05/06/2015 09:00 GMT+7

Châu Á đua nhau sắm vũ khí

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Một thực trạng không thể không thấy là nhiều nước ở khu vực châu Á đang mạnh tay mua sắm trang thiết bị quốc phòng. Nguyên nhân được các chuyên gia nhận diện là do Trung Quốc.

Binh sĩ Nhật hướng dẫn phi công Philippines đáp trực thăng trên tàu trong một cuộc tập trận chung gần đây - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Nhật hướng dẫn phi công Philippines đáp trực thăng trên tàu trong một cuộc tập trận chung gần đây - Ảnh: Reuters

Đối thoại Shangri-La 2015 tại Singapore đã phải dành một phiên thảo luận đặc biệt với chủ đề “Tránh cạnh tranh quân sự và chạy đua vũ trang ở châu Á” hôm 30-5.

Nếu những mâu thuẫn không được giải quyết, các bên thiếu kiềm chế sẽ nảy sinh tâm lý chạy đua vũ trang 
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - trả lời phỏng vấn riêng với Tuổi Trẻ ngày 1-6-2015

Có tiền nên mua sắm?

Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Mỹ - Trung không chỉ là tâm điểm chú ý về căng thẳng ở biển Đông mà còn được nhắc đến như hai tác nhân chính tạo ra sự cạnh tranh quân sự và chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại phiên thảo luận, tư lệnh quốc phòng Úc Mark Binskin nhận định trong 20 năm tới, môi trường chiến lược ở châu Á nhiều khả năng sẽ đối diện với nhiều thách thức hơn khi các quốc gia hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và hướng đến hiện đại hóa năng lực quân sự.

Tiến sĩ Aaron Friedberg cho rằng không thể tránh sự cạnh tranh quân sự ở châu Á vì đã diễn ra và điều cần phải tránh chính là “một cuộc chạy đua vũ trang”. Tuy nhiên, tiến sĩ Friedberg không cho rằng cạnh tranh quân sự mang ý nghĩa tiêu cực.

“Nếu một bên phát triển quân sự mạnh hơn trong khi bên kia không gia tăng năng lực, nguy cơ có khi còn lớn hơn” - ông Friedberg nhận định.

Theo truyền thông Trung Quốc, ngân sách quân sự của Bắc Kinh năm 2015 là 142 tỉ USD, tăng 10,1% so với năm ngoái. Quốc gia này hiện đang có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Theo báo Rappler, Trung Quốc đặt mục tiêu có 415 tàu chiến, bao gồm 100 tàu ngầm trước năm 2030 và bốn tàu sân bay. Lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc hiện lớn hơn lực lượng của tất cả quốc gia châu Á cộng lại.

Một đại biểu dự thảo luận tỏ ra lo ngại khi đặt câu hỏi cho các diễn giả rằng 10 năm trước ngân sách quốc phòng Trung Quốc ít hơn ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, nhưng hiện nay ngân sách quốc phòng Trung Quốc lớn hơn gấp ba lần ngân sách quốc phòng Nhật Bản.

Nếu xu thế này tiếp tục và khi ngân sách chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đạt bằng một nửa của Mỹ, điều gì sẽ xảy ra?

Căng thẳng tại biển Đông cũng khiến các nước Đông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng, theo báo cáo mới đây của tạp chí quốc phòng IHS Jane's. Reuters dẫn báo cáo của IHS Jane's ước tính chi tiêu quốc phòng hằng năm tại Đông Nam Á sẽ đạt 52 tỉ USD trước năm 2020, so với mức dự kiến 42 tỉ USD.

Tạp chí quốc phòng này tiết lộ 10 nước Đông Nam Á dự kiến chi 58 tỉ USD cho trang thiết bị quân sự mới trong năm năm tới, trong đó hoạt động mua sắm cho hải quân sẽ chiếm tỉ lệ lớn. IHS Jane's nhận định Việt Nam là quốc gia có hệ thống phòng thủ hiện đại nhất trong ASEAN.

Cần phải minh bạch

Tư lệnh quốc phòng Úc Mark Binskin cho biết hiện đại hóa quân sự hoàn toàn tích cực vì giúp các quốc gia đạt được năng lực quân sự ngang nhau, góp phần giải quyết những vấn đề an ninh vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, ông kêu gọi tất cả quốc gia trong khu vực phải minh bạch các chính sách quân sự và ý định chiến lược quân sự dài hạn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho rằng sự minh bạch vừa tốt vừa không tốt vì không phải lúc nào các bên mua vũ khí cũng đều mong muốn công bố thông tin. Ông Antonov ủng hộ các biện pháp xây dựng lòng tin, nhưng không cho rằng các biện pháp xây dựng lòng tin có thể ngăn chiến tranh.

Theo ông Anatoly Antonov, để bảo đảm hòa bình và an ninh cho tất cả quốc gia bất chấp năng lực quân sự của họ, cần phải tạo ra một cấu trúc an ninh công bằng và không thể phân chia ở khu vực. Ngoài ra, ông Anatoly Antonov kêu gọi các cường quốc phải theo đuổi một chính sách có trách nhiệm ở châu Á - Thái Bình Dương.

“Rất quan trọng để nhận ra tái cân bằng, đe dọa, tăng cường quân sự, chính sách cưỡng ép, hăm dọa sẽ không thể giải quyết các vấn đề của chúng ta. Trái lại, chúng sẽ làm trầm trọng thêm tình hình và gieo hạt giống của sự thiếu tin tưởng, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực” - ông Antonov nhận định.

Ngoài ra, ông Anatoly Antonov kêu gọi các nước phản đối những cách tiếp cận đơn phương đối với cấu trúc an ninh khu vực, bằng cách ủng hộ luật pháp quốc tế và phát triển sự tôn trọng lợi ích quốc gia của nhau.

“Không có quốc gia nào có quyền tăng cường an ninh khiến những quốc gia khác phải trả giá bằng sinh mệnh của họ” - ông Anatoly Antonov phát biểu.

Theo tiến sĩ Aaron Friedberg, vai trò của bên thứ ba cũng ảnh hưởng đến tình trạng ổn định ở châu Á.

“Nếu Nhật Bản theo đuổi chính sách quân sự độc lập với chính sách quân sự của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc ở một mức nào đó và theo đuổi giải pháp vũ khí hạt nhân, chắc chắn sẽ làm mất ổn định tình hình khu vực.

Nhưng một Nhật Bản liên minh thiết thân với Mỹ đồng thời tăng cường năng lực quân sự quốc gia có thể góp phần vào việc duy trì một sự cân bằng tổng thể trong khu vực. Trung Quốc có thể không mong muốn điều này, nhưng nó có thể giúp duy trì sự ổn định trong khu vực” - tiến sĩ Aaron Friedberg đánh giá.

Các diễn giả chính trong phiên thảo luận gồm chủ tọa Peter Ho - cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) của Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter đồng thời là chủ tịch Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, Tư lệnh quốc phòng Úc Mark Binskin, Phó chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Nobukatsu Kanehara và tiến sĩ Aaron Friedberg, giáo sư khoa chính trị và các vấn đề quốc tế thuộc ĐH Princeton (Mỹ).

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên