Thu hoạch bông ở Benin - Ảnh: AFP
Tại châu Phi, thuốc diệt cỏ có gốc glyphosate được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, chủ yếu trong sản xuất bông.
Trong các loại thuốc diệt cỏ được cấp phép có Roundup 360K và Roundup 450K do Monsanto sản xuất và nhiều loại có gốc glyphosate của Trung Quốc.
Glyphosate phối hợp với nước nhiễm canxi và kim loại như arsenic trong đất sẽ chuyển hóa trở nên độc hại đối với thận.
Tiến sĩ CHANNA JAYASUMANA
Phải thận trọng với glyphosate
Ba ngày sau phán quyết của tòa án ở San Francisco (Mỹ) buộc Monsanto bồi thường 289 triệu USD cho người làm vườn Dewayne Johnson, ngày 13-8-2018, tiến sĩ Enagnon Brice Sohou người Benin đã phát biểu trên Đài phát thanh Deutsche Welle (Đức): "Chúng tôi có bằng chứng về sự hiện diện của glyphosate trong cá và thực phẩm ở Benin. Nhiều người đã chết vì bệnh ung thư ở xứ này".
Tổ chức phi chính phủ "Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Benin" (RSE-Benin) ra thông cáo khen ngợi phán quyết của tòa án San Francisco sẽ là chất xúc tác cho nhiều vụ kiện khác trên thế giới. Dù vậy, Benin vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ glyphosate.
RSE-Benin tiết lộ hồi tháng 4-2018, Bộ Nông nghiệp Benin đã nhận tại cảng Cotonou 900.000 lít glyphosate chuẩn bị cho vụ bông 2018-2019.
Bộ trưởng Nông nghiệp Gaston Dossouhoui biện bạch: "Các nhà sản xuất bông dùng glyphosate mới có thể gia tăng diện tích canh tác, xử lý bông hiệu quả và ít cực hơn".
Với sản lượng 587.000 tấn bông, năm nay Benin trở thành nước sản xuất bông thứ ba ở châu Phi sau Mali (700.000 tấn) và Burkina Faso (613.000 tấn). Đối với các nước này, bông vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Nam Phi là nước tiêu thụ glyphosate hàng đầu châu Phi. Một công trình nghiên cứu công bố năm 2014 của tiến sĩ Marnus Gouse tại Đại học Pretoria ghi nhận glyphosate là chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất tại Nam Phi.
Năm 2012 đã có hơn 23 triệu lít glyphosate được bán ra tại Nam Phi. Các nhà nghiên cứu châu Phi đã kêu gọi nên tôn trọng nguyên tắc thận trọng trong sử dụng glyphosate trước nghi ngờ glyphosate có khả năng gây bệnh ung thư cho con người.
Tại Senegal, giáo sư Amadou Diop ở Đại học Dakar, thành viên Ủy ban quốc gia về quản lý hóa chất, giải thích: "Khi có nghi ngờ lớn về tính chất độc hại của một phân tử và bằng chứng khoa học chưa được thiết lập về tính vô hại, khôn ngoan nhất là ngừng sử dụng để chờ khoa học làm rõ".
Dịch bệnh thận ở Sri Lanka
Tại châu Á, Sri Lanka giữ thái độ rất kiên quyết đối với chất diệt cỏ glyphosate. Quốc gia sản xuất chè và gạo này là nước đầu tiên cấm glyphosate từ tháng 10-2015.
Tổng thống Mahinda Rajapaksa cho rằng glyphosate là nguyên nhân khiến số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính về thận lên đến 15% trong độ tuổi lao động làm việc ở miền bắc và là nguyên nhân khiến 20.000 người tử vong.
Tiến sĩ Channa Jayasumana ở Đại học Rajarata (Sri Lanka) ghi nhận: "Ca đầu tiên được phát hiện năm 1994, và từ thập niên 2000 đã bùng phát như cơn dịch. Kết quả nghiên cứu dịch tễ, lâm sàng và hóa sinh đều khẳng định có mối liên hệ rất gần giữa glyphosate và căn bệnh thận".
Ông giải thích glyphosate phối hợp với nước nhiễm canxi và kim loại như arsenic trong đất sẽ chuyển hóa trở nên độc hại đối với thận. Hiện tượng này vẫn thường xảy ra nếu nông dân uống nước giếng.
Chính vì vậy, cho dù Monsanto gây sức ép nhưng Sri Lanka vẫn quyết định cấm nhập khẩu, phân phối, bán và sử dụng thuốc diệt cỏ có gốc glyphosate.
Sau đó, các tổ chức nông nghiệp kêu ca lệnh cấm glyphosate đã gây thiệt hại 10% trong 300 triệu ký chè mỗi năm. Các chủ nông trường chè than thở phải thuê người làm cỏ... bằng tay.
Trong khi đó, glyphosate đựng trong bình được bán lén lút ngoài thị trường chợ đen. Vì vậy, đầu tháng 5-2018, Chính phủ Sri Lanka lại cho phép nhập khẩu glyphosate nhưng chỉ cho sử dụng trong các nông trường chè và cao su.
Các nông dân Sri Lanka mắc bệnh thận do nước uống nhiễm glyphosate - Ảnh: M2R Films
Trùm sản xuất glyphosate Trung Quốc
Ấn Độ chưa có công trình nghiên cứu riêng về tác động của chất diệt cỏ glyphosate đối với sức khỏe, song các bang căn cứ phản ứng của thế giới để có biện pháp thích hợp.
Trên thị trường Ấn Độ lưu hành từ 30-35 loại thuốc diệt cỏ có nguồn gốc glyphosate. Sử dụng nhiều nhất là các nhà sản xuất bông ở bang Maharashtra.
Từ đây phát sinh nạn buôn lậu hạt giống bông biến đổi gen kháng glyphosate do Monsanto sản xuất. Người trồng bông cho rằng giống bông này cho năng suất cao hơn nên tìm mua, sau đó cứ thoải mái phun thuốc diệt cỏ.
Tháng 2-2018, chính quyền bang Andhra Pradesh đã thông báo hạn chế bán thuốc diệt cỏ. Sau đó đến lượt bang Telangana. Bang Maharashtra cũng đã cấm glyphosate bởi năm ngoái tại huyện Yavatmal, 23 người đã tử vong do hít phải hơi thuốc diệt cỏ phun trên các cánh đồng trồng bông.
Hiện có tối thiểu 91 nhà sản xuất công nghiệp tại 50 nước sản xuất glyphosate, trong đó Trung Quốc chiếm phần nhiều với 53 nhà sản xuất, số còn lại ở Mỹ, Ấn Độ, Úc, Canada, Cyprus, Ai Cập, Đức, Guatemala, Hungary...
Tháng 4-2015, 10 tổ chức phi chính phủ ở châu Âu đã gửi thư ngỏ cho đại sứ Trung Quốc tại Anh đề nghị chuyển cho chủ tịch nước và thủ tướng Trung Quốc.
Thư ngỏ khẳng định glyphosate liên quan đến bệnh ung thư và nhiều bệnh khác, do đó đề nghị Trung Quốc ngừng sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu glyphosate, ngừng nhập khẩu các công thức Roundup và mọi nông sản có dư lượng glyphosate; sau đó ủy thác cho các tổ chức khoa học nghiên cứu về tính chất độc hại của glyphosate và các công thức của Roundup.
Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất glyphosate nhiều nhất thế giới và cũng là quốc gia nhập khẩu thuốc diệt cỏ có gốc glyphosate nhiều nhất.
Trung Quốc đang sản xuất hơn 40% glyphosate thế giới và chiếm 35% thị phần thế giới. Monsanto khẳng định không sản xuất glyphosate tại Trung Quốc.
Sau glyphosate đến dicamba
Đậu nành ở Arkansas bị nhiễm dicamba - Ảnh: Reuters
Gần đây Monsanto lại mang tai tiếng với thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất dicamba. Chất mới này dễ bay hơi nên phá hại cây trồng ở khu vực lân cận. Dicamba phát tán liều lượng nhỏ cũng gây thiệt hại lớn.
Tại Mỹ, diện tích trồng đậu nành bị nhiễm dicamba lên đến 1,46 triệu hecta trong năm 2017, bằng 4% tổng diện tích canh tác.
Monsanto đổ thừa nông dân sử dụng sai mới xảy ra cớ sự. Nông dân tức giận đi kiện đòi bồi thường.
Năm ngoái, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) tiếp nhận hơn 3.000 đơn phản ảnh của nông dân ở 25 bang về dicamba, trong đó hơn 1/3 số vụ ở bang Arkansas.
Kỳ tới: Monsanto muốn thoát thân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận