Sáng 24-5, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội phối hợp với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã bắt đầu chặt hạ ba cây sưa chết khô xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Chặt ba cây sưa đỏ đã chết ở hồ Gươm, gỗ bảo quản chờ đấu giá
Trong ngày 24-5, lực lượng chức năng chặt hạ cây sưa ở đối diện ngã 3 Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng (ô số 94), hai cây còn lại sẽ được chặt hạ vào ngày 25-5.
Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, đơn vị đã kiểm tra hiện trạng và lập biên bản hai cây sưa gần đồng hồ hoa Thụy Sĩ, sát mép hồ và một cây sưa đối diện ngã 3 Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng (ô số 94) đã bị chết.
Sau đó đơn vị này đã hoàn thành các thủ tục xin cấp phép dịch chuyển, chặt hạ, cắt tỉa cây xanh.
Việc chặt hạ, trồng thay thế cây mới sẽ do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết sau khi chặt hạ ba cây sưa, đơn vị sẽ tìm hiểu loại cây phù hợp để trồng thay thế.
Về phần gỗ sưa thu được, công ty sẽ tổ chức bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội tiếp nhận và bảo quản khối lượng gỗ sưa tại kho.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện Phòng quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật (thuộc Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) cho biết ba cây sưa chết ở hồ Gươm là loài cây sưa đỏ rất giá trị.
"Sau khi chặt hạ, chúng tôi sẽ mang gỗ đi bảo quản, sau đó TP Hà Nội sẽ tiến hành đấu giá ba cây sưa đỏ trên theo quy định" - vị đại diện trên nói.
Cây sưa đỏ quý giá như thế nào?
Hiện khu vực quanh hồ và vườn hoa Lý Thái Tổ có 45 cây sưa đỏ quý hiếm, quanh hồ Gươm có 30 cây có tuổi đời hàng chục năm, có cây có tuổi đời 100 năm.
Có hai loại là sưa trắng và sưa đỏ, sưa đỏ có giá trị cao hơn nhờ màu gỗ và hương thơm, gỗ sưa đỏ có vân bốn mặt, mùi thơm thoảng như hương trầm trong khi sưa trắng chỉ có vân hai mặt và cũng không có mùi thơm.
Giá trị thị trường của cây sưa đỏ có lúc tới 20 tỉ đồng/m3, được liệt vào nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, mua bán vì mục đích thương mại.
Vào thời vua chúa, cây sưa đỏ thường được dùng để làm nội thất cao cấp, hương liệu và dược liệu. Hiện sưa đỏ được đóng thành bàn, tủ, ghế, tượng Phật...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 23-5, giáo sư, TSKH Nguyễn Ngọc Lung - nguyên cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết giá cả của gỗ sưa phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
"Khoảng độ 15 năm nay, Trung Quốc mở chiến dịch mua gỗ sưa của Việt Nam, vì vậy mọi người đổ xô đi trồng cây sưa, vì vậy giá của các loại gỗ sưa ở Việt Nam vì thế cũng được đẩy lên rất cao" - vị này nói.
Vị này nói thêm, chất lượng gỗ của loài sưa đỏ cũng như những loài gỗ khác không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, vì được phía Trung Quốc săn lùng nên mới có "mức giá trên trời" như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận