29/07/2017 15:40 GMT+7

Châu Á chìm trong nước

MY HÀ
MY HÀ

TTO - Ngập lụt đang là vấn nạn hàng đầu ở châu Á, đe dọa cuộc sống của hàng triệu con người.

Đường biến thành sông (ảnh chụp ở huyện Tây Midnapore, bang Tây Bengal, Ấn Độ) ngày 27-7 - Ảnh: Reuters
Đường biến thành sông (ảnh chụp ở huyện Tây Midnapore, bang Tây Bengal, Ấn Độ) ngày 27-7 - Ảnh: Reuters

Tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, các nước châu Á phải đối mặt với những trận lũ gây ra các thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mùa lũ năm nay trở nên chết người hơn nhờ có sự “đóng góp” của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Trầm trọng hơn vì biến đổi khí hậu

Tính đến ngày 27-7, Ấn Độ đã có hơn 120 người chết vì ngập, 25.000 người rời bỏ nhà cửa.

Myanmar hơn 100.000 người bị buộc phải di tản. Ở Thái Lan, hơn 43 tỉnh đang chuẩn bị đối mặt với mưa bão lớn và nguy cơ ngập lụt cao.

Vào tháng 7-2017, hàng triệu người bàng hoàng khi lũ dâng ở miền trung Trung Quốc khiến 90 người tử vong hoặc mất tích.

Tỉnh Giang Tây đã chịu thiệt hại về vật chất lên đến 430 triệu USD, trong khi đó tỉnh Hồ Nam, cạnh Giang Tây, đến nay có 53.000 ngôi nhà đã bị lũ phá hoại.

Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh là ba nước có số người tử vong do lũ cao nhất châu Á với hơn 2,2 triệu người chết vì ngập từ năm 1950 đến nay.

Mỗi năm, tại ba nước này có khoảng 1.000 người thiệt mạng vì lũ lụt, góp phần đưa châu Á trở thành một trong những châu lục có tỉ lệ tử vong vì thiên tai cao nhất thế giới, theo CNN.

Các chuyên gia khẳng định do biến đổi khí hậu, các cơn mưa sẽ trút nhiều nước hơn dù số ngày mưa trong năm không thay đổi.

Như vậy, lượng mưa trong một ngày, một giờ sẽ tăng lên gây ra lũ lụt do lượng nước quá lớn thoát không kịp.

“Trong 30 năm tới, dự đoán những cơn mưa lớn sẽ tăng lên đến 20% ở châu Á, đó là điều chắc chắn” - nhà nghiên cứu khí hậu Dewi Kirono tại Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp của khối thịnh vượng chung - CSIRO chia sẻ với CNN.

Thay đổi không đủ nhanh

Tất cả chuyên gia trong ngành đều nhất trí rằng mỗi địa phương châu Á cần thay đổi nếu muốn phòng tránh lũ.

Theo ông Abhas Jha - trưởng phòng quản trị rủi ro về giao thông, thành thị và thiên tai cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới, việc đầu tư vào hệ thống dự báo là một trong những việc cần thiết để phòng tránh bão lũ, và hạn chế những tác hại của nó.

“1 đôla đầu tư vào hệ thống dự báo sẽ tiết kiệm được 4-8 đôla thiệt hại sau này” - ông Jha chia sẻ.

Chính phủ các nước đã có nhiều nỗ lực giảm thiểu sức tàn phá của lũ. Cụ thể, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD cho dự án “thành phố bọt biển” để thoát nước hiệu quả hơn.

Trong khi đó, tại Thái Lan, Việt Nam, Myanmar..., chính phủ trực tiếp hỗ trợ người dân, gia đình gặp nạn bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ nông dân mua giống, hay hỗ trợ lương thực thực phẩm.

Mặc dù vậy, sự thay đổi này vẫn không đủ nhanh. Jessica Lamond - giáo sư quản trị rủi ro lũ lụt, ĐH West of England, Anh - cho rằng “việc đối phó với lũ ở các vùng thành thị là không hiệu quả”.

Thay vào đó, các nước nên đối phó với nước ở các vùng cao hơn, hay nguồn gốc của bão lũ để làm chậm lại quá trình chảy về các vùng thành thị.

“Nếu các bạn không có các bước chuẩn bị thì về cơ bản các bạn đang đưa bản thân vào một tương lai nơi mà các bạn liên tục đối phó với các thiên tai, và những thiên tai ngày càng tệ hơn” - ông Paul Sayer, cố vấn của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), chia sẻ.

“Thành phố bọt biển”

Đây là dự án đô thị mới được Trung Quốc thử nghiệm từ tháng 4-2017 ở 16 thành phố và tỉnh thành, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nước ngọt và ngập lụt.

Trong dự án này, mặt đất ximăng không thấm nước sẽ được thay thế bằng nguyên liệu khác nhằm thấm toàn bộ nước xuống lòng đất.

Các sông và suối sẽ được nối lại với nhau để thoát nước dễ dàng cho vùng ngập. Như vậy, các hệ thống thoát nước sẽ vẫn giữ nước mưa lại để tái sử dụng. Mục tiêu chính phủ đặt ra là tái sử dụng đến 70% lượng nước mưa.

MY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên