Báo New York Times hôm 26-3 nhận định nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển sang tăng cường "quyền lực cứng", đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất ở châu Á kể từ Thế chiến 2.
Đua vũ trang
Ngày 27-3, Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông nước này trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tập trận quân sự quy mô lớn.
Cách đó hai tuần, Triều Tiên lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm. Cùng thời điểm này, Úc công bố kế hoạch trị giá 200 tỉ USD để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh theo thỏa thuận AUKUS, giúp Úc trở thành nước thứ bảy trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Còn Nhật Bản - sau nhiều thập niên theo chủ nghĩa hòa bình - sẽ đạt được khả năng tấn công chưa từng có kể từ những năm 1940, với kế hoạch mua hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ. Trong khi đó Malaysia mua máy bay chiến đấu của Hàn Quốc.
Đảo Đài Loan cũng tăng cường mua vũ khí từ Mỹ và đưa vào biên chế siêu tàu đổ bộ tự đóng, trong khi Philippines lên kế hoạch mở rộng các đường băng và hải cảng để đủ năng lực tiếp đón sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ trong nhiều thập niên.
Các hoạt động quân sự của Trung Quốc, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, cuộc xung đột Nga - Ukraine, những hoài nghi về cam kết của Mỹ... đang khiến các nước trong khu vực tăng ngân sách quốc phòng, huấn luyện chung, mua sắm và chế tạo vũ khí nhiều hơn.
Hết điểm nóng này đến điểm nóng khác, trong năm qua quân đội Trung Quốc đã có những hoạt động quân sự khiến các nước lo ngại: triển khai số máy bay quân sự nhiều kỷ lục gần Đài Loan; Tokyo nói tên lửa Trung Quốc phóng trong cuộc tập trận gần Đài Loan rơi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản vào tháng 8-2022; Philippines tố hải cảnh Trung Quốc chiếu "tia laser cấp độ quân sự" vào tàu tuần tra Philippines; tiêm kích J-11 của Trung Quốc bay gần máy bay tuần tra P-8 Poseidon của Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 2...
Nhiều quốc gia hy vọng quân đội của họ mạnh hơn sẽ khiến Bắc Kinh không dám vượt quá giới hạn trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu "phục hưng dân tộc Trung Hoa".
Tuy nhiên, việc củng cố năng lực quân sự của những nước này cũng phản ánh niềm tin vào Mỹ ngày càng giảm, khi một số người nghi ngờ về khả năng Mỹ nhảy vào ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc.
Lo ngại mất kiểm soát
Đài CNN bình luận cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Đây là cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn khi có tới ba cường quốc hạt nhân lớn, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và đang liên tục thử nghiệm, ba nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng các liên minh hàng chục năm tuổi.
Ở một góc của bức tranh chạy đua vũ trang này là Mỹ và các đồng minh Nhật - Hàn. Ở một góc khác có Trung Quốc và đối tác Nga.
Và ở một góc thứ ba là Triều Tiên. Nhưng ông Ankit Panda, chuyên gia chính sách hạt nhân tại Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế, chỉ ra hiện nay không có biện pháp kiềm chế và kiểm soát vũ khí nào tại Đông Á.
Năm 2000, chi tiêu quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương chiếm 17,5% chi tiêu quân sự toàn cầu, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI). Vào năm 2021, khu vực này chiếm 27,7% (không bao gồm Triều Tiên) và kể từ đó, chi tiêu quân sự tiếp tục tăng lên.
Và Trung Quốc chiếm đáng kể trong sự gia tăng đó. Theo SIPRI, Trung Quốc hiện chi khoảng 300 tỉ USD mỗi năm cho quân đội, tăng đáng kể so với mức 22 tỉ USD năm 2000 và chỉ đứng sau ngân sách quốc phòng của Mỹ (800 tỉ USD).
Theo Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc sở hữu hạm đội với 360 tàu chiến vào năm 2020, vượt mặt so với con số 297 tàu chiến của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vào năm 2021, Trung Quốc đã bắn 135 tên lửa đạn đạo để thử nghiệm, nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới (bên ngoài các vùng chiến) cộng lại.
Tạp chí Nikkei Asia đặt câu hỏi: "Liệu chiến tranh có nằm ở đường chân trời?". Chưa rõ sẽ có chiến tranh hay không tiếp theo cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng có một điều chắc chắn là hiện nay súng ống đang "lấp ló" tại nhiều nơi ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ
Hiện kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn so với Mỹ và Nga, nhưng khoảng cách đang bắt đầu thu hẹp. Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có hơn 400 đầu đạn hạt nhân và dự kiến con số sẽ tăng lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Mặc dù nhiều vũ khí của Trung Quốc không tiên tiến bằng Mỹ, nhưng điều đó đang bắt đầu thay đổi với máy bay chiến đấu và tên lửa.
Nhận định trước Quốc hội Mỹ trong tháng này, một nhà khoa học hàng đầu tại Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ nói Trung Quốc dường như đang sở hữu kho vũ khí siêu thanh hàng đầu thế giới, có thể bay với tốc độ gấp nhiều lần âm thanh và khó bị đánh chặn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận