09/10/2014 00:10 GMT+7

Chất xơ trong bữa ăn của bé bao nhiêu là đủ?

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

Cần biết - Chất xơ tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng lại không thể thiếu trong khẩu phần ăn của bé.

Chất xơ ngoài việc giúp bé chống táo bón, nó còn có tác dụng như một cây chổi quét các chất độc hại ra khỏi cơ thể, giúp bé tiêu hóa thức ăn tốt hơn và ngăn ngừa một số bệnh tật như tim mạch, béo phì… Một số bà mẹ bổ sung chất xơ bằng cách thường xuyên cho bé uống nước cam, lấy nước luộc rau để nấu bột cho bé… Điều đó có đúng không?

Chất xơ có hai loại: loại không tan trong nước có nhiều trong rau xanh, trái cây, măng… và loại tan trong nước có nhiều trong các loại đậu, khoai, bắp, sữa động vật…

Theo khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng, nhu cầu chất xơ tối thiểu cần cho người Việt Nam trưởng thành là 18-20g/ngày, và để cung cấp đủ nhu cầu, mỗi người nên ăn khoảng 300g rau/ngày và ăn quả theo khả năng.

Đối với trẻ em, nhu cầu chất xơ có thể tính theo công thức “Tuổi + 5”, ví dụ: bé 5 tuổi cần “5+5”= 10g chất xơ/ngày.

KsvZD4vH.jpg

Một số lưu ý khi bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn của bé:

1. Trong 1 lít sữa mẹ có khoảng 8-13g chất xơ, vì vậy trong 6 tháng đầu đời mẹ có thể yên tâm nuôi bé bằng sữa mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ không những cung cấp đủ các chất dinh dưỡng mà còn giàu chất xơ, giúp bé phát triển khỏe mạnh mà không cần bổ sung thêm bất kỳ loại thực phẩm nào.

2. Trong 100g rau các loại có khoảng 1-3g chất xơ. Một số loại rau giàu chất xơ như nấm (3g/100g), rau mồng tơi, rau ngót (2.5g/100g), giá (2g/100g), cải thìa (1.8g/100g), rau đay, rau dền (1.5g/100g).

3. Mẹ nên cho bé ăn rau ngay khi bé bắt đầu tập ăn dặm và phải cho bé ăn cả xác rau vì chất xơ có trong rau là loại không tan trong nước, nếu chỉ cho bé ăn nước rau thì hoàn toàn không có chất xơ. Tập cho bé ăn các loại rau mềm trước để bé dễ thích nghi như rau mồng tơi, rau muống, rồi đến các loại rau cứng hơn như rau ngót, rau cải. Cách bổ sung chất xơ cho bé trong thời kỳ ăn dặm cần chú ý.

- Các bé từ 6-24 tháng, trong một chén bột hoặc cháo của bé luôn phải có một muỗng canh rau bằm nhuyễn.

- Các bé từ 2 tuổi trở đi, bắt đầu chuyển sang chế độ ăn cứng, mẹ phải nhớ cho rau vào khẩu phần ăn của bé, mỗi bữa cho bé ăn một chén rau, nấu canh hoặc  xào, cho bé ăn các loại rau tùy theo ý thích của mỗi bé.

4. Trong 100g trái cây các loại có khoảng 0.5 - 6g chất xơ, một số loại quả giàu chất xơ như ổi (6g/100g), xoài (2.7g/100g), nho (2.4g/100g), hồng xiêm (2.5g/100g), cam (1.4g/100g), bưởi (0.7g/100g), bơ (0.5g/100g)…

- Cũng như rau, mẹ cần cho bé ăn cả xác trái cây. Việc vắt hoặc ép nước trái cây như nước cam, nước bưởi, nước ổi… chỉ để làm nước uống giải khát chứ không có tác dụng nhuận trường hay giải độc của chất xơ.

- Tùy theo lứa tuổi của bé mà mẹ lựa chọn loại trái cây mềm hay cứng cho thích hợp. Cho bé ăn theo khả năng ăn của bé và nên chọn loại quả mà bé thích.

5. Chất xơ còn có nhiều trong các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu nành (3-6g chất xơ/100g), các loại khoai như khoai lang, khoai tây (0.5-1g)… Tuy nhiên, các loại thực phẩm này ngoài chất xơ còn cung cấp cho cơ thể một lượng đáng kể chất đạm và chất bột đường nên khi sử dụng cần cân đối hợp lý với các thực phẩm cùng nhóm như gạo, thịt. Cụ thể như cho bé ăn đậu xanh thay vì ăn thịt, ăn khoai thay vì ăn cơm…

Tuy nhu cầu không cao nhưng nếu thiếu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy việc bổ sung chất xơ đúng cách vào khẩu phần ăn cho bé là rất quan trọng.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên