01/09/2007 14:00 GMT+7

Chất lượng du lịch Việt Nam đang ở mức nào?

Theo CẨM TÚ - Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Theo CẨM TÚ - Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, muốn tận dụng được cơ hội và đối phó được với rủi ro, du lịch Việt Nam càng phải cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, trong đó nâng cao chất lượng dịch vụ là thiết yếu nhất.

Lâu nay ngành du lịch Việt Nam thường đánh giá sự phát triển của mình dựa trên số lượng du khách gia tăng mà chưa chú ý đánh giá việc tăng chất lượng dịch vụ. Trong khi chất lượng mới là yếu tố giúp ngành du lịch phát triển bền vững và đạt được doanh thu cao. Trong bảy tháng đầu năm 2007, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đến 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái (số lượng du khách đến Việt Nam năm 2006 chỉ tăng 3% so với năm 2005), nguyên nhân chính là tình hình bất ổn tại Thái Lan và Indonesia đã khiến nhiều du khách quốc tế e ngại đến hai nước này, chuyển sang đi du lịch tại các quốc gia an toàn hơn.

Đây là một cơ hội lớn với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên nếu không nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ vào thời điểm này, để 70% du khách đến Việt Nam không có ý định quay lại như điều tra mới đây của Tổng cục du lịch, thì khi yếu tố may mắn qua đi, ngành du lịch Việt Nam sẽ khó giữ được lượng khách tăng như hiện nay, thậm chí là trở lại mức cũ.

Một số biểu đồ dưới đây thể hiện mức độ hài lòng của du khách, thông qua đó có thể đánh giá được chất lượng dịch vụ.

54DMe1AF.jpgPhóng to DCITT5uH.jpg
PiRl58yx.jpgPhóng to
1komIJk6.jpgPhóng to JJHNr517.jpg

So sánh các biểu đồ trên có thể thấy mức độ hài lòng về phương tiện giao thông, liên lạc, tiện nghi ngủ, nghỉ, dịch vụ giải trí và nhân sự du lịch của du khách nước ngoài đến Hà Nội, nơi thu hút hơn một triệu du khách năm 2006 thấp hẳn so với các nước trong khu vực. Đây cũng chính là tình trạng chung của cả Việt Nam.

Muốn tạo đà cho du lịch phát triển, Nhà nước cần nâng cao chất lượng phương tiện giao thông, liên lạc. Đầu năm 2006, trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, lúc đó là bà Võ Thị Thắng, đã nói: “Nếu Nhà nước đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư tương xứng. Không thể tạo ra bứt phá nếu cứ đầu tư ở mức độ cầm chừng. Muốn thu hút nước ngoài xây dựng các khu vui chơi giải trí thì chúng ta phải mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng”.

Phát biểu này càng đúng khi du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội như hiện nay. Lâu nay đầu tư vào du lịch Việt Nam vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, chẳng hạn như ngân sách nhà nước dành cho việc quảng bá du lịch một năm chưa đến hai triệu USD, trong khi ở Thái Lan con số này là 150 triệu USD, Malaysia là 120 triệu USD.

Riêng khu vực dịch vụ, giải trí, khu vực thu hút du khách tiêu tiền nhiều nhất lại thu hút ít khách như vậy quả là đáng tiếc, bởi vì mức độ hài lòng của du khách về truyền thống văn hóa rất cao, mà truyền thống văn hóa phong phú là nguồn sáng tạo cho các sản phẩm lưu niệm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc, là vốn để khai thác trong lĩnh vực dịch vụ giải trí, mua sắm. Các điệu múa dân tộc, các truyền thuyết lịch sử của nước ta nếu được dàn dựng công phu trong một sân khấu hoành tráng thì chắc chắn hấp dẫn không kém chương trình Alangkarn của Thái. Vấn đề ở đây là không có ai đầu tư. Du lịch Việt Nam chỉ có thể là con gà đẻ trứng vàng nếu được đầu tư đúng mức và đúng cách.

Với vấn đề lớn như trên, có thể chấp nhận rằng ngành du lịch không tận dụng hết được cơ hội vì còn bị phụ thuộc vào những ngành khác, vì do cơ chế. Tuy nhiên một cơ hội cho việc quảng bá gần đây là việc bầu chọn bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới, trong đó vịnh Hạ Long được nhận xét là rất có khả năng. Lẽ ra ngành du lịch phải có chương trình thậm chí là tạo một chiến dịch vận động trên các phương tiện truyền thông để nhiều người tham gia bầu chọn, việc này nằm trong khả năng của ngành. Thế nhưng cho đến nay hành động của Tổng cục trước cơ hội này vẫn rất mờ nhạt.

Cơ hội trong tầm tay mà còn thờ ơ vậy, chứng tỏ nhiều người làm trong ngành du lịch chưa thật sự tâm huyết, hoặc tầm nhìn chưa đủ để nhận ra được lợi ích to lớn của dịp may này. yếu tố nhân sự hết sức quan trọng trong việc tạo nên chất lượng du lịch. Nâng cao trình độ nghiệp vụ và nhận thức của người làm du lịch là việc làm rất cần thiết, nhất là khi mức độ hài lòng của du khách đối với nhân sự quản lý và thực hiện trong ngành du lịch quá thấp như trong biểu đồ đã thể hiện.

Qua việc khảo sát mức độ hài lòng của du khách, có thể thấy chất lượng du lịch của chúng ta còn ở mức rất thấp. Vẫn biết việc cải thiện chất lượng không phải là việc ngày một ngày hai, nhưng với xuất phát điểm thấp như thế mà tốc độ tăng trưởng chất lượng không có gì bứt phá thì bao giờ ta mới cạnh tranh được với các nước trong khu vực?

Có tiềm năng mà không đầu tư đúng mức là một sự lãng phí. Có cơ hội mà không có sự chuẩn bị để đón nhận và tận dụng hết mức cơ hội thì đó là điều rất đáng tiếc, bởi biết bao giờ cơ hội mới đến lần thứ hai. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi sự tác động, ảnh hưởng qua lại giữa các quốc gia ngày càng lớn, yếu tố may rủi hay cơ hội và nguy cơ đều sẽ ngày càng nhiều. Muốn tận dụng được cơ hội và đối phó được với rủi ro, du lịch Việt Nam càng phải cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, trong đó nâng cao chất lượng dịch vụ là thiết yếu nhất.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch Thái Lan sẽ còn chững lại một vài năm nữa, cơ hội để quảng bá và thu hút du khách nước ngoài của Việt Nam lần này khá lâu. Nhưng cơ hội chỉ mang đến sự tăng trưởng về số lượng du khách trong nhất thời, nếu không biết tự nâng cao về chất lượng, khi cơ hội qua đi, du lịch Việt Nam sẽ giật mình nhận ra lâu nay mình không tiến được bao xa.

(Nguồn biểu đồ: Nguyễn Trần Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Future One)

Theo CẨM TÚ - Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên