12/06/2015 15:21 GMT+7

​Lương giáo viên mầm non không đủ sống do...lịch sử để lại

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định như vậy trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội vào chiều nay 12-6.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận - Ảnh chụp màn hình

Chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn Quốc hội xung quanh nhiều vấn đề đang được quan tâm: Đổi mới chương trình SGK phổ thông, đánh giá học sinh tiểu học, kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong mênh mông những vấn đề về giáo dục, Quốc hội chọn ba vấn đề là đổi mới chương trình SGK phổ thông, kỳ thi THPTquốc gia và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để các đại biểu đặt câu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Đào tạo lại giáo viên 

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Văn Tính hỏi: "Để đổi mới chương trình SGK phổ thông, thực hiện đổi mới thi cử, những giải pháp quan trọng nào cần áp dụng để thực hiện hiệu quả?"

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc thực hiện đổi mới giáo dục, cụ thể là đổi mới chương trình SGK phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá, cũng như đổi mới quản lý trong nhà trường, đổi mới quản lý ngành đều cần nhiều giải pháp đồng bộ, cùng song song thực hiện. Tuy nhiên, yếu tố con người trong công cuộc đổi mới luôn quan trọng nhất.

Cụ thể trong các nhà trường, muốn đổi mới thì yếu tố giáo viên phải được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy việc đổi mới đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên đang làm việc trong các nhà trường phổ thông là việc mà Bộ GD-ĐT đang phải tiến hành cùng với việc đổi mới nội dung chương trình SGK phổ thông, đổi mới thi cử, đánh giá.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm rõ thêm về hai đề án đào tạo giáo viên và đề án xây dựng cơ sở vật chất, đây là hai đề án nhằm đảm bảo điều kiện thực hiện đổi mới chương trình SGK phổ thông. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đề án cơ sở vật chất nối tiếp những chương trình mà Chính phủ triển khai như chương trình kiên cố hóa trường lớp học, chương trình hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, đề án phát triển hệ thống trường chuyên, xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú…

Đề án cơ sở vật chất, ngoài việc chú trọng đến hệ thống trường lớp học, còn chú trọng đến việc củng cố, đầu tư thiết bị dạy học theo nguyên tắc tận dụng triệt để các thiết bị hiện có, chỉ bổ sung mới các thiết bị còn thiếu và cần thiết. Trong đó, chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng nhằm phù hợp với xu thế chung của các nước có nền giáo dục phát triển.

Về đề án đào tạo giáo viên, ông Phạm Vũ Luận cho biết đã triển khai đồng thời hai việc: Đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm nhằm cung cấp đội ngũ giáo viên mới đảm bảo yêu cầu và đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện hành. 

Riêng việc đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên “cần phải có chương trình SGK mới mới có căn cứ xác đáng để kiểm tra lại đội ngũ giáo viên hiện hành xem họ đạt yêu cầu tới đâu, còn những bất cập gì để khắc phục”, ông Luận nói.

Cả hai đề án trên đều nằm trong loạt các đề án đã được Chính phủ phê duyệt, được tiến hành song song cùng với đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông.

“Trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT do các địa phương tổ chức, kết quả tốt nghiệp đạt mức cao 98-99% nhưng năm nay khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH lại chủ trì tổ chức các cụm thi. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại vì các trường ĐH làm quá nghiêm sẽ dẫn tới kết quả tốt nghiệp sụt giảm”, Ông Phạm Ngọc Thạch đặt vấn đề để hỏi ý kiến của Bộ trưởng.

Về điều này, Bộ trưởng Luận khẳng định dù thí sinh dự thi ở cụm thi do địa phương hay trường ĐH chủ trì thì đều phải tuân thủ quy chế chung. Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc kỹ barem điểm để kết quả chấm thi nghiêm túc, chính xác, tránh thiệt thòi cho  thí sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cũng chia sẻ việc coi thi nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, tác động đến nhân cách học sinh. Nếu để xảy ra tiêu cực thi cử, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi mà còn ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục nhân cách học sinh. Vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết thực hiện nghiêm túc kì thi này. “Đổi mới, nghiêm túc nhưng không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột”, ông Luận khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn về việc với lần đổi mới chương trình SGK trước đây, Bộ GD-ĐT cần 4 năm để tổ chức thí điểm. Nhưng lần đổi mới sắp tới, Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ thí điểm những nội dung mới và giao việc thí điểm này cho các tác giả xây dựng chương trình SGK thì e rằng kết quả thí điểm thiếu thuyết phục.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho biết việc đổi mới chương trình SGK lần này sẽ tiến hành trên quan điểm tận dụng những nội dung cũ còn có giá trị, còn phù hợp với yêu cầu. Do vậy với những nội dung cũ còn tốt thì không cần thử nghiệm, chỉ tập trung thử nghiệm những cái mới. Việc giao cho các nhóm tác giả tổ chức thử nghiệm vì đó là nội dung họ xây dựng, họ sẽ triển khai thử nghiệm tốt nhất. Cùng với họ sẽ có đội ngũ chuyên gia, nhà giáo dục giám sát, thẩm định.

Đại biểu lo lắng kỳ thi quốc gia, Bộ trưởng lại... lạc quan

Trước băn khoăn của các đại biểu về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Luận cho rằng để thực hiện đổi mới thi cử lần này, Bộ GD-ĐTđã quán triệt các thầy cô, các cơ quan quản lý giáo dục nhận khó khăn về mình, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Những thuận lợi của thí siinh được ông Luận lần lượt liệt kê là số lần thi giảm, số bài thi giảm, thí sinh chủ động chọn trường sau khi đã có kết quả… Thậm chí, ngay với học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT vẫn có cơ hội xét tuyển vào ĐH với địa chỉ lựa chọn lên đến hơn 150 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng.

Có phần chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, đại biểu Nguyễn Minh Lâm đặt vấn đề: Qua phần trả lời của Bộ trưởng với các đại biểu trước đó thì thấy việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có nhiều thuận lợi hơn. Song phải nhìn nhận có một số vấn đề phát sinh từ kỳ thi dường như chưa được đánh giá kỹ lưỡng như điều kiện hạ tầng, điều kiện ăn ở tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được trong tổ chức kỳ thi sắp tới. Đây không chỉ là nỗi lo của học sinh, phụ huynh mà còn là gánh nặng của địa phương. Bộ trưởng sẽ đưa ra giải pháp gì?

Đáp lại trăn trở, lo lắng của đại biểu, bộ trưởng Luận lại tỏ ra khá… lạc quan với phương án tổ chức thi đã lựa chọn: “Việc tổ chức thi theo cụm đã được thực hiện 13 năm qua ở ba cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ và ba năm qua đã tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng.

Năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức 38 cụm thi quốc gia. Để triển khai các cụm thi quốc gia này, Bộ GD-ĐT đã làm việc với các tỉnh, đã thực hiện khảo sát, dự kiến địa điểm, trao đổi với lãnh đạo địa phương, các UBND các tỉnh, thành phố đều vào cuộc quyết liệt, các sở ban ngành cùng tích cực tham gia để bố trí, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh". Ông Luận cũng cho rằng ngoài ra có nhiều tổ chức xã hội tham gia tổ chức các chuyến xe cho các thí sinh đi lại, bố trí các nhà trọ miễn phí phục vụ thí sinh...

Trường sư phạm không thu hút sinh viên giỏi

Đại biểu Phạm Thị Trung bày tỏ băn khoăn về việc các trường sư phạm hiện nay không thu hút được sinh viên giỏi trong khi yêu cầu đối với giáo viên khi thực hiện đổi mới giáo dục lại cao hơn. 

Về điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trước đây khi áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên trường sư phạm, chất lượng đầu vào của các trường tăng rõ rệt. Có một thời gian, điểm đầu vào của các trường sư phạm nằm trong top cao. Có những sinh viên đã đạt đến 27 điểm đầu vào.

Tuy nhiên, chính sách này đến nay không còn hiệu quả. Chính phủ đã áp dụng chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo (không riêng trường sư phạm) vay vốn để học tập, nhiều chính sách miễn học phí cho sinh viên khó khăn, cấp học bổng cho sinh viên giỏi đang thu hút người học vào các ngành, trường ngoài sư phạm.

Vì thế để thu hút người giỏi vào trường sư phạm không thể trông đợi vào chính sách miễn giảm học phí. Bộ trưởng Luận cho rằng việc điều chỉnh chế độ tiền lương của giáo viên kèm theo các chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi, khuyến khích người giỏi làm việc trong ngành giáo dục mới là giải pháp có tính bền vững.

Cũng liên quan tới lương giáo viên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết do lịch sử để lại nên có một bộ phận giáo viên mầm non hưởng mức lương không đủ sống. Ngành GD-ĐT đã tham vấn và trình Thủ tướng Chính phủ để có văn bản quy định điều chỉnh mức lương của giáo viên mầm non ngang bằng mức lương tối thiểu, kèm theo các phụ cấp. Hiện nay văn bản này sắp hết hiệu lực, Bộ GD-ĐT đang  trình Thủ tướng cho gia hạn quy định này. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ đối với giáo viên mầm non vẫn phải là điều chỉnh thang bảng lương.

Nhiều chất vấn Bộ trưởng về đạo đức học sinh

Vấn đề đạo đức học sinh xuống cấp, tình trạng bạo lực học đường gia tăng cũng được một số đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận thời gian qua các nhà trường chỉ chú trọng vào việc dạy các môn học văn hóa theo hướng truyền thụ kiến thức mà chưa chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh qua việc đổi mới cách dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, giúp học sinh trải nghiệm.

Bộ trưởng Luận cho rằng việc triển khai tốt nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục, trong đó có việc đổi mới chương trình SGK phổ thông theo hướng “chuyển từ việc chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học” sẽ có thể giải quyết được những bất cập trên.

Trả lời trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng về tình trạng “học sinh càng cấp cao thì hạnh kiểm càng thấp”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận một bất cập trong đánh giá học sinh khi hạnh kiểm học sinh lệ thuộc nhiều vào kết quả các môn học văn hóa. Điều đó khiến cho học sinh lớp cao hơn phải học nhiều, chịu áp lực học tập lớn sẽ khó đạt được kết quả khá, giỏi và điều đó cũng ảnh hưởng tới xếp loại hạnh kiểm.

Những bất cập cản trở việc đánh giá học sinh tiểu học

Trả lời các ý kiến của đại biểu Quốc hội về thực hiện Thông tư 30, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh đến những bất cập đã cản trở việc thực hiện một quy định có tính nhân văn. Đó là sĩ số học sinh/lớp ở nhiều đô thị quá cao khiến cho giáo viên khi phải sát sao quan tâm tới từng học sinh sẽ vất vả hơn. Thói quen, nhận thức của phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý chưa thay đổi nên có những lúng túng, bỡ ngỡ.

Ông Luận cũng chỉ ra một bất cập mang tính phổ biến là có những quy định trong ngành giáo dục đã lạc hậu so với Thông tư trên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo hủy bỏ nhưng ở các cấp giáo dục lại vẫn chưa chấp hành.

Ví dụ như Thông tư 30 hướng dẫn cuốn sổ ghi chép của giáo viên không cần làm theo mẫu, vì đó chỉ là cuốn sổ cá nhân giúp giáo viên nắm tình hình học sinh, những công việc phải làm. Nhưng khi triển khai ở cơ sở, cuốn sổ này bị biến thành chứng cứ để đoàn kiểm tra các cấp kiểm tra giáo viên, nhà trường. Điều này tạo nên áp lực cho giáo viên phải làm đúng theo mẫu, phải ghi chép quá nhiều, thực hiện việc đổi mới đánh giá một cách hình thức, đối phó.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định từ thực tế đi thị sát của ông ở một số tỉnh miền núi như Lào Cai, Nghệ An cho thấy càng ở những nơi khó khăn, những nơi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số thì việc triển khai Thông tư 30 càng tốt. Điều này cho thấy chủ trương đổi mới có thể triển khai trên toàn quốc.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên