TTCT - Bộ phim 12th Fail (Thất bại lần thứ 12) gần đây của Bollywood có thông điệp rất rõ kể về cậu bé nông dân Manoj quyết tâm vượt qua kỳ thi cảnh sát đầy khó khăn ở Ấn Độ: quyết tâm và nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Kota là một trung tâm học thêm lớn của Ấn Độ, giúp học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi cạnh tranh. Ảnh: Mint/Hindustan Times/Getty ImagesTrong bộ phim về giáo dục và chế độ trọng dụng người tài này, hệ thống giáo dục Ấn Độ hiện ra thật thảm họa: gian lận thi cử được giáo viên tiếp tay diễn ra đầy rẫy ở trường của Manoj. Cậu bé quyết tâm tìm thành công, không phải ở trường, mà ở một lò luyện thi đông nghẹt tại Delhi.Dạy thêm từ lâu được coi là "đặc sản" của Đông Á. Hầu hết học sinh Đông Á đều đi học thêm: 72% ở Hong Kong, 79% ở các trung tâm dạy thêm hagwon (học viện) ở Hàn Quốc, 52% ở cấp II và các trung tâm dạy thêm juku (học tập thục) ở Nhật.Ở Trung Quốc, khoảng 38% học sinh (ở thành phố tỉ lệ là 45%) đi học thêm trước khi hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận bị siết chặt và cấm đoán từ năm 2021 - rất nhiều trung tâm sau đó đi vào hoạt động ngầm, với ngành kinh tế "dạy thêm" ước tính giá trị khoảng 100 tỉ USD. Các trung tâm này, bất chấp nhiều vấn đề, vẫn tồn tại bên cạnh hệ thống giáo dục rất hiệu quả và được đầu tư tốt của nhà nước.258 triệu học sinh học thêmNhưng giờ dạy thêm lại đang phát triển rất nhanh ở các vùng nghèo hơn của châu Á, với quy mô "khủng". Theo The Economist, dù số liệu rải rác và không đầy đủ, số học sinh học thêm ở Đông Nam Á và Nam Á (không tính Singapore, với hệ thống giáo dục nhiều áp lực giống các nước Đông Á), có khoảng 258 triệu học sinh đi học thêm.Thị trường lớn nhất là Ấn Độ. Khoảng 31% học sinh nông thôn dưới 15 tuổi ở nước này học thêm (so với 23% hồi 2010); ở một số bang nghèo hơn, tỉ lệ có thể lên tới 3/4. Nguồn thu thuế từ các trung tâm dạy thêm Ấn Độ tăng gấp đôi từ 2019. Kể cả bỏ Ấn Độ ra khỏi thống kê thì khu vực này vẫn có số lượng học sinh học thêm khoảng 131 triệu.Nguyên nhân đầu tiên cho đà tăng này là lỗ hổng của hệ thống giáo dục chính thức. Ở các vùng nghèo châu Á, trường công thường không tốt.Thế kỷ 21, giáo dục phổ thông hầu như đã phổ cập, tỉ lệ học sinh học cấp II đã tăng 24% ở Nam Á và 16% ở phần còn lại của châu Á, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Nhưng cùng giai đoạn này, chi tiêu cho giáo dục của chính phủ so với GDP hầu như đứng yên hoặc giảm.Với nhiều vùng, điều này dẫn tới giảm lương giáo viên hay hỗ trợ sách giáo khoa. Ở Campuchia, nước nghèo bậc nhất châu Á, ước tính khoảng 82% học sinh học thêm, phần lớn là học chính các thầy cô có thu nhập rất thấp của mình - như là nguồn thu phụ thêm cho họ. Các trường công dần không đủ năng lực để đạt kết quả tốt, các trường kém nhất thì dừng hoạt động. Nhưng nhiều hệ thống châu Á lựa chọn học sinh qua các kỳ thi khắc nghiệt, nên phụ huynh tìm đến học thêm.Lý do thứ hai là cạnh tranh khốc liệt về mặt xã hội, cùng với sự mở rộng tầng lớp trung lưu và nhu cầu lớn kiếm chỗ học đại học. Đô thị hóa cũng đóng vai trò: trẻ con thành phố dễ kiếm lớp học thêm hơn là ở quê nhờ nhiều nguồn cung và khả năng tiếp cận Internet. Ở Ấn Độ, các thành phố đã có thêm 200 triệu dân trong 20 năm qua, nhiều phụ huynh thành thị tin rằng học thêm giúp con mình dễ kiếm việc hơn. Ở Delhi, Mohammad Shahzad, quản đốc một hãng sản xuất máy phát, trả 2.800 rupee (33 USD) mỗi tháng để hai cô con gái học thêm - khoản chi tương đương 30% học phí chính thức. Giáo viên của con ông giỏi, và Shahzad cảm thấy dạy thêm, dù đắt, vẫn hiệu quả. "Giống như ăn một bữa mỗi ngày vẫn sống, nhưng ăn hai hay ba bữa thì mới khỏe hơn", ông nói.Trong một trung tâm luyện thi Hagwon ở Hàn Quốc. Ảnh: pbs.orgDựa trên nỗi sợYếu tố cuối cùng là tâm lý chạy đua. Dạy thêm là ngành dựa trên sự sợ hãi: nếu con hàng xóm đi học thêm mà con bạn không đi, chúng có thể tụt lại. Điều này đúng với cả học thêm do áp lực học hành thi cử lẫn do tâm lý lo sợ con cái tụt hậu. Việc có học thêm online từ thời Covid càng khiến cuộc đua thêm khốc liệt.Rất nhiều gia đình ở châu Á dành số tiền lớn cho học thêm. "Cực đoan nhất là ở Hàn Quốc", theo lời giáo sư về so sánh giáo dục của Đại học Hong Kong, Mark Bray, trong phỏng vấn với The New York Times. "Các gia đình ở đây chi khoảng 80% số tiền chính phủ dành cho giáo dục".Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng chỉ ra những ngôi sao dạy thêm như Woo Hyeong-cheol ở Hàn Quốc kiếm được khoảng 4 triệu USD/năm nhờ dạy toán qua mạng; hay "nữ hoàng tiếng Anh" Rose Lee có thu nhập khoảng 7 triệu USD/năm nhờ các lớp online.Ông Bray cho rằng cạnh tranh trên thị trường lao động thúc đẩy cuộc đua học thêm. "Một nguyên nhân lớn là toàn cầu hóa, các gia đình giờ không chỉ cạnh tranh với hàng xóm, họ cạnh tranh với khu vực và trên toàn cầu", ông nói.Nhưng các nghiên cứu đo hiệu quả của dạy thêm cho thấy kết quả không đồng đều, theo Bray. Điều này một phần bởi sự đa dạng vô cùng của mô hình dạy thêm.Nghiên cứu ở vùng nông thôn Ấn Độ cho thấy học sinh học thêm có điểm đọc và toán cao hơn trẻ không đi học, thậm chí tương đương với học trước một năm. Nhưng nghiên cứu khác ở Sri Lanka và Trung Quốc thì thấy hầu như có ít hay không ảnh hưởng.Chi phí học thêm có thể rất lớn. Các nghiên cứu cho thấy một số trẻ học thêm ngủ kém đi. Áp lực đè nặng lên thu nhập của cha mẹ. Umesh Sharma, lái xe ở Delhi, trung bình chi 1.200 rupee mỗi tháng - bằng với số tiền học chính thức - cho hai con học thêm, tương đương 4% thu nhập hằng tháng ở thành phố này. Ở các vùng khác của Ấn Độ, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều: ở Tây Bengal, gần một nửa chi phí giáo dục, cả công và tư, là cho học thêm.Lo lắng nữa là ở một số nơi, dạy thêm đang xói mòn hệ thống giáo dục công. Ở Nepal và Campuchia, có tình trạng giáo viên giữ lại một phần chương trình dạy chính khóa để dạy ở lớp học thêm. Động cơ rất rõ: giáo viên có thể tăng gấp đôi thu nhập nhờ dạy thêm. Chính quyền Trung Quốc đã cấm các hoạt động dạy thêm tư nhân. Ảnh: ReutersỞ Bihar, bang nghèo nhất của Ấn Độ, một thăm dò gần đây cho thấy hàng chục trường công đã gần như chuyển hết phần việc của mình cho các trung tâm dạy thêm tư nhân. Các trường công dần chỉ có vai trò "cung cấp bữa ăn giữa ngày và sắp xếp các bài thi".Làm gì để giải quyết các vấn đề này? Hàn Quốc đã mất bốn thập kỷ tìm cách chặn nạn học thêm, nhưng hành động can thiệp của chính quyền bị tòa án kết luận là vi hiến hồi năm 2000. Các biện pháp cứng rắn tương tự, như ở Trung Quốc, chỉ biến việc học thêm thành hoạt động ngầm. Một số chính phủ khác nới lỏng hơn: Bộ Giáo dục Thái Lan nói "chính phủ cần tư duy rằng dạy thêm không làm giảm phúc lợi xã hội". Một số nước khác thì vẫn đang loay hoay. Đối phó với một loạt vụ tự tử gần đây, Bộ Giáo dục Ấn Độ năm nay giới thiệu quy định cấm các trung tâm dạy thêm lớn tiếp nhận học sinh dưới 16 tuổi. ■ Vấn đề chính sách với người này lại là cơ hội làm ăn với người khác. Tập đoàn dạy thêm Gakken của Nhật vừa công bố nhắm tới sẽ phục vụ khoảng 400.000 học sinh ở các thị trường quốc tế vào cuối thập kỷ này, với tâm điểm là Đông Nam Á. Hồi tháng 9, Gakken đã mở các trung tâm học thêm mới ở Singapore, còn tháng 10 này sẽ là Campuchia, Brunei và một số địa điểm khác.Ở Malaysia, tập đoàn này đã tăng vốn thêm khoảng 250 triệu yen (1,73 triệu USD) và sẽ xây dựng thêm nhiều liên kết mới tại Đông Nam Á. Tài liệu của Gakken ở các nước chủ yếu là dịch từ tài liệu tiếng Nhật, đặc biệt là môn toán và sẽ được dạy bởi giáo viên bản địa. Tính tới tháng 8, Gakken có khoảng 100 lớp ở thị trường quốc tế, bao gồm Malaysia, Việt Nam và Myanmar với khoảng 3.500 học sinh, chủ yếu là các gia đình giàu có. Học phí tháng trung bình tại Malaysia là khoảng 7.000 yen (47 đô la), còn tại Singapore lên tới 20.000 yen (134 đô la). Tags: Học thêmHệ thống giáo dụcẤn ĐỘGiáo viênTrung tâm dạy thêm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...