Cục Hải quan Hải Phòng mở 2 container phế liệu không người nhận, bên trong toàn là rác - Ảnh: V.TR.
Nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị khởi tố nhưng dư luận quan tâm lúc này là những vấn đề đang đặt ra khi ngoại đã tràn vào VN và làm gì để ngăn chặn rác vẫn âm thầm đổ về VN trong thời gian tới?
Tuổi Trẻ trao đổi với đại diện cơ quan chức năng và chuyên gia:
Nguy hại!
* Việc nhập khẩu nhựa không được làm sạch về VN rồi mới làm sạch trước khi sản xuất liệu sẽ gây ô nhiễm môi trường thế nào, thưa ông?
- TS Đỗ Thanh Bái (chuyên gia hóa học): VN và một số nước đang phát triển có xu hướng thu mua phế thải nhựa (plastic) rẻ tiền để tái chế hoặc sơ chế rồi bán. Hoạt động này dễ làm, lợi nhuận cao nhưng lại gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Bụi plastic phát tán trong không khí có hóa chất, mầm bệnh. Plastic gây ô nhiễm đất, nhanh phải vài năm mới phân hủy, chậm có thể nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Plastic can thiệp vào quá trình sinh hóa, chuyển hóa về mặt thổ nhưỡng ở trong đất, làm cho biến đổi chất lượng đất, tác động xấu đến hệ thực vật.
Khi phân rã trong đất, plastic tiếp tục tác động tiêu cực đến môi trường nước mặt và nước ngầm, nước biển, đặc biệt là ở các bãi tập kết rác thải. Ô nhiễm sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi dinh dưỡng từ thủy sản, hải sản mà chúng ta ăn hằng ngày.
- Ông Hoàng Văn Thức (phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường): Trong các lô hàng có thể có một số loại vi khuẩn độc hại.
Quá trình tái chế phế liệu nhựa sẽ phát sinh các loại khí thải và hơi trong quá trình gia nhiệt làm mềm nhựa. Đó là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và đây là loại khí gây độc cho con người.
* Khi đọc loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ về nhập khẩu phế liệu bẩn, rất nhiều người dân lo ngại nhựa phế liệu này nếu không được làm sạch mà tái chế ra các sản phẩm gia dụng, chúng có gây hại cho người dùng?
- TS Đỗ Thanh Bái: Người dân lo ngại là đúng. Sản phẩm nhựa được tạo ra từ nguyên liệu bẩn sẽ gây hại cho người trực tiếp sử dụng. Nhựa có nguồn gốc từ y tế, công nghiệp, nông nghiệp... chứa nhiều hóa chất và vi trùng.
Người ta hi vọng khi sản xuất hạt nhựa và từ hạt nhựa sản xuất các sản phẩm khác thì vi trùng, hóa chất độc hại sẽ khử trong môi trường nhiệt độ cao. Nhưng điều này không xảy ra. Vi trùng và hóa chất vẫn tồn tại.
Khi gặp môi trường thuận lợi thì vi trùng, hóa chất trong sản phẩm nhựa, đặc biệt là đồ dùng đựng thức ăn, nước uống, đồ chơi trẻ em... sẽ thoát ra gây hại. Vì vậy, cần siết lại việc nhập khẩu phế liệu để giảm nguy cơ cho người dân.
Có tiêu cực?
* Quá trình điều tra, chúng tôi thấy một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Singapore xuất phế liệu nhựa không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của VN. Nhưng nhiều lô hàng đã được thông quan. Ông nói gì về nghi vấn có cán bộ hải quan cửa khẩu dính tiêu cực?
- Ông Âu Anh Tuấn (quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan): Qua kiểm tra thực tế hàng hóa đối chiếu, hải quan đã phát hiện hơn 40 tờ khai tương đương hơn 200 container nhập khẩu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Tổng cục Hải quan đang giám sát việc thực hiện thủ tục thông quan với các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trường hợp xác định cán bộ hải quan không thực hiện đúng quy định, có vi phạm... sẽ xử lý nghiêm.
* Số lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng quá lớn. Hải quan sẽ xử lý số container này như thế nào?
- Chất thải, hàng hóa gây ô nhiễm đang tồn đọng tại cảng biển, quan điểm của Bộ Tài chính là kiên quyết yêu cầu chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện... vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN.
Khoảng 200 DN nhập phế liệu "trong tầm ngắm"
Thời gian qua việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về VN có nhiều vi phạm, phổ biến là DN nhập hàng hóa đúng chủng loại, mã hàng được nhập theo quyết định 73/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng lại không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
DN đã lợi dụng điều này thông đồng với tổ chức giám định để cấp chứng thư giám định đạt yêu cầu nhằm thông quan.
Tình trạng DN nhập phế liệu không thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu (bị cấm), nhưng khi làm thủ tục thông quan khai báo sang loại được phép nhập khẩu cũng khá nhiều.
Họ thông đồng với tổ chức giám định cấp chứng thư đạt yêu cầu. Khi đó hải quan buộc phải thông quan. Cũng có một bộ phận DN cạo sửa và làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu.
Cục Điều tra chống buôn lậu đang chủ trì thực hiện kế hoạch điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong nhập khẩu phế liệu. Có khoảng 200 DN nhập phế liệu từ tháng 1-2016 đến 6-2018 đang nằm trong tầm ngắm.
Ông NGUYỄN KHÁNH QUANG - phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan
Sẽ cấm nhập một số loại phế liệu
Một số nước ban hành chính sách cấm và buộc các cơ sở tái chế phế liệu quy mô trung bình, nhỏ, lạc hậu dừng hoạt động.
Các DN nước ngoài sẽ tìm cách đầu tư sang một nước khác (trong đó có VN). Sau đó DN nước ngoài sẽ mua loại thành phẩm, chỉ để lại… chất thải, nước thải.
Việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt sẽ là nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Bộ TN-MT đã sửa nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường 2014, đang trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý 3-2018.
Theo đó, tới đây bộ chỉ cấp giấy nhập khẩu phế liệu cho các DN nhập khẩu trực tiếp về làm nguyên liệu sản xuất ra hàng hóa có giá trị cao; không cấp giấy nhập khẩu ủy thác hoặc nhập để sơ chế rồi bán lại.
Ngoài ra, Bộ TN-MT đang rà soát lại nhu cầu để đề xuất Thủ tướng Chính phủ cấm nhập một số loại phế liệu; thậm chí sẽ tạm dừng cấp mới giấy phép nhập phế liệu.
Ông HOÀNG VĂN THỨC - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận