20/07/2011 05:15 GMT+7

Chất vấn nhiều vấn đề bức xúc

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Ngày 19-7, kỳ họp thứ 2 HĐND TP Cần Thơ đã kết thúc với phiên chất vấn, trả lời chất vấn và thông qua một số tờ trình của UBND TP Cần Thơ. Các đại biểu đã đặt nhiều vấn đề cử tri đang bức xúc và truy trách nhiệm các sở ngành TP Cần Thơ.

Các vấn đề liên quan sát sườn với đời sống người dân từ ô nhiễm môi trường do chậm trễ trong việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân đến tiêu cực trong vấn đề cho thuê đất công tại cồn Cái Khế (Q.Ninh Kiều)... đã được đối chất thẳng thắn tại phiên họp.

“Tôi thấy chưa thông...”

“Không có dự án nào chỉ điều chỉnh thiết kế mà từ một trăm mấy chục tỉ đồng lên hai trăm mấy chục tỉ đồng. Là chủ tọa kỳ họp, tôi thật sự thấy chưa thông” - ông Nguyễn Hữu Lợi, phó bí thư thường trực Thành ủy - chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, băn khoăn về phần trả lời chất vấn của ông Trần Việt Phường, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Cần Thơ, liên quan câu hỏi của đại biểu về việc điều chỉnh thiết kế công trình hồ bơi phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc từ 124 tỉ đồng lên 254 tỉ đồng.

Theo ông Phường, việc tăng vốn như trên là do điều chỉnh tăng quy mô công trình như mở rộng bể bơi tập luyện, bể bơi thi đấu, thêm hệ thống chiếu sáng, tăng chi phí dự phòng... Theo ông, việc tăng này là do phải làm để công trình này đạt chuẩn quốc gia, quốc tế theo đề nghị của Tổng cục Thể dục thể thao và Hiệp hội Thể thao dưới nước VN.

Các đại biểu cũng truy vấn ông Phường xung quanh chuyện Công ty cổ phần quảng cáo và tổ chức sự kiện Kỷ Nguyên là doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo nhưng lại là đơn vị tư vấn lập quy hoạch quảng cáo cho TP Cần Thơ. Cũng như công ty này đã “cầm đèn chạy trước ôtô” khi rao bán các vị trí đặt biển quảng cáo chưa được phê duyệt, ông Phường thừa nhận từ cuối năm 2010 công ty này đã rao trên mạng bán 15 vị trí quảng cáo, trong khi quy hoạch quảng cáo của TP do đơn vị này tư vấn vẫn chưa được phê duyệt và đã ngăn chặn việc này.

Và “mong thông cảm”

Đại biểu Lâm Trường Giang đã phản ứng với ông Lê Hồng Phát - giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ - vì ông Phát trả lời “nếu thu hồi được 10% quỹ đất của các dự án khu dân cư thương mại thì đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ giải quyết tái định cư cho 1.060 hộ dân còn lại của TP Cần Thơ đang chờ được tái định cư”. Đại biểu Trường Giang vặn lại: “Nếu không thu hồi được thì người ta vẫn sống lây lất à. Trường hợp tới lúc đó họ không được bố trí tái định cư thì sao? Khả năng mình bố trí được bao nhiêu đề nghị đồng chí nói cho bà con yên tâm”. Đáp lại, ông Phát vẫn giữ quan điểm chung chung: “Tôi nghĩ rằng từ nay đến cuối năm, nhiều lắm là qua năm 2012 ta có thể giải quyết ổn vấn đề tạm cư”.

Trong phần trả lời liên quan vấn đề xử lý nhà xây lấn chiếm kênh rạch, ông Nguyễn Minh Thế, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ, cho rằng việc quản lý hệ thống kênh rạch là do Sở Xây dựng quản lý và ông đề nghị các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc san lấp trái phép và xả rác xuống kênh rạch khiến đại biểu Võ Văn Đời đề nghị: “Anh Thế trả lời như vậy là chưa thỏa đáng, đổ lỗi cho chính quyền địa phương, cho Sở Xây dựng. Đề nghị anh khẳng định lại trách nhiệm của mình”.

Cùng liên quan tới vấn đề môi trường, ông Võ Thanh Hùng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ - thông báo “nhanh nhất thì đến quý 4 năm nay mới có thể khởi công Khu công nghiệp Trà Nóc”. Ông Hùng cho rằng việc không có hệ thống xử lý nước thải tập trung là do khu công nghiệp này được hình thành “rất xa xưa”, thời điểm đó không đặt vấn đề có nhà máy xử lý nước thải. Ông mong “bà con thông cảm vì đầu tư cái này rất khó”.

Ngày 19-7, HĐND tỉnh An Giang khóa 7 khai mạc kỳ họp lần thứ 2, kéo dài đến hết ngày 20-7. Theo báo cáo thẩm tra của HĐND tỉnh, trong sáu tháng đầu năm tăng trưởng GDP của An Giang chỉ đạt 8,81% so với chỉ tiêu đề ra là 12,05%. Mức tăng trưởng của ba khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều không đạt mục tiêu đề ra, trong khi sắp tới vẫn tiếp tục còn khó khăn, thách thức.

Về nuôi trồng thủy sản, đến nay vẫn chưa khôi phục và phát triển sản xuất do lãi suất ngân hàng cao, các chi phí đầu vào tăng và thiếu con giống, trong khi người nuôi lại thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lại cạnh tranh không lành mạnh nên nông dân chưa yên tâm đầu tư.

Công tác thu tiền sử dụng đất do cấp tỉnh quản lý đạt rất thấp, mới thu được 47,4/283 tỉ đồng, đạt 17% dự toán, trong đó nợ quá hạn từ năm 2010 chưa thu hồi là 108 tỉ đồng, từ đó đã ảnh hưởng đến tiến độ chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi cho các công trình trọng điểm của tỉnh cũng như việc tạo quỹ đất. Ngoài ra toàn tỉnh còn 257 dự án đã hoàn thành từ nhiều năm nay nhưng chưa thể quyết toán còn tồn đọng 382 tỉ đồng.

Mặt khác, cử tri An Giang cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định cụ thể hóa hoặc có văn bản hướng dẫn để triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, khuyến khích nông dân và địa phương giữ đất lúa, khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ, chính sách đảm bảo người trồng lúa có lãi trên 30%.

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ đến nay chi nhánh ngân hàng các tỉnh vẫn chưa triển khai thực hiện được do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại ở trung ương.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên