27/12/2014 12:05 GMT+7

​Châu Á tưởng niệm thảm họa sóng thần

K.THOA - V.PHƯƠNG
K.THOA - V.PHƯƠNG

TT - Hôm qua, những người sống sót trong vụ động đất - sóng thần năm 2004 cùng thân nhân của 226.000 nạn nhân cầu nguyện bên bờ biển Ấn Ðộ Dương để kỷ niệm 10 năm thảm họa kinh hoàng.

Phụ nữ ở Banda Aceh, Indonesia cầu nguyện cho những người đã khuất - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, hàng nghìn người tập trung tại thánh đường Grand ở thành phố Banda Aceh (Indonesia) dự lễ tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

Nhiều người không cầm được nước mắt khi màn hình lớn chiếu cảnh Aceh bị tàn phá thảm khốc ngày 26-12-2004. Hơn 126.700 người thiệt mạng tại đây.

“Không có nỗi đau nào lớn hơn. Linh hồn của những người đã khuất vẫn còn ở đây” - Thống đốc Aceh Zaini Abdullah mô tả.

Tại Sri Lanka, chính quyền vận hành lại một đoàn tàu từng bị sóng thần làm trật đường ray. Hàng nghìn người tới thăm mộ các nạn nhân ở làng Hambantota bị san bằng trong ngày định mệnh 10 năm trước. Nước này có 40.000 người thiệt mạng.

Tại Thái Lan, hàng nghìn người mang hoa đến công viên tưởng niệm sóng thần ở Ban Nam Khem, ngôi làng bị sóng thần tàn phá nặng nề. Có 5.395 người đã chết tại Thái Lan, trong đó có 2.000 du khách nước ngoài.

Bang Tamil Nadu thuộc miền nam Ấn Ðộ, nơi mất đi 6.000 người, tổ chức các buổi tập kỹ năng thoát thân khi sóng thần xảy ra. Khoảng 700 người cầm hoa diễu hành trên bờ biển.

Với nhiều người, ngày 26-12-2004 là ký ức sẽ ám ảnh họ suốt cả cuộc đời. Trả lời Tuổi Trẻ, anh Aung Linn - người Myanmar - kể:

“Lúc đó gia đình tôi đi nghỉ tại biển Chuang Tha. Ðột nhiên mặt đất rung chuyển. Sau đó, nước biển bắt đầu rút ra xa. Tôi bàng hoàng nghĩ rằng làm sao nước biển có thể rút như vậy được”.

Còn anh Ebra Usuff ở đảo quốc Maldives vẫn còn nhớ rõ sự hoang mang khi chứng kiến nước biển rút đi.

“Chúng tôi có thể thấy cả cá và san hô nổi lên. Tôi biết rằng có chuyện khác thường sẽ xảy ra” - Ebra kể với Tuổi Trẻ. Một đợt sóng đánh vào hòn đảo gây thiệt hại nặng nề. Ebra may mắn thoát chết. Maldives mất 82 người trong thảm họa.

Trong 10 năm qua, 28 quốc gia trong khu vực đã chi hơn 400 triệu USD để xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sóng thần với 101 máy đo mực nước biển, 148 máy đo địa chấn, 9 phao...

Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia cảnh báo vẫn chưa thể xác định được hiệu quả của hệ thống này và hàng triệu người vẫn đối mặt với nguy cơ chết người từ biển lớn.

“Chúng ta phải chuẩn bị để khi thảm họa tới có thể hành động nhanh chóng và hiệu quả” - Reuters dẫn lời Thống đốc Aceh Abdullah khẳng định.

K.THOA - V.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên