Công trình giếng bơm nước sạch cho người dân buôn Kít, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - Ảnh: DUY THANH
Mấy ngày nay, hai bồn nước đầu nhà chẳng hiểu sao cứ chảy ồ ồ không ngăn lại được. Chị Tuyết Anh (ở một khu nhà trọ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) xót ruột gọi điện báo cho chủ nhà tới sửa.
Sài Gòn lo gì thiếu nước?
Khu nhà trọ chị Tuyết Anh ở thu mỗi người 100.000 đồng tiền nước mỗi tháng. Dùng ít dùng nhiều, cuối cùng cũng phải trả từng đó tiền, thành ra nhiều người chưa có ý thức tiết kiệm. Chiếc máy giặt nhà chủ trang bị chung cho cả xóm, đôi lúc chỉ một bộ quần áo mà ai đó cũng bỏ vô giặt ầm ầm gần một tiếng.
Người thuê phòng trên sân thượng trồng cây, trồng rau còn lắp vòi phun để tưới xối xả, nước chảy lênh láng. Có bữa, nhà tắm chung có ai đó mở nước rồi đứng nói chuyện điện thoại để nước chảy tràn.
Là một người làm công tác xã hội, chị Tuyết Anh từng được đi nhiều nơi, chứng kiến sự khó khăn thiếu thốn của người dân vì thiếu nước sạch sinh hoạt nên nhìn những cảnh ấy mà thấy xót.
Nhưng đôi lúc nhắc nhở, chị chỉ nhận lại được cái nhìn lạ lẫm, có khi là khó chịu của những người hàng xóm: "Sài Gòn lo gì thiếu nước. Mình tiết kiệm ở đây thì nước cũng đâu có chảy về mấy nơi khô hạn cho người ta dùng".
Điều đáng nói nhất là những cảnh dùng nước không tiết kiệm diễn ra hằng ngày trước mắt những đứa trẻ, khiến chị Tuyết Anh cũng không biết phải giải thích với con mình ra sao.
Học thói quen tiết kiệm nước
Cô Nguyễn Yên Viên, giáo viên một trường tiểu học ở TP.HCM, kể rằng trong những giờ dạy liên quan đến tiết kiệm nước, cô hay lấy hình ảnh minh họa là những cánh đồng khô hạn ở Ninh Thuận, hình ảnh những em bé năm, sáu tuổi nhìn thấy mưa… Cô kể, nhiều em nói rằng những hình ảnh đó chỉ có ở châu Phi chứ không thể ở Việt Nam được.
"Có lần, tôi cho các em kể chuyện về quê. Một em kể em về quê ở Bạc Liêu, nước nhiều lắm mà ngoại em nói dơ, mặn không xài được. Ngoại em phải nhường nước ngọt cho em tắm và dặn em ở thành phố nước có dư cũng phải tiết kiệm, vì lỡ tới lúc thiếu nước sẽ không chịu được" - cô Viên kể lại câu chuyện này và cho rằng cha mẹ nên dạy các em từ những việc nhỏ như vậy.
Cô cũng cho biết sau những câu chuyện kể về nước như vậy, khi rửa tay bằng vòi nước ở trường, các em đã nhớ khóa vòi trong khi thoa xà bông vào tay, khiến cô rất hài lòng.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, sau chuyến thăm con đang công tác ở Trường Sa, đã mang về nhiều bài học về tiết kiệm nước. Câu chuyện dùng nước ngọt của các chiến sĩ nhiều lần được ông mang ra kể.
Nước ngọt rất quý, rất hiếm nên chiến sĩ ta tắm giặt chủ yếu bằng nước biển, trước khi tắm biển thì lấy một ca nước đổ nhẹ nhàng lên người, dưới chân có chậu hứng. Tắm xong rồi lên tráng lại bằng một ca nước nhỏ, cũng hứng chậu. Chậu nước tắm ấy được dùng tưới rau. Ở đảo, nước ngọt quý lắm. Không có nước ngọt, không trồng được rau xanh."
Trích lời kể ông Nguyễn Xuân Hòa sau chuyến thăm con ở Trường Sa
Dưới cái nắng như thiêu như đốt, mồ hôi mặn mòi hơn nước biển mà không có nước uống, nước tắm, không có rau ăn thì "lãng phí một ca nước là tội ác" - như lời một chiến sĩ trẻ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà, trong phát biểu tại lễ mittinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2017 tổ chức sáng 22-3 ở Bắc Ninh, cho biết cùng với hiện tượng El Nino, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước đã xảy ra ở nhiều vùng trong cả nước.
Trong bối cảnh nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, ông Hà cho rằng vẫn tồn tại bất cập về sử dụng nước lãng phí. Bởi vậy ông đưa ra lời kêu gọi: Phải cấp bách tiết kiệm nước. Tiết kiệm nước không chỉ là câu chuyện của những vùng thiếu nước. Nó còn là câu chuyện của sự văn minh và lòng sẻ chia với những người khó khăn.
Những đứa trẻ học trò cô Yên Viên đã học được rất nhiều thói quen tiến bộ. Nhiều đứa bé đã biết giúp mẹ tưới rau bằng nước rửa rau, vo gạo, biết nhắc mẹ khi giặt đồ nhớ dùng nước xả vải tiết kiệm nước… Các em bảo làm vậy vì thương các bạn ở những vùng không có nước.
"Tiết kiệm cho bạn, giúp vùng hạn mặn"
Làm thế nào để giúp bà con những vùng thường xuyên bị thiếu nước vì hạn mặn? Có rất nhiều cách, ngoài việc tiết kiệm nước trong sinh hoạt hằng ngày, khi tham gia chiến dịch "Tiết kiệm cho bạn, giúp vùng hạn mặn" (thuộc chương trình "Nước cho vùng hạn, mặn" do báo Tuổi Trẻ phát động), bạn sẽ góp phần cùng nhãn hàng Comfort 1 lần xả, Công ty Unilever thực hiện nhiều công trình tại các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán và nhiễm mặn nặng.
Từ chiến dịch này, 10 công trình dẫn nước, 1.000 bồn chứa nước, 200.000m3 nước sạch với tổng giá trị hơn 3 tỉ đồng đã đến với nhiều người dân thuộc 15 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Kiên Giang, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Yên Bái, Hà Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk và Đắk Nông. Bên cạnh đó, chương trình còn tặng 2.000 phần quà là sản phẩm của Comfort trị giá hơn 100 triệu đồng cho 2.000 hộ dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận