Trong thời gian dài, quy hoạch đô thị luôn bị chi phối bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh, thị trường có tiếng nói tối thượng. Nhà quy hoạch có tiếng trên thế giới, bà Susan Fainstein (*) - tác giả cuốn sách The just city (Thành phố công bằng) - đưa ra quan điểm khác, nhấn mạnh yếu tố công bằng và cơ hội hưởng lợi cho mọi nhóm cư dân đô thị. Bà và chồng, ông Norman Fainstein - nguyên hiệu trưởng ĐH Connecticut - trao đổi với TTCT nhân chuyến thăm và dạy tại TP.HCM mới đây. Bà Susan Fainstein (Ảnh: Thuận Thắng) Hãy bắt đầu với quan điểm cơ bản của bà: “thành phố công bằng” là như thế nào? - Susan: Tôi đưa ra khái niệm “thành phố công bằng” là để đối lại với quan điểm quy hoạch “thành phố cạnh tranh”, đặc biệt phổ biến ở Mỹ và Anh, về cơ bản là cung cấp những hỗ trợ (tài chính, chính sách) cho giới đầu tư và để mặc giới đầu tư muốn làm gì thì làm mà về thực chất cuối cùng là đuổi người nghèo ra khỏi nhà của họ. Đây là chính sách gắn với nhóm gọi là 1% (những người siêu giàu). Có những căn hộ ở New York được bán với giá 80-100 triệu USD cho những người mà phần lớn thời gian chẳng bao giờ ở đó cả. Như vậy, nếu thị trường có tiếng nói hoàn toàn, thành phố sẽ bị bóp méo theo hướng lợi ích của những người rất giàu. Nhưng nếu quy hoạch chi phối hết thì anh sẽ có thành phố rất “chán” – như mọi người vẫn phàn nàn là Singapore rất chán. Vì thế, chúng ta cần cái gì đó trung hòa, cần một quy hoạch quy củ bởi khi thị trường quyết định sẽ không tạo ra sự quy củ nào cả. - Norman: Quan điểm cạnh tranh vẫn nói rằng thị trường sẽ làm mọi người đều khá hơn, là “nước nổi thì thuyền nổi”. Nhưng bằng chứng thực của cuộc sống không cho thấy vậy. “Nước nổi” cuối cùng chỉ có lợi cho một nhóm rất nhỏ dân số mà thôi. Điều đó giải thích vì sao nếu không có sự can thiệp của nhà nước vào cả quy hoạch hay đối với các vấn đề xã hội, đầu tư và tăng trưởng phần lớn sẽ chỉ tạo thêm bất bình đẳng. Susan: San Francisco là nơi từng rất thành công về thu nhập, về giải quyết các khu ổ chuột. Ở Mission District – một khu của người Mexico, khi đô thị phát triển ở đó thì toàn bộ người dân gốc ở đó bị đẩy ra vì giá thuê tăng cao quá. Khi những người làm công nghệ ở Thung lũng Silicon không còn muốn sống ở khu Silicon vì cho rằng khu đó quá buồn tẻ, quá quê mùa, họ chuyển đến San Francisco và đẩy giá thuê nhà thậm chí còn cao hơn. Nhiều người dân ở San Francisco rất bực vì nhóm giàu có này chuyển vào khiến giá cả nhà tăng lên và về cơ bản là lấy mất thành phố của họ. Đây là khu họ sống đã nhiều đời nhưng giờ không thể sống ở đó được nữa. Bà có nhắc đến các giai đoạn khác nhau của phát triển trong quy hoạch thành phố: từ thành phố mong muốn, toàn diện, tách biệt chính trị - quy hoạch, đối thoại - đàm phán... Ở VN, chúng tôi vẫn còn ở giai đoạn đầu, người dân vẫn ít được tham gia quá trình quy hoạch. Như vậy nếu đang ở một giai đoạn còn thấp, liệu có thể nhảy ngay lên xây “thành phố công bằng” được không? - Norman: Khi dạy ở Singapore, chúng tôi cũng nhận được những câu hỏi y như vậy. Singapore giờ có mức thu nhập thuộc hàng giàu nhất thế giới và giàu hơn TP.HCM rất nhiều, nhưng quy hoạch ở đó vẫn là áp đặt từ trên xuống. Giờ khi họ có một tầng lớp trung lưu rất đông và có học hành, quá trình chuyển đổi trở thành một trong những vấn đề nóng ở xã hội Singapore lúc này. - Susan: Một ví dụ khác là ở Ấn Độ, nơi một mặt có lực lượng công nghệ phát triển rất mạnh và tầng lớp được học hành bài bản, một bên là những người rất nghèo với các khu ổ chuột. Cách họ làm là xây những cộng đồng biệt lập với dịch vụ riêng, tác khỏi phần còn lại của xã hội. Những người nghèo Ấn Độ vẫn nghèo như thế. Dù Ấn Độ là nền dân chủ, nhưng cuối cùng nền dân chủ đó cũng không vượt được sức mạnh của đồng tiền và thị trường. - Norman: Khi ra quyết định thì quan trọng là nghĩ về quyền lợi số đông. Nếu không, nhóm thượng tầng sẽ không hiểu được mọi người đang thật sự suy nghĩ gì, họ tự cho là đang làm vì lợi ích của số đông dù sự thật không phải vậy. Tôi thấy rất nhiều sai lầm về quy hoạch của phương Tây đang bị lặp lại ở châu Á, ví dụ là vô số tòa tháp cao tầng, trong thành phố chỉ có thể lái xe từ chỗ này sang chỗ khác mà không có chỗ cho người đi bộ, đạp xe. Nhiều ý tưởng mà phương Tây đã từ bỏ ở nhiều nơi rồi thì châu Á vẫn lặp lại. Ở Phố Đông của Thượng Hải chẳng hạn, họ xây dựng trung tâm thương mại rất lớn bên kia bờ sông, thực tế là trông rất ghê với những tòa nhà khổng lồ bao quanh bởi đường cao tốc và bê tông. Khi hỏi họ vì sao xây vậy, họ nói: “Chúng tôi phải hiện đại”. Ở TP.HCM, trên phố có nhiều hoạt động - đó là điều rất tốt. Nhưng điều quan trọng là duy trì được nếp sống đó cùng lúc chấp nhận những đầu tư để kinh tế phát triển và cải thiện nó để không hủy hoại thành phố. Những đường phố (có nhiều hoạt động thế này) là những phố làm cho thành phố trở nên thú vị, khiến mọi người muốn sống ở đó. Vì vậy những dự án phá bỏ hết khu người nghèo rồi thay vào đó bằng những tòa nhà cao tầng là sai lầm lớn. Hãy nhìn coi đâu là thành phố mà người ta muốn sống? Những gì được coi là sành điệu ở phương Tây lúc này đã khác rồi. Giờ họ chuyển đổi các nhà kho, nhà máy bia cũ thành các cửa hàng, club. Nếu anh ở New York thì Brooklyn giờ là nơi sành điệu, rất nhiều nhà ở đó là nhà thấp, nhiều người bỏ rất nhiều tiền để “xấu hóa” các tòa nhà cổ này để sống. Đó là ý hay về sự khác biệt giữa sành điệu với hiện đại. Ở châu Âu, thực tế những khu sành điệu giờ đều là những khu nhà máy cũ. Ở Paris, Berlin, những khu lao động, đông dân số giờ đang có nguy cơ trở thành “sành điệu”. Điều này là nguy hiểm vì những người có tiền sẽ mua những ngôi nhà đó, rất nhanh sau đó những người vốn là cư dân lâu đời ở đó sẽ không có tiền để trả khi giá thuê tăng. Ông Norman Fainstein - Ảnh: Thuận Thắng Khi nói về xây dựng thành phố công bằng thì có lẽ sự tham gia của người dân là quan trọng. Ý kiến của người dân có quan trọng không khi phần lớn họ không biết sâu về quy hoạch? - Susan: Chuyện tham gia quy hoạch của số đông không phải lúc nào cũng tốt. Nhưng cần đưa các nhà quy hoạch đến gặp gỡ người dân và giải thích cho họ mọi thứ. Cuối cùng, quan trọng là quá trình thực hiện quy hoạch được làm thế nào, vai trò của các nhà quy hoạch ra sao, vai trò của chính quyền đến đâu. Những người điều hành có thể có kiến thức, có nhiều thông tin hơn, nhưng có khi họ có những lợi ích riêng trong các dự án. Ở khắp nơi đất đai luôn dính tới tham nhũng. Nếu không kiểm soát những người đang nắm quyền thì điều đó sẽ chỉ khuyến khích thêm các hoạt động tham nhũng. - Norman: Thường mọi người chỉ thấy thị trường như là động lực giải phóng, nhưng thật ra ta cần có những trở lực tác động ngược lại đến thị trường. Một số áp lực này phải là từ dưới lên, từ cộng đồng. Tôi không nghĩ đột nhiên trao quyền cho người dân sẽ là giải pháp, nhưng luôn cần có quá trình chuyển giao nhất định cho việc đó. "Phải tìm cách gắn kết được khu đô thị mới với khu đô thị cũ để có thể giữ được khu trung tâm nhộn nhịp, có sức sống. Nhưng khi xây khu đô thị ở ngoại ô thì cần xây hệ thống giao thông kết nối trước, chứ không phải xây đô thị rồi mới xây hệ thống giao thông. Chúng ta vẫn chưa thấy hệ thống giao thông lớn ở đây. Theo quan điểm thị trường, thường là sẽ xuất hiện những “đảo đô thị” theo kiểu một nhà đầu tư nói tôi xin miếng đất này rồi phát triển nhà cửa ở đó. Đó là kiểu phát triển rất dễ dẫn đến hỗn loạn, sẽ có những tòa nhà mà chẳng có dân nào ở đó". Bà Susan Fainstein Ở VN, đôi khi vì thiếu nguồn lực nhưng có quá nhiều tiêu chí đặt ra nên nhiều khi các quy hoạch thường rất chắp vá... - Norman: Tôi nghĩ các bạn có thể có thêm những nguyên tắc như phát triển hạ tầng phải gắn với giao thông. Hãy thử nghĩ sau giai đoạn dùng xe máy sẽ là gì? Chúng ta sẽ đưa họ dùng lại xe đạp, đi bộ hay dùng tàu điện ngầm? Bước tiến tiếp theo trên toàn thế giới thường là ôtô và các hãng xe luôn quảng cáo để ta nghĩ là vậy. Có thể ta coi xe máy là đặc trưng ở đây vì nếu tất cả biến thành ôtô thì ta đi lại kiểu gì trong phố? Khi tôi ở Ý hồi những năm 20 tuổi, văn hóa của họ khi đó là xe máy. Sau đó là chuyển lên xe hơi, nhưng giờ họ lại đang chuyển dần về xe máy vì đi xe hơi họ chẳng thể đi đâu được cả. Đó là ví dụ nữa của chuyện phương Tây đặt ra hình mẫu rồi đến khi các nơi khác bắt chước theo thì chính ở phương Tây đã bỏ hình mẫu. Thực tế ở Mỹ hiện giờ số lượng xe hơi đã giảm so với trước, ngày càng có nhiều người theo quan điểm sống ở gần chỗ làm và đi bộ tới đó. Rất khó chỉ ra rõ đâu mới là tiến bộ. Nhưng công bằng không đối đầu với cạnh tranh. Cuối cùng cái gì được coi là tiến bộ trong quy hoạch đô thị, trong cuộc sống xã hội? Đó là khi người dân sống cuộc sống lành mạnh hơn, tài chính tốt hơn. Cái mà công bằng chống lại là chuyện nhóm 1% lấy hết mọi lợi ích của đô thị. Cảm ơn ông bà. (*): Từng dạy tại trường thiết kế của ĐH Harvard và trường kiến trúc ĐH Columbia. Tags: Quy hoạchĐô thịThiên lệchUrban bias
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
CĐV Singapore xếp hàng xuyên đêm mua vé trận bán kết gặp Việt Nam HƯNG THỊNH 23/12/2024 Cổ động viên Singapore xếp hàng xuyên đêm bên ngoài sân Jalan Besar chờ mua vé trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024 với tuyển Việt Nam ngày 26-12.