Các hóa chất khử trùng, diệt côn trùng là chúa “lá mặt lá trái” với môi trường và sức khỏe. Thực tế, không thiếu những tên tuổi có mặt trong tự nhiên có khả năng thanh trừng mà không làm “sứt miếng da” môi trường, nhưng bị người đời quên lãng. Tuy vậy, khả năng của những người hùng “chân đất” này có giới hạn, chỉ thi thố được với những đối tượng ít “số má”, và với những mặt trận không đòi hỏi độ vô trùng quá cao.
- Tia tử ngoại từ ánh nắng: Kinh điển “không thấy thái sơn bên cạnh” là việc bỏ qua công năng khử trùng của tia tử ngoại (ultraviolet-UV) từ ánh nắng. Lĩnh vực thường cậy nhờ UV là thực phẩm, không khí, đặc biệt là nước uống. Ông bà ta dặn “sáng mở cửa sổ đón nắng vào nhà khỏi mời lang trung”. Lu vại đựng nước mở nắp phơi nắng, đậy thêm tấm kính chắn bụi, là một cách khử trùng khôn ngoan. Nhiều người sẽ cho rằng hâm nếu ai đó bảo nước tắm cũng cần vô trùng, trong khi có nhiều chứng bệnh truyền qua da. Vì vậy, ta không chi li đến độ… đun sôi nước tắm, nhưng khử trùng nhẹ bằng ánh nắng thì tại sao không? Máy giặt, máy rửa chén có chức năng sấy khô khiến quần áo, bát đĩa thiệt thòi hơn thời bao cấp vì ít có cơ hội tắm nắng. Người ta phơi đồ chủ ý làm bốc hơi nước mà bỏ qua công năng “kháng khuẩn” với thời gian phơi nắng dài hơi.
- Nước sôi: Ai cũng bực bội với sự quấy nhiễu của những đàn kiến đen, kiến hôi và cách giải quyết thông thường nhất là chai xịt kiến độc hại, trong khi có thể làm việc đó đơn giản hơn bằng nước sôi. Chiêu song bích thủy - hỏa này có thể dùng cho gián, mối, thậm chí chuột.
- Muối cũng là chất khử trùng “tiền bối” thường bị người đời lãng quên. Vài hớp nước muối có thể giúp nhiều người vượt qua chứng viêm họng (mà nếu đến tay mấy vị bác sĩ khoái… “hoa hồng” thì tốn bạc trăm như chơi). Ít muối cho vào chén nước kệ bếp, mương, rãnh đủ cho đám “hài nhi” muỗi sốt xuất huyết lăn quay. Thau nước muối đậm đặc tạt ra bãi cỏ đủ “làm cỏ” một vùng khỏi cần đao to búa lớn với mấy chai “làm trụi lá cây”.
- Tỏi, ngoài vai trò một trong “tứ đại thiên vương” gia vị, tỏi còn được mệnh danh là chất kháng sinh tự nhiên (allicin) có máu mặt. Nhiều người sẽ ngạc nhiên với công năng kháng khuẩn “nhỏ mà có võ” của tỏi. Vài tép tỏi giã đủ bảo vệ một khoảng không khí, chẳng hạn góc phòng đựng đồ chơi trẻ con. Vài tép tỏi thả vào tổ kiến, mối có thể cưỡng chế cả đàn chạy mất dép.
Cùng họ còn có nhiều tên tuổi khác, tuy không sừng sỏ như tỏi, gồm hành (sulfur), cam chanh (flavonoid), mật ong (enzyme kháng khuẩn)…
- Rau diếp cá: Một ẩn số khác trong dòng kháng sinh “chân đất” là rau diếp cá (decanoyl – acetaldehyd). Với ưu điểm số lượng nhiều, dễ sử dụng, diếp cá thường dùng khử trùng tại chỗ cho môi trường nước (sinh hoạt, thủy sản), chuồng trại chăn nuôi…
Ngoài ra, tinh dầu cũng là chất khử trùng vừa lợi hại vừa thơm, đặc biệt làm sạch không khí, phổ biến qua hình thức xông hơi. Có thể kể khá nhiều tên tuổi “đẹp người đẹp nết” như: bạc hà, khuynh diệp, tràm, oải hương, hương nhu, tía tô, vỏ bưởi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận