Nhận biết xyanua trong các thực phẩm tự nhiên và đồ vật trong nhà
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn - giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia - cho biết xyanua hay cyanide gây độc cho sinh vật sống ở nồng độ rất thấp.
Xyanua thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừ sâu… Nó cũng được tìm thấy trong khói thuốc lá, khí thải xe cộ.
Trong tự nhiên nó cũng được tìm thấy ở hơn 2.000 loài thực vật. Trong số này có các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng, sắn (còn được gọi là củ mì), hạt của các loại quả hạch như táo, mơ, đào, lê, mận, anh đào.
Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn và chỉ nhai một vài hạt của những loại cây này có thể gây ngộ độc xyanua. Nấu kỹ thực vật chứa xyanua trong nước sôi có thể làm giảm mức độ độc tính của chúng một cách hiệu quả.
Xyanua gây độc cho người và động vật do khả năng ức chế hô hấp tế bào. Độc tính cấp tính ở người được đặc trưng bởi các triệu chứng như nôn mửa, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, khó nhìn, nhịp tim chậm, co giật, suy hô hấp và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi hít phải xyanua hoặc ăn thực phẩm có chứa chúng.
Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Hoa Kỳ (NIST), chất này còn được tìm thấy trong rất nhiều sản phẩm khác như len, lụa, vật liệu cách điện, đệm, thảm, các vật liệu xây dựng khác và đồ đạc trong nhà. Khí xyanua được sử dụng để tiêu diệt côn trùng và sâu bọ trong các tàu thuyền và các tòa nhà…
TS y khoa Melissa Conrad Stoppler - tạp chí chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe Emedicine Health (Mỹ) - cho hay có nguy cơ chúng ta bị nhiễm độc xyanua bởi chúng ta không chỉ sử dụng các thực phẩm có chứa xyanua mà xyanua tồn tại trong đất, nước và không khí, nghĩa là khắp nơi quanh ngôi nhà chúng ta đang sống.
Bạn có thể bị tiếp xúc với xyanua khi hít phải khí từ các sản phẩm có chứa cao su, nhựa và lụa khi bị cháy có thể tạo ra khói xyanua. Do xyanua là chất cực độc nên việc nhiễm độc xyanua gây ra những hệ quả rất xấu.
Ở liều thấp, nhiễm độc xyanua sẽ bắt đầu bằng cơ thể suy yếu, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn và cảm nhận khó thở. Một liều gây tử vong cho con người có thể ở mức thấp như 1,5mg/kg trọng lượng cơ thể.
Cách chế biến, bảo hộ để tránh bị ngộ độc
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, bản thân xyanua là chất cực độc nên không ai cho vào trong thực phẩm. Trong tự nhiên, nó có trong hạt của các loại quả hạch như táo, mơ, đào, lê, mận, anh đào, các hạt này rất cứng, con người thường không ăn nên hầu như không xảy ra ngộ độc.
Ngộ độc xyanua trong thực phẩm xảy ra chủ yếu khi ăn sắn không được chế biến đúng cách. Nguyên nhân là trong sắn có chất nhóm xyanua. Khi hấp thụ vào cơ thể nó sinh ra acid xyanhidric (HCN) có độc tính cao gây ngộ độc. Chất độc có nhiều nhất ở vỏ sắn, hai đầu củ sắn và lõi sắn.
Cũng vì thế, khi ăn sắn phải cắt hai đầu bỏ đi, bóc vỏ, ngâm trong nước sau đó mới mang đi luộc. Loại bỏ xyanua trong sắn khá dễ vì đặc tính của xyanua dễ tan trong nước.
Trong măng tươi cũng có chứa xyanua. Tuy nhiên, trong thực tế ngộ độc sắn phổ biến hơn, thậm chí có người tử vong, ngộ độc măng rất ít. Lý do vì khi chế biến chúng ta thường ngâm, luộc măng rất kỹ, bỏ nước đi, muối chua… nên khi ăn hầu như không có ai bị ngộ độc, nếu có thì cũng nhẹ.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, sắn, măng có chất độc là acid xyanhydric. Độc tố acid xyanhydric có cả trong sắn thường dùng và sắn cao sản, nhưng trong sắn cao sản độc tố này cao gấp nhiều lần. Khi vào trong máu, độc tố làm cho các mô tế bào bị thiếu oxy, gây suy hô hấp nghiêm trọng.
Hiện nay ngộ độc sắn ít gặp hơn trước đây và tình trạng ngộ độc này thường gặp ở vùng sâu, vùng xa. Người bị ngộ độc do ăn phải sắn chưa được rửa và ngâm kỹ, hoặc luộc sắn còn cả vỏ. Nếu bóc vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc thì chất độc sẽ mất đi.
Ngộ độc nặng hơn ở trẻ em và người suy dinh dưỡng, đặc biệt là nếu ăn sắn khi đói và ăn nhiều.
Để phòng tránh ngộ độc sắn, người dân lưu ý không ăn sắn khi đói, trước khi ăn nên gọt vỏ, ngâm nước, luộc kỹ và không nên ăn quá nhiều. Nếu thấy trẻ có biểu hiện chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, lơ mơ sau khi ăn sắn thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Theo các chuyên gia, mặc dù xyanua ở khắp nơi quanh ngôi nhà nhưng chúng ta không nên quá hoang mang. Khí xyanua nguy hiểm nhất khi bị kẹt ở những nơi kín bí, nhưng nó bốc hơi và tan nhanh trong không gian mở, vì vậy nếu gia đình bạn có người hút thuốc lá, khi các vật liệu như thảm, len, lụa… cháy, hãy mở cửa để không khí thông thoáng.
TS Melissa Conrad Stoppler cũng nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ phơi nhiễm xyanua khi có cha mẹ hoặc người chăm sóc làm việc trong một ngành công nghiệp có sử dụng xyanua. Các quy định an toàn nghiêm ngặt phải được tuân thủ để ngăn ngừa phơi nhiễm nghề nghiệp.
Nhân viên phải để lại tất cả các hóa chất trong phòng thí nghiệm hoặc nhà máy. Ở các gia đình cũng cần chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa cháy nhà, bao gồm cả lắp đặt máy dò khói, báo cháy và trang bị các kiến thức ứng phó khi xảy ra cháy, bởi khói từ các đám cháy luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc xyanua có thể dẫn đến chết người.
Làm gì khi nghi ngờ ngộ độc xyanua?
"Xyanua được hấp thụ rất nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao. Vậy nên, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe và nghi ngờ bị ngộ độc xyanua, nạn nhân cần nhanh chóng thực hiện các thao tác sau:
Trường hợp đang ở trong môi trường nhiều khí xyanua, người dân cần thoát ra ngoài nhanh nhất có thể. Người phát hiện cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra chỗ thoáng khí và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trường hợp tiếp xúc xyanua qua da hoặc mắt, người dân cần rửa vùng da, mắt tiếp xúc với chất độc dưới vòi nước chảy hoặc nhiều lần bằng nước sạch. Sau đó, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và đúng cách.
Các trường hợp ngộ độc xyanua qua đường ăn uống, ngay khi nghi ngờ ngộ độc cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Xử lý ngộ độc xyanua cần các bệnh viện có đủ máy móc thiết bị để tiếp tục can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu như lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO)…" - bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy - trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận