Toàn cảnh buổi hội nghị "Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra" tại Đồng Tháp, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 18-8, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra" với 10 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra.
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Minh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long, cá tra được Đồng Tháp chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của địa phương trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025.
Hiện nay, sản xuất cá tra của tỉnh Đồng Tháp chiếm trên 33% diện tích và gần 35% sản lượng cá tra toàn vùng, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng. Tỉnh Đồng Tháp có 76 cơ sở cho cá sinh sản và trên 1.100 cơ sở ương dưỡng giống cá tra.
Hằng năm, Đồng Tháp cung cấp khoảng 20 tỉ con cá tra bột và 1,2 - 1,3 tỉ con cá tra giống, đủ nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Từ năm 2016 - 2021, tỉnh đã tiếp nhận 32.000 con cá tra hậu bị chọn giống từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II mang tính tăng trưởng nhanh, nhằm thay thế dần đàn cá tra địa phương.
"Ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp đang đối mặt với không ít thách thức trong quá trình phát triển, từ con giống có biểu hiện suy giảm chất lượng; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; giá bán cá tra thương phẩm và cá giống biến động liên tục, thiếu thông tin định hướng thị trường… là những thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng cá tra", ông Tuấn nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thạc sĩ Trần Hữu Phúc - phó giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - cho biết đơn vị đang nghiên cứu 2 loại cá tăng trưởng nhanh và cá kháng bệnh.
Đến nay, loại cá tăng trưởng nhanh đã được thí nghiệm qua 4 thế hệ, với hiệu quả cao hơn 30% so với đàn cá chưa qua chọn giống.
"Chúng tôi đã lấy con cá lai chọn lần thứ 4 đưa vào nuôi chung với cá bình thường để thí nghiệm. Sau 6,5 tháng thì con cá lai chọn lần 4 đã tăng trưởng nhanh hơn 30% so với con cá bình thường", ông Phúc nói.
Nhiều đại biểu đề nghị phải sớm có giải pháp giúp giảm hao hụt cá tra giống hiện nay - Ảnh: BỬU ĐẤU
Còn ông Huỳnh Tấn Đạt - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết Đồng Tháp có cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng, số lượng cơ sở sản xuất giống. Tuy nhiên, đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là chọn cá tra bố mẹ.
"Điểm nghẽn lớn nhất là việc liên kết sản xuất giống giữa người dân với doanh nghiệp nuôi thương phẩm đang gặp nhiều khó khăn.
Chúng tôi đang phối hợp các ngành cùng nhau giải quyết để hình thành nên chuỗi giá trị, đặc biệt là chuỗi giá trị cá tra trong khâu sản xuất giống với nuôi thương phẩm. Chúng tôi nhận định cá tra là một trong những đối tượng còn tiềm năng, còn dư địa để phát triển trong thời gian tới", ông Đạt nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận