VTháng 10-2017, ông John Barton (thứ hai từ trái), bà Teri McCall (cầm ảnh chồng) và hai luật sư đến Brussels cảnh báo về nguy cơ của glyphosate - Ảnh: Twitter
Tôi không muốn nhìn thấy người nào khác bị mắc bệnh như chồng tôi vì thuốc diệt cỏ Roundup
Bà Teri McCall
Sau vụ người làm vườn Dewayne Johnson thắng kiện Công ty Monsanto, luật sư Brent Wisner giải thích: "Chúng tôi đã trình bày với bồi thẩm đoàn tài liệu nội bộ của Monsanto chứng minh từ nhiều thập niên Monsanto đã biết glyphosate và đặc biệt là Roundup có thể là nguyên nhân .
Chúng tôi hãnh diện vì bồi thẩm đoàn hành xử độc lập, đã xem xét chứng cứ và đã lên tiếng cảnh báo với Monsanto rằng nhiều năm gian dối về Roundup đã kết thúc".
Hai người phụ nữ dũng cảm
"Hồ sơ Monsanto" được công bố nhờ hai người phụ nữ quả cảm Carey Gillam và Kathryn Forgie. Carey Gillam vốn là nhà báo cho Hãng tin Reuters suốt 20 năm. Đến năm 2015, bà làm việc cho Tổ chức phi lợi nhuận US Right to know ở Mỹ. Bà đã thu thập hàng ngàn tài liệu giải mật liên quan đến Monsanto nhờ đạo luật Tự do thông tin.
Nữ luật sư Kathryn Forgie làm việc cho Công ty luật Andrus Wastaff. Bà đại diện cho hàng ngàn nạn nhân sử dụng thuốc Roundup đã mắc bệnh ung thư hạch đứng đơn kiện Monsanto. Các đơn kiện đầu tiên bắt đầu từ mùa hè năm 2015. Người kiện được 20 luật sư trợ giúp pháp lý.
Theo hệ thống pháp lý của Mỹ, mỗi bên trong vụ kiện dân sự và vụ kiện thương mại đều có quyền được biết thông tin thuộc sở hữu của bên kia. Nếu một bên muốn củng cố chứng cứ và yêu cầu, bên kia bắt buộc phải cung cấp mọi tài liệu liên quan.
Các luật sư dựa vào nguyên tắc đó để yêu cầu Monsanto cung cấp tài liệu. Để tạo rối rắm cho nhóm luật sư, Monsanto cung cấp số lượng tài liệu khổng lồ lên đến khoảng 10 triệu trang. Hầu hết tài liệu được đóng dấu "mật" không cần thiết.
Ngày 13-3-2017, thẩm phán liên bang Vince Chhabria (người gốc Ấn Độ) quyết định Monsanto phải công bố đúng tài liệu theo yêu cầu của bên nguyên đơn. Các luật sư phải sử dụng hàng chục trợ lý để chọn lọc tài liệu.
Theo nữ luật sư Kathryn Forgie, từ "hồ sơ Monsanto", thông tin quan trọng nhất được công bố là người của Monsanto đã "xào nấu" các công trình nghiên cứu khoa học giảm thiểu mức độ nguy hại của glyphosate, sau đó câu kết với một số nhà khoa học nổi tiếng để họ đứng tên và gửi đăng báo.
Đương nhiên Monsanto lo đầy đủ "phong bì" hậu hĩnh cho họ. Đây được gọi là chiêu "tác giả ma".
Ngoài ra, Monsanto còn phát tán các công trình nghiên cứu nhằm đánh bóng hiệu quả của Roundup. Điểm lưu ý nữa là Monsanto đã ký kết hợp đồng khung với các nhà khoa học để họ cung cấp số lượng ấn bản nghiên cứu theo yêu cầu của công ty.
Hai người phụ nữ quả cảm Carey Gillam (trái) và Kathryn Forgie - Ảnh: Reporterre.net
Các vụ kiện ở Mỹ
Tính đến cuối tháng 7-2018, số đơn kiện ở cấp bang và liên bang đòi Monsanto bồi thường do tác hại của chất glyphosate tại Mỹ đã tăng lên đến 8.000 vụ.
Theo nghị sĩ châu Âu Gert Staes, tại Mỹ có 10.000 người mắc bệnh ung thư sau khi dùng thuốc diệt cỏ Roundup đã kiện Monsanto. Riêng tại San Francisco, tòa sơ thẩm đang xử lý hơn 250 vụ. Những người đi kiện khẳng định bản thân họ hoặc người thân đã bị ung thư hạch do thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất glyphosate và Monsanto đã che giấu nguy cơ này.
Vụ kiện được tập hợp vào nhóm các vụ kiện tập thể liên khu vực do thẩm phán liên bang Vince Chhabria ở tòa án quận Bắc California phụ trách.
Ngày 10-7-2018, sau nhiều tuần nghe tranh luận về mức độ độc hại của chất glyphosate, thẩm phán Vince Chhabria thông báo đã đủ yếu tố để bồi thẩm đoàn có thể xem xét đơn của hơn 400 đương đơn kiện Monsanto.
Trong báo cáo dày 68 trang được công bố, ông nhận định ý kiến của bốn nhà khoa học đã đủ để kết luận glyphosate có thể gây ung thư nơi con người.
Phần lớn người đi kiện là nông dân. Hai trường hợp tiêu biểu là chồng bà Teri McCall ở Cambria và ông John Barton ở Bakersfield cùng thuộc bang California đã đưa đơn kiện vào năm 2016. Tháng 10-2017, hai người đã đến Brussels (Bỉ) để cảnh báo công luận châu Âu về tác hại của hoạt chất glyphosate.
Bà Teri McCall (66 tuổi) bộc bạch: "Tôi quyết định kiện Monsanto ra trước pháp luật ít lâu sau khi chồng tôi qua đời vào tháng 12-2015 vì ung thư hạch. Chúng tôi chỉ phát hiện ông ấy mắc bệnh ung thư dạng hiếm này ba tháng trước khi ông ấy ra đi. J
ack đã sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup trong nông trại của chúng tôi suốt 30 năm mà không nghi ngờ gì về nguy hại của thuốc. Thật ra ông ấy ý thức về tác hại của hóa chất nhưng ông ấy tin những gì Monsanto nói. Con chó nhà tôi theo ông ấy suốt cũng bị ung thư ở cổ".
Ông John Barton (69 tuổi) tâm sự: "Tôi là nông dân thế hệ thứ ba. Tôi luôn nghe người ta nói hoạt chất chính glyphosate của thuốc Roundup không nguy hiểm. Trong suốt 50 năm, tôi đã phun hàng ngàn lít thuốc diệt cỏ của Monsanto trên cánh đồng bông của tôi.
Đến năm 2015, tôi đi khám bệnh vì nổi u ở cổ. Bác sĩ bảo tôi đã mắc bệnh ung thư hạch giai đoạn 3. Khi bạn nghe nói đến từ "ung thư", bạn có cảm giác như bị nghẹn thở vậy. Dù có gia đình an ủi nhưng bạn vẫn cảm thấy rất đau khổ.
Khi biết bị ung thư, tôi đã ngừng sử dụng thuốc diệt cỏ, vậy mà Monsanto cứ tiếp tục nói Roundup vô hại. Tôi muốn mọi công dân không chỉ ở Mỹ mà tại châu Âu nhận biết các nguy cơ khi dùng glyphosate.
Đừng để một công ty đa quốc gia thu lợi bằng sinh mạng người khác và quyết định thay cho mình. Cha và em trai tôi đã chết vì ung thư. Con trai tôi làm việc ở nông trại và đang mắc bệnh về xương...".
Vì sao nông dân chuộng glyphosate?
Chất diệt cỏ glyphosate được Monsanto bán ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1974 với tên thương mại Roundup. Glyphosate rất quan trọng với Monsanto bởi Monsanto chuyên bán thuốc diệt cỏ và các giống cây trồng biến đổi gen kháng glyphosate.
Từ năm 2000, sau khi bản quyền của Monsanto hết hạn, glyphosate đã được sử dụng trong thành phần của 750 sản phẩm do 90 công ty hóa nông sản xuất.
Glyphosate trở thành chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất thế giới với hơn 0,8 triệu tấn mỗi năm tại hơn 130 quốc gia. Đây là chất diệt cỏ dạng phun thường được nông dân sử dụng vì cách sử dụng đơn giản, rẻ tiền, diệt mọi loại cỏ không chọn lọc và lá hấp thụ glyphosate dẫn đến rễ.
Một tuần sau khi phun, nông dân đã có thể gieo trồng lại bình thường vì glyphosate không phản ứng khi tiếp xúc với đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận