25/02/2014 11:03 GMT+7

Châu Á đang khát… phi công

HẢI MINH (Theo CNN)
HẢI MINH (Theo CNN)

TTO - Đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng 35%. Các hãng hàng không sẽ tăng gấp ba lần số máy bay. Gần 13.000 máy bay mới sẽ được bổ sung.

Những con số dự báo nói trên cho thấy sự tăng trưởng của thị trường hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hai thập kỷ tới là hết sức ấn tượng.

I3m7Lf39.jpgPhóng to
Triển lãm hàng không Singapore 2014 - Ảnh: wordpress.com

Nhưng vấn đề đặt ra là liệu có đủ phi công để lái những chiếc máy bay đó và có đủ kỹ sư để bảo trì chúng? “Các hãng hàng không nói không sai, chúng ta cứ mua thật nhiều máy bay và dồn tiền vào đó - Hãng tin CNN dẫn lời Bony Sharma, phó chủ tịch Tập đoàn hàng không Mil-Com, một công ty huấn luyện hàng không đặt trụ sở tại Singapore - Nhưng chi phí đào tạo phi công, kỹ sư, người quản lý vận hành bay đâu? Đó là thách thức lớn nhất mà chúng ta đang đối mặt”.

100 trường dạy bay “vẫn không đủ”

Mil-Com hiện đang huấn luyện cho hàng loạt hãng hàng không ở châu Á, bao gồm Hãng VietJet Air của Việt Nam. Đầu tháng 2, hãng hàng không giá rẻ này đã ký hợp đồng 6,4 tỉ USD với Airbus để mua 63 máy bay A320 mới, thuê bảy chiếc và quyền chọn mua thêm 30 chiếc.

Tuy nhiên, giống như nhiều hãng hàng không giá rẻ ở châu Á-Thái Bình Dương, VietJet Air gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự cho mục tiêu mở rộng đầy tham vọng, nhất là với các phi công, theo lời Sharma.

“Tất cả các hãng hàng không ở Việt Nam đều rất phụ thuộc vào phi công nước ngoài - Sharma nói - Họ cạnh tranh giành giật phi công giống như ở Trung Đông. Sự tăng trưởng của hàng không ở Singapore, sự tăng trưởng của AirAsia, với cùng nhóm phi công đó, thách thức cho Việt Nam là rất lớn”.

Mil-Com đã hợp tác với VietJet Air từ khi hãng này thành lập năm 2011, huấn luyện kỹ sư, kỹ thuật viên và phi hành đoàn. Tại triển lãm hàng không ở Singapore vào tháng 2, Mil-Com và Hãng đào tạo Eagle Flight Training của New Zealand đã ký một ghi nhớ với Công ty Dịch vụ kỹ thuật hàng không Việt Nam (AESC) mở trường ở đây, tập trung vào đào tạo phi công. “Ngay cả nếu chúng ta lập nên 100 trường dạy bay vào ngày mai vẫn là không đủ - Sharma nói - Sự thiếu hụt này là rất lớn”.

YcrtJGoV.jpg
Một mô hình giả lập của DiSTI - Ảnh: disti.com

Toàn cầu cần nửa triệu phi công

Báo cáo của Boeing nói sự bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đồng nghĩa với việc thế giới cần thêm 192.300 phi công cho tới năm 2032, bao gồm 77.400 (40%) cho riêng Trung Quốc.

Được công bố tháng 8-2013, báo cáo Tầm nhìn thị trường kỹ thuật và phi công giai đoạn 2013-2032 của Hãng Boeing ước tính cần khoảng nửa triệu phi công lái máy bay thương mại để vận hành tất cả các máy bay mới sẽ xuất hiện trên thế giới trong 20 năm nữa.

Vấn đề đặc biệt trầm trọng ở châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo của Boeing nói sự bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đồng nghĩa với việc thế giới cần thêm 192.300 phi công cho tới năm 2032, bao gồm 77.400 (40%) cho riêng Trung Quốc.

Đó là vấn đề mà cả ngành hàng không đang nỗ lực giải quyết. “Chúng tôi hợp tác với các chính phủ, các cơ quan đào tạo, các hãng hàng không và tập trung vào các giáo trình đào tạo phi công - Randy Tinseth, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị máy bay thương mại của Boeing, nói - Chúng tôi đang cố gắng đi trước một bước”. Cùng với các hãng hàng không đối tác, Boeing đang vận hành các trường đào tạo phi công ở Singapore, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhân viên mặt đất cũng thiếu

Ông Sharma cảnh báo vấn đề thiếu hụt nhân sự còn lớn hơn thế. “Ai cũng nói về nghề phi công hấp dẫn - ông nói -Nhưng không ai nói về nghề thợ máy vất vả ở trong nhà ga máy bay làm việc ngày đêm, đổ mồ hôi và đầy khói bụi. Đó mới là thách thức số một, vì rất nhiều chú bé sẽ nói: tôi muốn làm IT, muốn ở trong văn phòng có điều hòa, chứ không phải đứng dưới một chiếc máy bay. Nên đó sẽ là thách thức lớn để thu hút được những tài năng thích hợp”.

Đối thủ chính của Boeing, Airbus, có một trường đào tạo ở Bắc Kinh và tuần trước đã công bố thành lập công ty liên doanh với Hãng Singapore Airlines để lập một cơ sở đào tạo phi công khép kín trị giá 64 triệu USD ở Singapore.

Mil-Com cũng làm ăn ở Trung Quốc, với hai trung tâm liên doanh tại Tây An ở tây bắc và Thiên Tân, phía đông nam Bắc Kinh. Sharma nói phi công ở Trung Quốc nhận lương cao hơn 25% so với bất kỳ khu vực nào khác trong vùng, và ngay cả như thế, các hãng hàng không ở đây vẫn không dễ giữ được họ quá vài năm.

Nhưng ông cảnh báo vấn đề thiếu hụt nhân sự còn lớn hơn thế. “Ai cũng nói về nghề phi công hấp dẫn - ông nói - Nhưng không ai nói về nghề thợ máy vất vả ở trong nhà ga máy bay làm việc ngày đêm, đổ mồ hôi và đầy khói bụi. Đó mới là thách thức số một, vì rất nhiều chú bé sẽ nói: tôi muốn làm IT, muốn ở trong văn phòng có điều hòa, chứ không phải đứng dưới một chiếc máy bay. Nên đó sẽ là thách thức lớn để thu hút được những tài năng thích hợp”.

Theo báo cáo của Boeing, châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần 215.300 thợ bảo trì máy bay mới từ giờ tới năm 2032. Con số đó tương ứng với 43% nhu cầu dự kiến về thợ kỹ thuật trên toàn thế giới.

David Stewart hiện là nhà phân tích ngành hàng không cho ICF International, một cơ quan tư vấn cho chính phủ và thương mại có trụ sở tại Washington D.C. “Bạn có thể cho ra lò một phi công mới sau 18 tháng - ông nói - Từ số không để ngồi điều khiển được cần 18 tháng. Một số người có thể lo lắng khi nghe thấy điều đó, nhưng đó là sự thật… Nhưng các thợ máy cần năm năm đào tạo trước khi có quyền chứng nhận một chiếc máy bay có thể cất cánh”.

VIhwGUtv.jpg
Các hãng hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương đứng trước thách thức lớn về nhu cầu tuyển mộ phi công trong tương lai - Ảnh: ainonline.com

Rồi cũng sẽ xong?

Stewart nói việc thiếu hụt phi công đã được thảo luận trong nhiều năm, cũng như tình trạng thiếu thợ máy ở Mỹ, nhưng bằng cách nào đó, vấn đề sẽ được thu xếp. Randy Tinseth của Hãng Boeing đồng ý. “Thị trường sẽ tăng gấp đôi trong 15-20 năm nữa, nhưng nên nhớ rằng nó đã gấp đôi trong 15-20 năm qua và chúng ta đã vượt qua”, ông nói.

Ít được chú ý trong hàng nghìn gian hàng triển lãm ở hội chợ hàng không Singapore tuần trước là một công ty nhỏ có trụ sở tại Florida tên là DiSTI, với lời chào mời các phần mềm giúp ngành công nghiệp hàng không tiến trước một bước. DiSTI thực hiện các khóa hướng dẫn bảo trì ảo cho máy bay quân sự, bao gồm các phản lực chiến đấu F-35 và F-16. Trong phần giới thiệu của họ ở gian hàng, nhìn không khác một trò chơi điện tử, một kỹ thuật viên đang thực hiện công tác bảo trì với một mô hình máy bay 3D.

Chủ tịch DiSTI Joseph Swinski nói công ty của ông muốn cung cấp cho người học những khóa huấn luyện như thật ở quy mô lớn. “Chiếc máy bay sẽ được điều chỉnh giống như trong thế giới thực”, ông nói. Giám đốc bán hàng của DiSTI Christopher Giordano nói nhờ phần mềm này, công tác huấn luyện sẽ rẻ hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

“Công tác huấn luyện bảo trì hiện giờ chủ yếu được thực hiện với máy bay thật và phần cứng - Giordano nói - Phần cứng rất đắt đỏ. Nên nếu chuyển qua thế giới ảo và làm hỏng bộ phần nào đó, bạn luôn có thể ấn nút “reset” và tiếp tục công tác huấn luyện”.

HẢI MINH (Theo CNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên