban chống tham nhũng và bảo vệ quyền dân sự (ACRC) gồm 15 thành viên, cơ quan đầu não chống tham nhũng ở Hàn Quốc. Tư duy gắn chặt chống tham nhũng với quyền dân sự phản ánh quan điểm của nhà nước coi chống tham nhũng là một quyền công dân. Có thể thấy với “phản thành tích” của một loạt tổng thống dính tham nhũng, vấn đề đặt ra là làm sao hạn chế quyền hành tổng thống. Tác giả bài xã luận của Korea Times đặt lại vấn đề: “Giờ đây đất nước nên đẩy nhanh tiến trình sửa đổi hiến pháp để ngăn chặn sự độc quyền quyền lực của tổng thống - mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Đồng thời, cần khẩn trương xác lập chế độ pháp quyền và kiểm tra, cân bằng để dứt điểm tham nhũng khỏi chính trị và xã hội của chúng ta. Bằng không, chúng ta không có tương lai”. Tái xuất giang hồ Một tin gây bất ngờ được loan đi đầu tháng 1 năm nay là Liên minh đối lập ở Malaysia đã nhất trí đề cử cựu thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi, làm ứng cử viên tranh chức thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Liên minh đối lập Pakatan Harapan đã soạn sẵn liên danh ứng cử viên của mình: ông Mahathir sẽ là ứng viên thủ tướng, còn phu nhân cựu phó thủ tướng Anwar là bà Wan Azizah Wan Ismail là ứng viên phó thủ tướng. Nếu thắng cử, ông Mahathir sẽ ân xá cho ông Anwar, và rồi ông này sẽ tham chính trở lại để giữ ghế thủ tướng thay ông Mahathir. Tin này gây bất ngờ là do số tuổi 92 quá cổ lai hi của vị thủ tướng từng sắt đá cầm quyền trong suốt 22 năm, từ 1981-2003. Gây bất ngờ tiếp theo là việc ông Mahathir nay ra tranh ghế đại biểu quốc hội trong “màu áo” phe đối lập, địch thủ mà ông đã không hề nương tay khi còn cầm quyền. Song quyết định này của ông Mahathir không gây bất ngờ với người dân Malaysia bởi từ mấy năm qua, ông Mahathir đã kịch liệt chỉ trích thủ tướng Najib Razak, chủ yếu nhắm vào những hành vi tham nhũng của ông này. Trong một phát biểu sau khi được đề cử, ông Mahathir thú thật: “Thật không dễ dàng cho tôi tham gia một phong trào vốn từng không hài lòng với mình trong quá khứ. Tuy nhiên, nỗ lực để lật đổ Najib lớn hơn cảm xúc của tôi. Vì vậy, tôi sẵn sàng hợp tác và lắng nghe những lời chỉ trích về đảng cũ của mình”. Hãng tin Reuters khi loan tin này hôm 7-1 đã chua thêm: “Với lãnh tụ đối lập được lòng dân nhất là ông Anwar Ibrahim còn trong tù, ông Mahathir được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với Thủ tướng Najib Razak, vốn đang chìm trong một vụ thị phi vì tham nhũng”. Thủ tướng Najib dính vào vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB). Trong một vụ kiện dân sự, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc 1MDB chiếm dụng khoảng 4,5 tỉ USD từ tiền đóng thuế của người dân Malaysia. Quỹ này bác bỏ mọi cáo buộc và tổng chưởng lý Malaysia đã nói ông Najib, người lập 1MDB, không bị truy tố. Đây là điều ông Mahathir không tha thứ. Nhật báo The Malaysian Insight 23-1-2018 trích phát biểu của ông Mahathir: “UMNO (Tổ chức dân tộc thống nhất Malaysia, tức đảng cầm quyền) đã đánh mất bản chất của mình và nay chỉ còn là một phương tiện cho Thủ tướng Najib Razak vơ vét công quỹ. Đó không còn là Đảng UMNO nữa mà là đảng của Najib. Tôi không ở lại với đảng nào đang lấy cắp của dân bạc tỉ”. Nếu quả thật đất nước Malaysia phải cần đến sự quay trở lại của đại lão thần Mahathir, e rằng đây sẽ là một bài học nhớ đời.■ Bản cáo buộc 8 điểm Ông Mahathir đã đăng lời hiệu triệu bầu cử trên blog của mình, đề ngày thứ hai 12-2-2018: “1. Najib phải biết rằng cả đất nước chống lại ông ta. Cơ hội chiến thắng của ông ta gần như là không. 2. Ông ta cũng biết những hậu quả trực tiếp cho mình nếu thua. Ông ta sẽ bị buộc tội tại tòa án và có thể bị tống giam. 3. Biết được tất cả những điều này, ông ta phải chắc chắn rằng ông ta sẽ không thất cử. Bằng cách móc ngoặc và chắc chắn là bởi sự lừa đảo, ông ta phải giành chiến thắng. 4. Một trong những điều ông ta có thể làm, nếu như thua sát nút, là tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đình chỉ nghị viện. Ông sẽ thiết lập một loại chính phủ dưới trướng Hội đồng an ninh quốc gia và cai trị đất nước bằng các sắc lệnh. 5. Để làm được điều này, ông ta sẽ cần sự hỗ trợ của tư lệnh quân đội và tư lệnh cảnh sát. 6. Hiện nay tại Malaysia, tổng thanh tra cảnh sát và tư lệnh các lực lượng vũ trang là những người ủng hộ thủ tướng hoặc ít nhất cũng phù hợp với những gì ông ta làm. Ngay cả khi ông rõ ràng vi phạm luật thì dường như họ không quan tâm. 7. Sự cai trị sai trái của Najib có hậu quả khủng khiếp. Có bằng chứng rõ ràng rằng ông đã đánh cắp tiền của chính phủ. Trong con mắt của thế giới, việc ông ta lạm dụng quyền lực đã được thừa nhận. Malaysia của Najib được mô tả là một nhà nước ăn cắp, không còn là một nền dân chủ nữa. Các quy định của pháp luật bị bỏ mặc trắng trợn. Tham nhũng của ông ta tràn lan. 8. Nếu Najib thắng, hậu quả sẽ là khủng khiếp. Đất nước này sẽ phá sản vì tổng nợ hiện nay là gần một nghìn tỉ ringgit (258 tỉ USD). Najib đã xẻ từng phần đất nước Malaysia ra bán để trả nợ. Tất cả những mảnh đất tốt nhất đã được bán. Sẽ đến lúc ông ta không thể kiếm ra tiền để trả nợ. Đến thời điểm đó, Malaysia sẽ trở thành một quốc gia bị phá sản”. Tags: Tham nhũngTham nhũng châu ÁBệnh tham nhũng
Ra thế giới với Việt Nam trong tim TUỔI TRẺ ONLINE 28/01/2025 20 năm trước, 'công dân toàn cầu' còn là một khái niệm mới được giới trẻ Việt Nam tìm hiểu và lấy làm ước mơ, khát vọng phấn đấu để đi xa tiến xa. Nhưng hiện nay, với thế hệ gen Z, công dân toàn cầu đã là một điều tất yếu của cuộc đời.
Làng Nủ hồi sinh sau lũ quét, nụ cười đã tìm về, dịu lại những gương mặt khổ đau 28/01/2025 Sau hơn một tháng dọn vào khu tái định cư, cuộc sống của những hộ dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang dần ổn định. Họ đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong ngôi làng mới.
Tin tức thế giới 28-1: Nvidia mất gần 600 tỉ USD; Colombia điều máy bay nhận người bị Mỹ trục xuất DUY LINH 28/01/2025 Loạt dự án nhân đạo tại Ukraine điêu đứng khi Mỹ dừng viện trợ; Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đường bay sau 5 năm cắt đứt.
Hà Nội dừng trình diễn drone mang theo pháo hỏa thuật trong đêm giao thừa PHẠM TUẤN 28/01/2025 Phần trình diễn ánh sáng bằng drone trong chương trình nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long" bị dừng để đảm bảo sự thành công của chương trình.